Chèo Hà Nội mang ba vở xuất sắc tham gia cuộc thi Chèo toàn quốc

Văn hóa - Ngày đăng : 08:16, 07/10/2016

(HNMO) - Mang 3 vở diễn được đầu tư lớn do hai NSND lừng danh thực hiện là Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng cùng dàn diễn viên, nhạc công xuất sắc nhất, Nhà hát chèo Hà Nội đang tạo ấn tượng mạnh trong cuộc thi Chèo toàn quốc đang diễn ra tại Ninh Bình. Trong đó, nhiều thủ pháp nghệ thuật mà Nhà hát Chèo sử dụng được coi là tiên phong trong việc làm mới nghệ thuật Chèo.

Vở "Cánh chim trắng trong đêm"


Tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo toàn quốc 2016, có 18 đơn vị nghệ thuật đã mang đến Ninh Bình 27 vở diễn, trong đó, Nhà hát chèo Hà Nội có tới 3 vở diễn (là một trong những đơn vị có số lượng vở diễn nhiều nhất cuộc thi). Ngay đêm khai mạc, Nhà hát chèo Hà Nội được BTC chọn diễn mở màn với vở “Cánh chim trắng trong gem” (Đạo diễn – NDND Doãn Hoàng Giang). Đây là vở diễn từng đoạt Huy chương vàng Liên hoan sân khấu Thủ đô 2014.

Vở diễn đề cao tinh thần yêu nước, tính nhân văn của nhân dân Hà Hội những tháng ngày khói lửa chống thực dân Pháp xâm lược những năm 50 thế kỷ trước. Tình yêu cháy bỏng nhưng đơn phương của một sĩ quan Pháp đối với một thiếu nữ Tràng An đã thực sự trở thành một câu chuyện tình đầy nhân văn, lãng mạn.

Vở "Nàng thứ phi họ Đặng"


Một vở diễn khác cũng của đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang dàn dựng cho Chèo Hà Nội tham dự cuộc thi lần này, đó là “Nàng thứ phi họ Đặng”. Đây là một vở dã sử với thông điệp nóng hổi tới tận hôm nay, đó chính là tôi trung thì bị thất sủng mà nịnh thần lại được tôn sùng trong các triều đại cũ, nhưng cuối cùng, chính nghĩa vẫn thắng và cái ác sẽ phải trả giá. Một câu chuyện cũ nhưng mang tư tưởng rất thời đại có ý nghĩa với bất kỳ giai đoạn lịch sử nào. Nếu như “Cánh chim trắng trong gem” mang nhiều thủ pháp hiện đại thì “Nàng thứ phi họ Đặng” lại đậm chất dân gian và “đặc” chèo. Lối diễn và các bài hát khai thác tối đa chất liệu truyền thống và có sự sáng tạo khi có những đoạn làm mới về âm nhạc khiến cho vở diễn vừa mang giá trị vốn cổ, lại vừa tạo được sự trẻ trung phù hợp với đời sống hiện nay.

“Bom tấn” thứ 3 của Chèo Hà Nội chính là vở diễn “Chuyện tình trên bến Nam Xang” của đạo diễn – NSND Lê Hùng. Nếu như 2 tác phẩm của NSND Doãn Hoàng Giang đậm chất chèo thì tác phẩm của NSND Lê Hùng lại như một cuộc “phá cách”, cải tiến mạnh mẽ cho chèo. Lần đầu tiên, một vở chèo “ma” quá hấp dẫn bởi cách dàn dựng và những thủ pháp sân khấu hiện đại. Lâu nay, chèo thường dùng tính “ước lệ” để diễn giải về không gian, thời gian. Tuy nhiên, NSND Lê Hùng đã dùng nhiều tính thực tế (như ngôn ngữ trong điện ảnh) để dàn dựng vở diễn tạo nên sự khác biệt lớn đối với những vở chèo truyền thống. Một sân khấu mờ ảo, ma mị đầy ám ảnh. Những đạo cụ trên sân khấu được “thổi hồn” qua ánh sáng laser, khói lạnh, kỹ xảo sân khấu... khiến người xem có cảm giác như lạc vào một không gian huyền tích thực sự cuốn hút. Có thể nói, “Chuyện tình trên bến Nam Xang” là một cuộc “cách mạng” về dàn dựng cho chèo.

Vở "Chuyện tình bến Nam Xang được dàn dựng với nhiều yếu tố ma mị


Có thể nói, ngoài sự đầu tư dàn dựng của Nhà hát dưới sự chỉ đạo của “Thủ lĩnh” – NSND Thuý Mùi – Giám đốc Nhà hát, cùng sự nhiệt huyết của đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng thì 3 vở diễn được đồng nghiệp gọi vui là “bom tấn” của Chèo Hà Nội phải kể đến sự thể hiện rất xuất sắc của dàn viễn viên tài năng như: NSƯT Đức Thuận, NSƯT Thanh Loan, NSƯT Minh Nhan, NSƯT Ngọc Ánh, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Hoài Thu, Quốc Phòng, Việt Thắng, Thu Hoà, Ngọc Dương, Quang Dương, Thu Hà, Đào Dũng... Đây là những nghệ sĩ tài năng nổi bật của Nhà hát Chèo Hà Nội.

Nhiều năm nay, Chèo Hà Nội đã tạo nhiều dấu ấn trong làng Chèo Việt Nam khi liên tục cho ra mắt những tác phẩm lớn, được đầu tư mạnh để vừa đáp ứng yêu cầu nghệ thuật, vừa đáp ứng thị hiếu của công chúng hiện đại. Khi nghệ thuật truyền thống lao đao trong việc giữ gìn phát huy và lôi kéo khán giả thì Chèo Hà Nội vẫn chứng tỏ sự mạnh mẽ và sức bền của mình bằng việc cho ra mắt nhiều tác phẩm được đầu tư tiền tỉ, nhiều đêm diễn “đỏ đèn” kín chỗ, điều mà rất nhiều nhà hát mơ ước. Thời điểm này, không quá khi nói rằng, Nhà hát Chèo Hà Nội đã “soán ngôi anh cả Đỏ” của làng Chèo Việt Nam và đang đi đầu trong việc đổi mới tư duy, vừa giữ gìn truyền thống vừa phát triển để phù hợp với thời đại.

Hoàng Lân