Karaoke và “ánh mắt” lo ngại

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:23, 07/10/2016

(HNM) - Karaoke là loại hình kinh doanh có điều kiện, phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự và một số quy định khác. Thực tế, hầu hết các cơ sở kinh doanh karaoke có đầy đủ các loại giấy phép và qua kiểm tra của các cơ quan chức năng cũng rất hiếm khi phát hiện vi phạm.

Những vi phạm nhỏ?

Từ lâu, khu vực đường Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thái Học… phường Yết Kiêu (Hà Đông) được mệnh danh là “phố karaoke” với hơn chục quán nằm san sát. Có mặt tại đây vào 22h ngày 4-10, chúng tôi ghi nhận lượng khách ra vào khá đông đúc. Tiếng còi xe, tiếng í ới mời chào, ánh đèn nhấp nháy đủ màu tạo khung cảnh nhộn nhịp, sầm uất. Hầu hết các quán đều bố trí tầng 1 là nơi tiếp khách và gửi xe máy, nhưng vào giờ cao điểm, xe của khách vẫn tràn ra cả lòng đường, vỉa hè; đặc biệt, vào ngày nghỉ, dịp lễ, Tết tình trạng này phổ biến hơn.

Vụ cháy tại quán karaoke ở phố Nguyễn Khang ngày 17-9-2016. Ảnh: Phương Thảo


Là nơi tập trung quán karaoke lớn nhất quận Hà Đông, Phó Chủ tịch UBND phường Yết Kiêu (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Hồng Nhung cho biết: Trên địa bàn có 21 quán karaoke, tập trung nhiều nhất ở tổ dân phố số 2, số 5. Toàn bộ các quán nằm trong khu dân cư, có đủ hồ sơ pháp lý, gồm: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy phép kinh doanh karaoke; biên bản kiểm tra xác nhận điều kiện về phòng cháy chữa cháy (PCCC); giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và giấy chứng nhận thực hiện nghĩa vụ bản quyền tác giả âm nhạc. Hoạt động karaoke ở đây đã có hàng chục năm nay và chưa khi nào xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, cháy nổ.

“Gần đây cũng có ý kiến của một số người dân phường Quang Trung (phường giáp ranh) phản ánh tình trạng tiếng ồn lớn, ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhưng điều này khó xử lý vì các quán karaoke tập trung ở một khu vực nên vào giờ cao điểm khó tránh khỏi việc gây tiếng ồn. Chúng tôi đã kiểm tra và yêu cầu chủ quán thực hiện các quy định, hạn chế ảnh hưởng đến khu dân cư xung quanh” - bà Nhung cho biết.

Tương tự, tại phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cũng có nhiều quán karaoke với quy mô lớn. Chỉ vài trăm mét dọc đường Nguyễn Khang đã có đến 5, 6 quán karaoke bề thế, luôn tập trung lượng khách lớn. Ngoài biển hiệu ghi tên, địa chỉ của quán, hầu hết diện tích còn lại phía mặt tiền các quán karaoke đều “phủ” lớp trang trí hoành tráng gồm hệ thống đèn nháy và các vật liệu sơn đủ màu; phía trước quán, dưới lòng đường luôn đỗ kín hàng dài xe ô tô.

Theo thống kê, phường Yên Hòa hiện có 2/17 quán karaoke chưa đủ hồ sơ theo quy định, gồm: Quán Gold ở số 85G đường Nguyễn Khang (bị cháy ngày 17-9) và Lavender ở số 50 Vũ Phạm Hàm. Đối với quán karaoke Lavender, Công an phường đã kiểm tra, đề xuất Công an quận Cầu Giấy ra quyết định xử phạt hành chính 10 triệu đồng vì lỗi chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để kinh doanh. “Hiện nay quán đã dừng hoạt động” - Thiếu tá Trương Mai Công, Phó trưởng Công an phường Yên Hòa khẳng định.

Mối lo ngại lớn

Theo quy định tại Thông tư 04/2009/TT-BVHTTDL ngày 16-12-2009 và Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 6-11-2009, các quán karaoke khi được cấp phép hoạt động phải phù hợp với quy hoạch karaoke đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Cùng với đó, các phòng hát phải có diện tích từ 20m2 trở lên (không kể công trình phụ), phải bảo đảm an toàn về phòng chống cháy nổ; kính của phòng không màu để có thể nhìn được từ bên ngoài vào và không được khóa, chốt cửa bên trong. Những quán karaoke hoạt động trong khu dân cư phải được sự đồng ý của các hộ liền kề và không hoạt động sau 24h đến 8h sáng ngày hôm sau. Các cơ sở kinh doanh karaoke không bán rượu và không để khách uống rượu trong phòng. Song, đó chỉ là lý thuyết.

Hình ảnh những “nam thanh, nữ tú” dập dìu từ sáng đến đêm khuya ở những quán karaoke khiến nhiều người không khỏi nghi ngại về tính lành mạnh trong hoạt động của loại hình dịch vụ này. Gần đây nhất, vụ cháy xảy ra tại quán Gold ở 85G đường Nguyễn Khang cho thấy một thực tế khá rõ ràng. Trong khi cả công an, lãnh đạo UBND phường Yên Hòa đều khẳng định cơ sở này chưa đi vào hoạt động và trước đó đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản, chủ quán ký cam kết không hoạt động khi chưa đủ điều kiện… Song, khi hàng loạt "chân dài" chạy thoát thân khỏi đám cháy, nhiều người nghi ngờ việc quán "không hoạt động" như khẳng định của chính quyền phường sở tại? Lý giải về thực tế này, Thiếu tá Trương Mai Công cho biết: Vào thời điểm xảy ra cháy, karaoke Gold đang cho nhân viên kiểm tra hệ thống điện. Lúc này, tại cơ sở có hơn 10 nhân viên (cả nam và nữ) và một số thợ sửa chữa điện. Trả lời này cũng phù hợp với thông tin của Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa Trần Hải Yến: Khi thấy cơ sở karaoke có dấu hiệu hoạt động, ngày 28-7, UBND phường đã kiểm tra và thấy cơ sở không hoạt động phòng hát và đang trong thời gian hoàn thiện cơ sở vật chất…

Chỉ chưa đầy 20 ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9-2016, xảy ra hai vụ cháy liên quan đến hoạt động karaoke tại Zozo 157 phố Vũ Tông Phan, phường Khương Trung (quận Thanh Xuân) và karaoke Gold, 85G phố Nguyễn Khang khiến nhiều người nơm nớp mối lo "bà hỏa" ghé thăm, vì phần lớn các quán đều ở trong khu dân cư sầm uất. Tại sao các quán karaoke đều được thẩm định phương án PCCC rất kỹ lưỡng, hằng năm nhân viên đều được tập huấn nghiệp vụ PCCC nhưng vẫn "bó tay" khi xảy cháy?

Lý giải điều này, Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 12 (Sở Cảnh sát PC&CC Hà Nội) cho biết: Thông tư số 47/2015/TT-BCA ngày 6-10-2015 hướng dẫn về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh vũ trường, karaoke là căn cứ để cơ quan chức năng thẩm duyệt và nghiệm thu phương án PCCC của các cơ sở karaoke. Tuy nhiên, trong quán có rất nhiều thứ làm "mồi" cho lửa như: Sa lông, đệm mút, xốp, thảm trải sàn… nhưng thông tư không đề cập, không nêu quy chuẩn cho những vật liệu này. Chưa kể, phần lớn các quán đều xây dựng theo tiêu chuẩn công trình nhà ở riêng lẻ nhưng được cải tạo thành quán karaoke. Điều này gây bất cập bởi hệ thống điện dùng trong gia đình hoàn toàn khác hệ thống điện trong quán karaoke. Bên cạnh đó, các quán còn bố trí khối lượng lớn hệ thống đèn điện tử trang trí nên nguy cơ chập cháy là luôn thường trực.

Đồng quan điểm, bà Trần Hải Yến, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa cho biết: Các quán karaoke đều lắp biển hiệu theo đúng quy định, nhưng việc trang trí phía mặt tiền có kích thước quá lớn để hút khách. Đối chiếu thực tế với hồ sơ cấp phép cho một quán karaoke hoạt động, chúng tôi thấy không có quy định cụ thể nào về vấn đề này. Trong khi đó, vụ cháy ở quán Gold 85G đường Nguyễn Khang là do chập điện tại bảng trang trí phía bên ngoài cháy lan vào trong.

Khi một cơ sở karaoke được phép hoạt động đồng nghĩa với việc đã đáp ứng đủ các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nhiều cơ sở không có chỗ để xe ô tô, có vị trí gần tường bao của trường học, bệnh viện vẫn được cấp phép. Và một lượng lớn nữ tiếp viên có trang phục phản cảm, phục vụ nhiều trò giải trí tại quán đã khiến tính lành mạnh trong loại hình kinh doanh này ngày càng bộc lộ những vấn đề phức tạp. Nếu các cơ quan chức năng không khách quan trong hoạt động kiểm tra, cấp phép và xử lý sai phạm thì dịch vụ karaoke vẫn mãi nhận ánh nhìn lo ngại từ xã hội.

Nhóm PV Phóng sự điều tra