Các nước nghèo mất 170 tỷ USD mỗi năm vì thiên đường thuế
Nông nghiệp - Ngày đăng : 20:19, 07/10/2016
Trong năm 2013, 85 người giàu nhất thế giới sở hữu số tài sản tương đương 3,5 tỷ người nghèo nhất. Đến năm 2016, 62 người giàu có số tài sản tương đương với tổng tài sản của 3,6 tỷ người thu nhập thấp, tức một nửa dân số thế giới. Điều này có nghĩa là giới siêu giàu, hiện chỉ chiếm 1% dân số thế giới, lại đang sở hữu khối tài sản khổng lồ, lớn hơn tổng tài sản của 99% còn lại.
Theo bà Susana Ruiz Rodríguez, điều phối viên các hoạt động của Oxfam Quốc tế về chính sách toàn cầu trong lĩnh vực công bằng tài khóa, sự gian lận trong hệ thống thuế toàn cầu là nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng bất bình đẳng. Hệ thống này tạo điều kiện cho các công ty và cá nhân giàu có làm giàu trên lợi ích của những người khác, đồng thời cũng khiến cho các quốc gia trên thế giới thất thoát thu ngân sách để đầu tư cho các dịch vụ công như y tế và giáo dục.
Theo bà Susana Ruiz Rodríguez, Hồ sơ Panama bị rò rỉ gần đây cho thấy hệ thống thuế toàn cầu đang bị lợi dụng một cách có tổ chức. |
Hồ sơ Panama bị rò rỉ gần đây cho thấy hệ thống thuế toàn cầu đang bị lợi dụng một cách có tổ chức và đặt ra yêu cầu cần phải cải tổ toàn bộ hệ thống thuế thế giới.
Một trong những hình thức né thuế phổ biến của nhiều công ty đa quốc gia hiện nay, đó là chuyển giá. Bà Susana nêu ví dụ, một chiếc điện thoại được sản xuất tại Việt Nam với mức giá 1 USD. Chiếc điện thoại này sẽ được xuất sang một thiên đường thuế, và được định giá 100 USD. Khi đó, nhà sản xuất bỏ túi 99 USD nhưng không hề phải nộp thuế. Sau đó, cũng chính chiếc điện thoại này được bán tại Tây Ban Nha với giá 101 USD. Trong trường hợp này, cả quốc gia sản xuất là Việt Nam, hay quốc gia tiêu thụ là Tây Ban Nha đều gần như không thu được tiền thuế từ doanh nghiệp.
Mặc dù tất cả các quốc gia đều bị ảnh hưởng bởi hành vi trốn thuế, nhưng những quốc gia nghèo và có thu nhập trung bình thấp lại phải trả giá đắt nhất. Theo ước tính, các quốc gia nghèo thất thoát khoảng 170 tỷ USD tiền thuế mỗi năm do các thiên đường thuế.
Ngoài ra, các thiên đường thuế còn tiếp tay cho tham nhũng. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Kim Yong Jim đã miêu tả các công ty trốn thuế là “một dạng tham nhũng khiến người dân nghèo khổ”.
Theo Oxfam, đã đến lúc chấm dứt kỷ nguyên thiên đường thuế, nơi tạo điều kiện cho hành vi tránh thuế của các doanh nghiệp và cá nhân, khiến cho các quốc gia thất thoát nguồn lực quý giá cần thiết để giải quyết đói nghèo và bất bình đẳng.
Giải pháp chính để chấm dứt kỷ nguyên của các Thiên đường thuế là thành lập một hệ thống đăng ký công khai, tập trung đối với các hình thức sở hữu tài sản, nhằm công bố rõ ràng ai thực sự sở hữu các công ty và các quỹ. Việc minh bạch thông tin không chỉ cần thiết để chống tham nhũng, mà còn giúp chấm dứt kỷ nguyên của các Thiên đường thuế, ngăn chặn các dòng tiền luân chuyển để trốn thuế tại những quốc gia nghèo nhất thế giới.