Tiêu thụ nông sản ở chợ đầu mối: Thương lái thao túng thị trường

Kinh tế - Ngày đăng : 07:28, 08/10/2016

(HNM) - Các chợ đầu mối giữ vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tuy nhiên, hoạt động buôn bán, tiêu thụ tại các chợ này bị thương lái chi phối cả về giá cả cũng như nguồn cung; việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ gần như bỏ ngỏ.

Chợ đầu mối rau quả Long Biên. Ảnh: Hải Anh


90% nông sản do thương lái điều tiết

Hà Nội hiện có 425 chợ, 135 siêu thị và hàng nghìn cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm, tập trung ở các quận nội thành, trong đó có 5-6 chợ đầu mối chuyên kinh doanh các mặt hàng nông sản như: Long Biên, đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai), Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh), Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm), Văn Quán (Hà Đông)… Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan (Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam), hằng ngày các chợ đầu mối thu hút lượng lớn nông dân, tiểu thương tham gia mua bán nông sản. Tại chợ, các tiểu thương được bố trí chỗ ngồi cố định theo tháng, mỗi ngày tiêu thụ từ 500 đến 800 tấn rau, củ, quả các loại, nhưng chất lượng nông sản hầu như chưa được kiểm soát. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng mà gây khó khăn cho sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn. Còn ông Nguyễn Tuấn Khanh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Đặng Xá (Gia lâm), cho biết xã đã quy hoạch được 5 vùng sản xuất rau củ tập trung với diện tích 140ha, xã viên sản xuất theo quy trình an toàn, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm đến nay vẫn gần như “bế tắc” và dựa chủ yếu vào thương lái ở chợ đầu mối. Vì vậy, chỉ có 20% sản lượng rau của HTX được bán với đúng giá rau an toàn, còn lại do thương lái thu mua tại ruộng với giá rau thường.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, đang tồn tại 2 dạng tiêu thụ tại chợ đầu mối nông sản: Nông dân mang sản phẩm ra chợ bán với số lượng khoảng 5%, còn lại hơn 90% do thương lái thu mua tại ruộng rồi đưa về chợ bán buôn cho các tiểu thương. Do đó, thương lái là người quyết định giá cả và nguồn cung nông sản trên thị trường. "Vì vậy khi xảy ra mưa bão, mặc dù người dân chỉ bán nông sản với giá cao hơn từ 5% đến 7% so với ngày thường nhưng thương lái lại nâng giá cao vọt khiến sản phẩm bán tại chợ tăng từ 30% đến 50%" - ông Nguyễn Văn Chí dẫn chứng. Không những thế, để thu lợi, thương lái còn ép bán sản phẩm an toàn với giá như nông sản thông thường, thậm chí, nhiều mặt hàng nông sản Trung Quốc cũng được trà trộn bày bán với nông sản Việt Nam, nhất là các loại rau, củ, quả trái vụ.

Mặc dù còn có những hạn chế nhưng không thể phủ nhận “sức mạnh” của chợ đầu mối trong khâu lưu thông, phân phối tiêu thụ nông sản cho các chợ bán lẻ. Ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm cho biết, hiện số lượng lớn nông sản trên địa bàn huyện đều tiêu thụ qua chợ đầu mối nên nhiều năm qua nông dân trên địa bàn huyện không bị “ế” sản phẩm khi vào vụ thu hoạch. Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Nguyễn Văn Hiến thì nhận định, chợ đầu mối là nguồn cung cấp hàng hóa cho các chợ bán lẻ cũng như hệ thống các quán cơm, nhà hàng và người tiêu dùng trực tiếp với nguồn hàng hóa phong phú, đa chủng loại. Thương lái của huyện rất nhạy bén với nền kinh tế thị trường nên thường thu mua nông sản của người dân địa phương, mùa nào thức ấy rồi đưa về các chợ đầu mối như: Long Biên, Phùng Khoang, Văn Quán… để tiêu thụ. Vì vậy, vào vụ thu hoạch sản phẩm nông nghiệp của Hoài Đức đều tiêu thụ thuận lợi, không xảy ra tình trạng nông dân phải đổ bỏ sản phẩm.

Quy hoạch khu bán hàng riêng biệt

Thực tế cho thấy, việc mua bán nông sản qua các kênh mua sắm hiện đại hiện chỉ chiếm 20-30%, còn đa phần mua bán ở các chợ dân sinh nên việc quản lý tại các chợ đầu mối cần phải được siết chặt mới vừa tạo điều kiện cho sản phẩm an toàn có chỗ đứng vừa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Để từng bước kiểm soát nông sản ở các chợ đầu mối cũng như tạo sự công bằng trong kinh doanh, Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Đại Lan (xã Duyên Mỹ - Thanh Trì) Đặng Bá Thắng đề nghị các ngành chức năng cần sắp xếp các khu bán hàng riêng biệt trong chợ đầu mối và kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc nông sản. Việc quy hoạch rõ nơi bán sản phẩm an toàn sẽ tạo thuận lợi cho người nông dân tiêu thụ nông sản an toàn với giá trị thực và giúp người tiêu dùng phân biệt được chất lượng sản phẩm.

Khảo sát tại một số chợ đầu mối cho thấy đa phần quy hoạch chắp vá, các ngành hàng thực phẩm bày bán lẫn lộn với nông sản nên chưa bảo đảm chất lượng. Nhiều ý kiến cho rằng cần nghiên cứu, quy hoạch ở mỗi nơi một chợ đầu mối theo hướng hiện đại, có các quầy ki ốt, hệ thống kho lạnh bảo quản để nông sản không bị hư hỏng, giập, nát…

Đến nay việc duy trì các chợ đầu mối vẫn rất cần thiết, nhưng cần được quản lý chặt chẽ và có sự phân biệt rõ ràng chất lượng sản phẩm. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ngô Đại Ngọc cho rằng, các ngành chức năng cần kiểm soát "đường đi" của nông sản, thực phẩm bằng cách liên kết chặt chẽ từ vùng sản xuất đến chợ đầu mối và hệ thống bán lẻ. Trong đó các chợ đầu mối trực tiếp kết nối và thu mua những mặt hàng nông sản chủ lực của các địa phương cùng với doanh nghiệp. Đồng thời, Nhà nước cần khâu nối tiêu thụ nông sản giữa HTX với các bếp ăn tập thể của các trường học, khu công nghiệp, nhà hàng, khách sạn nhằm đẩy mạnh tiêu thụ… hạn chế phụ thuộc vào thương lái thu mua và điều phối thị trường như hiện nay. 

Ngọc Quỳnh