Họ xứng đáng được tri ân!
Đời sống - Ngày đăng : 10:01, 09/10/2016
Khi ấy, chưa có những thông tin chính xác về tiềm năng cũng như kế hoạch phát triển ngành dầu khí ở khu vực phía Nam. Trong khi đó, nhu cầu điện năng ở miền Nam đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, tăng nhanh hơn nhiều so với miền Bắc. Việc đưa các tổ máy cuối cùng của Thủy điện Hòa Bình vào vận hành giữa những năm 90 sẽ tạo nên tình huống dư thừa tạm thời công suất và điện năng ở khu vực phía Bắc. Lượng điện năng này cần được truyền tải vào miền Trung và miền Nam để giải quyết tình trạng thiếu điện triền miên và trầm trọng ở khu vực này.
Nhà văn hóa lớn Đimitri Likhachov đã nói thật chí lý rằng: “Trong ba chiều của thời gian, quan trọng nhất là hiện tại, hấp dẫn nhất là tương lai, phong phú nhất là quá khứ”. Quả thực, có lâu đài nào của hôm nay lại không được xây trên cái nền của quá khứ và có con người nào lại không sống trong cả ba chiều của thời gian. Trong chuỗi dài quá khứ có những sự kiện như là một cột mốc thật sự đậm nét và có sức lan tỏa lớn trong cả chặng đường tiếp theo. Công trình xây dựng đường dây 500kV Bắc-Nam là một ví dụ. Khi đường dây 500kV Bắc-Nam đi vào vận hành đã làm nhiệm vụ hợp nhất các hệ thống điện đang vận hành riêng lẻ ở cả 3 miền vào hệ thống điện toàn quốc với hiệu quả khai thác hệ thống và cung ứng điện cho nền kinh tế quốc dân cao hơn nhiều so với trước khi hợp nhất.
Cũng cần nhớ lại rằng, những nghiên cứu được tiến hành cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 trong khuôn khổ các chương trình khoa học cấp nhà nước (các chương trình 10A, 12A…) nhận định “Đường dây siêu cao áp điện hợp nhất hệ thống điện Việt Nam sẽ xuất hiện vào đầu những năm 2000”; Tổng sơ đồ Phát triển Điện lực Việt Nam giai đoạn 3, trên cơ sở đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu điện năng cuối những năm 80 cho thấy đường dây này cần xuất hiện sớm hơn.
Đến đầu thập niên 90, những kết quả đầu tiên của chính sách mở cửa và cải cách kinh tế cho thấy tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện năng cao hơn nhiều so với dự kiến, đặc biệt ở miền Nam và miền Trung, tình trạng cắt điện 2-3 ngày có khi đến 4 ngày trong 1 tuần tại TP Hồ Chí Minh đã gây những ảnh hưởng rất xấu về kinh tế và xã hội. Trong bối cảnh như vậy, ngày 25-2-1992, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã phê duyệt Luận chứng Kinh tế Kỹ thuật và trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng công trình hệ thống truyền tải điện siêu cao áp 500kV Bắc-Trung-Nam (gọi tắt là Đường dây 500kV Bắc-Nam).
Sau 782 ngày đêm lao dộng cần cù sáng tạo của cán bộ và công nhân Việt Nam, công trình có qui mô mang tầm chiến lược này hoàn thành và chính thức được đưa vào vận hành và chỉ sau 2 năm vận hành, ngoài những hiệu quả hiển nhiên về mặt kỹ thuật vận hành và khai thác hệ thống điện hợp nhất toàn quốc, về mặt kinh tế, chỉ tính riêng phần chênh lệch giữa giá thành điện năng chuyển từ Nhà máy Thủy điện Hòa Bình để cung cấp cho miền Trung và miền Nam so với giá điện năng phát ra từ các nguồn nhiệt điện chạy dầu và diezen, vẫn được sử dụng trước khi có đường dây 500kV, đã hơn con số hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Do công trình xây dựng phải đi qua nhiều khu vực rừng rậm, núi cao, địa hình hiểm trở, khắc nghiệt… , để hoàn thành công trình, hàng chục nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân cùng nhiều lực lượng đã tham gia xây dựng, trong đó, hàng trăm người đã nằm xuống vì dòng điện của Tổ quốc.
Để ghi nhận công lao to lớn của các cán bộ công nhân viên đã hy sinh quên mình vì sự nghiệp xây dựng đường dây 500kV, năm 2003, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam-EVN) đã có văn bản số 5092/CV-EVN-KH quyết định xây dựng Đài tưởng niệm những người đã hy sinh khi tham gia xây dựng đường dây 500kV và giao Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (AMT) làm chủ đầu tư. Cũng trong năm 2003, AMT đã triển khai các thủ tục xin cấp đất, thi chọn kiến trúc Đài tưởng niệm, lập đề cương dự toán trình EVN duyệt làm cơ sở chọn Tư vấn thực hiện các bước tiếp theo; năm 2004, UBND TP Đà Nẵng đã có Quyết định số 8807/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết và năm 2005, có Quyết định số 4841/QĐ-UBND phê duyệt quyết định thu hồi đất và giao cho AMT sử dụng để xây dựng Đài Tưởng niệm.
Trong khi AMT đang triển khai và đã hoàn thành tổ chức đền bù giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn vật nổ; tổ chức đấu thầu, xét chọn thầu và ký hợp đồng thi công gói thầu xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công trình phù trợ, thì năm 2007, Bộ Giao thông Vận tải có công văn số 3671/BGTVT-VT không chấp thuận thỏa thuận điểm đấu nối Đài Tưởng niệm với đường quốc lộ phía Nam hầm đường bộ Hải Vân. Câu chuyện xây dựng Đài tưởng niệm những người đã hi sinh khi tham gia xây dựng đường dây 500kV tạm ngừng. Với tôi (và chắc chắn không chỉ riêng tôi), nguyện vọng có một Đài Tưởng niệm tri ân những người đã nằm xuống vì dòng điện của Tổ quốc nó đã neo chặt trong lòng và chắc chắn sẽ không nguôi ngoai khi công trình tri ân còn dang dở…
Hơn 20 năm trôi qua, kể từ ngày đường dây 500kV Bắc-Nam hoàn thành và truyền tải dòng điện đầu tiên vào Thành phố mang tên Bác, những người may mắn và hạnh phúc được đi tiếp chặng đường sự nghiệp ngành điện vẫn đau đáu nỗi niềm xây dựng một công trình tri ân.
Con tàu thời gian vẫn miệt mài lăn bánh về phía trước nhưng trái tim con người nhiều lúc quay lại phía sau. Hơn 20 năm là chặng đường của gần một phần tư thế kỷ. Chúng ta đã nói rất nhiều về tình cảm tri ân, chúng ta cũng đang cố gắng để thực hiện những điều đó. Bởi tất cả đều biết, những gì đang có là một thành tựu và cũng là niềm tự hào to lớn cho những người đang sống và cả những người đã nằm xuống vì sự nghiệp của ngành Điện. Sự hi sinh của những cán bộ, công nhân khi tham gia xây dựng đường dây 500kV Bắc-Nam là rất đỗi vinh quang. Để lại phía sau là niềm tự hào và tiếc thương vô hạn của gia đình, đồng nghiệp; để lại nỗi nhớ khôn nguôi của những người mẹ, người cha, người vợ; hằn trong ký ức của những đưa con hằng ngày vẫn đau đáu bên cánh cửa đợi trông, nỗi đau ấy, niềm thương nhớ ấy vẫn đeo đuổi ngày đêm sao khỏa lấp đầy.
Dẫu biết, vinh quang nào mà chẳng có mất mát hy sinh; hạnh phúc nào mà không phải đổi bằng máu xương, mồ và nước mắt. Dẫu biết sự dâng hiến của những người thợ xây dựng đường dây 500kV làm nên giá trị thiêng liêng của ngành điện Việt Nam và của non sông đất nước. Nhưng mọi sự bù đắp cho công bằng với người còn sống là rất khó, nên những gì có thể làm được chúng ta sẽ làm hết sức mình để tưởng nhớ, tri ân họ, không phải chỉ những người cùng thời đại mà còn cho lớp lớp con cháu mai sau. Họ xứng đáng được các thế hệ ngành điện, được nhân dân tri ân, điều này hoàn toàn phù hợp với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.