Nghĩ về “tâm hồn Hà Nội”

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:42, 10/10/2016

(HNM) - Nếu văn hóa vật thể và phi vật thể là linh hồn của một đô thị thì văn hóa ứng xử là “tâm hồn đô thị”. Ứng xử được hiểu không chỉ giữa người với người mà là ứng xử với chính bản thân, với xã hội, với di sản văn hóa, thiên nhiên môi trường… trên nền tảng đạo đức.

“Cả nước nhìn về cách ứng xử ở Thủ đô”, câu nói của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trong buổi tiếp xúc cử tri ở Ba Vì ngày 30-9 thêm một lần nữa cho thấy vai trò, tầm quan trọng của văn hóa ứng xử, đặc biệt là ở một đô thị có bề dày nghìn năm văn hiến như Hà Nội...

Phụ huynh hướng dẫn ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường cho trẻ. Ảnh: Anh Tuấn


Văn hóa ứng xử trong truyền thống Thăng Long - Hà Nội

Một số nhà nghiên cứu cho rằng văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự của người Hà Nội chỉ xuất hiện khi Hà Nội là thành phố nhượng địa của Pháp, nghĩa là từ khi có chính quyền đô thị. Các quy định chi tiết trong quản lý thành phố, cộng thêm người dân bị ảnh hưởng của văn hóa Pháp đã hình thành nếp ứng xử đẹp mà cho đến nay nhiều người cao tuổi ước ao “bao giờ cho đến ngày xưa”. Không thể phủ nhận những chính sách của người Pháp làm thay đổi bộ mặt đô thị, từ nhà cửa, đường sá, kiến trúc… Cũng không thể phủ nhận văn hóa, văn minh Pháp có ảnh hưởng nhất định tới nhiều người Hà Nội, rõ nét hơn cả là tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, chỉ mấy chục năm mà hình thành văn hóa ứng xử văn minh, thanh lịch Hà Nội xem ra là điều không thể. Nếu nét đẹp ấy chỉ hình thành vào đầu thế kỷ XX thì phải trả lời câu hỏi: Trước đó văn hóa ứng xử của người Hà Nội thế nào?

Văn hóa ứng xử của người Việt Nam hình thành dựa trên nhiều yếu tố gồm: Đất đai, khí hậu, phong tục tập quán, văn hóa dân gian, Nho giáo, Phật giáo… và đặc biệt là những quy định của các triều đại phong kiến. Tuy nhiên, Thăng Long lại có thêm yếu tố đặc biệt là dù có lúc gián đoạn song về cơ bản vẫn là đất kinh kỳ, nơi triều đình “đứng chân” và dĩ nhiên phải nền nếp hơn vì “gần lửa rát mặt” chứ không thể như những vùng xa Kinh đô “phép vua thua lệ làng”. Thăng Long có tới ba nghề: “sĩ, công, thương”, lại thêm văn hóa nước ngoài du nhập và văn hóa ứng xử còn được dẫn dắt bởi tầng lớp tinh hoa nên lối sống và văn hóa ứng xử phải khác với các vùng chỉ có nghề “nông”.

Trong các cuốn sách viết về Thăng Long - Hà Nội của các nhà thám hiểm hàng hải, truyền giáo, nhà buôn phương Tây… từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX thì dù nhiều nội dung mang tính chủ quan, phóng đại nhưng cũng có những đoạn khá khách quan, công bằng. Về tế nhị trong giao tiếp ứng xử, cuốn Mô tả vương quốc xứ Đàng Ngoài (Description of the kingdom of Tonqueen) của Samuel Baron viết năm 1683 có đoạn: “Gặp nhau họ không chào theo kiểu Cậu khỏe không? mà là Thời gian qua cậu đi đâu thế? Và Thời gian qua cậu làm gì vậy? Còn nếu biết người mình gặp vừa ốm dậy hoặc qua thần sắc đoán có vẻ ốm yếu thì họ chào theo kiểu Mỗi bữa cậu ăn mấy bát cơm? hay Cậu ăn có ngon miệng không?”. Samuel Baron là con lai có bố từng là Trưởng thương điếm Công ty Đông Ấn Hà Lan tại Thăng Long và mẹ là người Thăng Long, Baron sống mấy chục năm trên đất này nên rất am hiểu phong tục, tập quán.

Richard là thầy tu, ông ta có cuốn sách về xứ Đàng Ngoài có tên Lịch sử tự nhiên, dân số và chính trị xứ Đàng Ngoài (Histoire naturelle.civile et politique du Tonkin, Paris 1778). Trong chương III, ông có nhận xét về phụ nữ Thăng Long: “Nói chung họ ăn mặc rất khiêm nhã” và “cái áo bên ngoài thường là mầu sẫm nhưng bên trong lại là những chiếc áo đủ các mầu sắc”. Richard tỏ ra vô cùng thích thú cái yếm “nó bằng vải trắng hay miếng lụa có hình trái tim để làm đẹp”. Mô tả không có lời bình nhưng rõ ràng toát lên vẻ dịu dàng, biết cách ăn mặc nhưng cũng rất kín đáo của phụ nữ Thăng Long. Về nét văn hóa ứng xử khi có khách đến ăn cơm tại một gia đình trung lưu, ông ta viết: “Trong giao tiếp họ khá thoải mái khiến cho khách cũng thoải mái. Cuối bữa ăn, họ đưa ra những cái khăn bông trắng hay có hoa văn cho khách lau tay”. Ông cũng khen “Tiếng Đàng Ngoài bay bổng dễ nghe hơn tiếng Đàng Trong”. Mặc dù có quan điểm thực dân và nhiều khi “phóng to” cái xấu nhưng trong Ở Bắc Kỳ (Au Tonkin, xuất bản ở Paris lần thứ 2 năm 1885) Paul Bonnetain, phóng viên của Báo Le Figaro đến Bắc Kỳ theo chân đội quân xâm lược vẫn phải khen phụ nữ Hà Nội biết cách ăn mặc. Trong Những năm tháng đầu tiên của chúng ta ở Bắc Kỳ (Nos premières annés au Tonkin, xuất bản ở Paris năm 1889) của Charles Labarthe cũng có những chi tiết nhỏ về người Hà Nội biết cách ứng xử dù thực chất ông ta là một gã thực dân, làm phó cho Tổng trú sứ Paul Bert rồi quyền Tổng trú sứ từ tháng 11-1886 đến tháng 1-1887. Cuốn Một chiến dịch ở Bắc Kỳ (Une campagne au Tonkin, Paris 1896) của bác sĩ Hocquard, ngoài những đoạn chê bai An Nam, Hà Nội thì cũng có rất nhiều đoạn miêu tả về nếp sống Hà Nội cùng với những nhận định khách quan. Từng ấy ví dụ chưa đủ để có thể khẳng định Hà Nội xưa có nếp sống đẹp, ứng xử văn minh nhưng nó cũng cho ta một hình dung “có cái gì đó” khác với những nơi khác. Nếu đem nó trộn vào với nhận định của nhà vua, quan lại, các nhà Nho qua các triều đại thì rõ ràng Thăng Long có một bề dày văn hóa trong ứng xử phong phú, sinh động và rất đáng để trân trọng, học hỏi.

Trong bài viết 30 năm sưu tầm, nghiên cứu văn hóa folklore ở Hà Nội, giáo sư Trần Quốc Vượng khẳng định “Thăng Long - Hà Nội có phong độ văn hóa riêng, có một sắc thái ngôn ngữ riêng - Tiếng Hà Nội, một bản lĩnh riêng: Sành sỏi, thông minh, can trường, khoáng đạt; một cách ứng xử giao tiếp riêng: ý nhị, tế vi, tao nhã, thanh lịch”. Hà Nội không phải là “trên” (từ giáo sư hay dùng chỉ cấp trên) mà giáo sư Vượng phải “kiêng khem” nên những nhận định của ông mang tính khách quan.

Để tiếng thơm truyền mãi

Văn minh của một đô thị dựa vào văn hóa ứng xử của chính công dân trong đô thị đó, đó là ứng xử với giao thông, môi trường, với kiến trúc di sản. Nếu văn hóa ứng xử xuống cấp thì đô thị đó có vấn đề. Thực tế cho thấy có nơi, có lúc văn hóa ứng xử có những dấu hiệu đáng để suy ngẫm. Trong một bài viết năm 1956 có tựa đề “Một ngày chủ nhật”, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã mô tả sự nhếch nhác quanh hồ Hoàn Kiếm, rác và mầu sắc trang phục. Giai thoại nhà văn Nguyễn Tuân đang đi bộ thì một thanh niên nọ va vào rồi mở mồm xin lỗi, nhà văn cảm ơn lại “vì anh biết xin lỗi”. Nguyên nhân một phần do người từ chiến khu về và phần lớn chưa từng sống ở đô thị. Một nguyên nhân khác là sai lầm trong nhận thức khi đánh đồng văn hóa ứng xử đô thị với thành phần tư sản và tiểu tư sản mà Nhà nước cần phải cải tạo lại sau năm 1954. Điều đó đã dẫn đến nhiều người phải tự “xuống cấp” khi ăn nói, ứng xử để giống ngôn ngữ công, nông, binh, tránh bị mang tiếng là ăn nói kiểu tiểu tư sản. Hiện ở Hà Nội vẫn có rất nhiều người hiểu rõ chuyện này. Năm 1994, trong một bài viết đăng trên Báo “Người Hà Nội”, nhà văn Tô Hoài - người sống nhiều năm ở Thủ đô - đã cảnh báo về văn hóa ứng xử của người Hà Nội. Và nhận định của nhà văn cách đây hơn 20 năm nếu ngẫm kỹ thì quả thực có nhiều điều đáng để trăn trở về “tâm hồn Hà Nội”.

Một thành phố dù có nhiều ô tô xịn, nhiều biệt thự, quần áo hàng hiệu vẫn không phải là thành phố văn minh, sang trọng. Một thành phố văn minh, sang trọng phải hội tụ được yếu tố quan trọng là nét văn hóa trong ứng xử giữa người với người, với chính bản thân mỗi người, với xã hội, với di sản văn hóa, thiên nhiên môi trường… “Cả nước nhìn về cách ứng xử ở Thủ đô” - câu nói của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trong buổi tiếp xúc cử tri ở Ba Vì thêm một lần nữa cho thấy vai trò, tầm quan trọng của văn hóa ứng xử, đặc biệt là ở một đô thị có bề dày nghìn năm văn hiến như Hà Nội... Bởi ứng xử chính là “tâm hồn đô thị”, “tâm hồn Hà Nội”. Và để gìn giữ “tâm hồn Hà Nội”, mỗi một người dân Thủ đô, mỗi người sống và làm việc tại Hà Nội và cả những ai chỉ thảng đặt chân đến đều phải chú tâm vun đắp, cho câu ca xưa truyền mãi: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.

Thủy Tiên