Đáp ứng thói quen
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:01, 11/10/2016
Những nguyên nhân dẫn tới xu hướng này là hệ thống cơ sở phân phối hiện đại được đầu tư khang trang, bề thế; giá cả được niêm yết rõ ràng; sản phẩm đa dạng, phong phú; chất lượng sản phẩm (cơ bản) được bảo đảm; thường xuyên có các chương trình khuyến mãi...
Tuy vậy tại các đô thị, trong đó có Hà Nội, chợ truyền thống, bao gồm cả chợ tạm, chợ cóc, vẫn là lựa chọn phổ biến bởi sự tiện lợi của nó.
Thực tế, mỗi loại hình phân phối, truyền thống hay hiện đại, đều có những ưu điểm và tùy khu vực, thời điểm, ưu điểm đó trở thành “lợi thế tuyệt đối”. Tuy nhiên, sự phát triển của kênh phân phối hiện đại là quy luật tất yếu. Quy luật này cũng phù hợp với sự phát triển của các đô thị nói chung, Hà Nội nói riêng. Quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đặt ra mục tiêu phát triển hài hòa giữa thị trường thành thị và thị trường nông thôn, giữa thương mại truyền thống và hiện đại, không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao mức sống người dân mà qua đó góp phần để đưa thương mại trở thành ngành có giá trị gia tăng lớn.
Vấn đề ở chỗ, như trên đã dẫn, khó nhất chính là thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Có một thực tế là thời gian qua, một số chợ cũ sau khi được chuyển đổi trở thành trung tâm thương mại, siêu thị lại không hoạt động hiệu quả, thậm chí rơi vào tình cảnh hiu hắt. Nguyên nhân ở đây có thói quen của người tiêu dùng chưa được “đáp ứng”. Để hệ thống phân phối, đặc biệt là “kênh” hiện đại, của Hà Nội phát triển đúng như tầm nhìn quy hoạch đặt ra, trước hết cần có quỹ đất, vị trí phù hợp để xây dựng, tổ chức hoạt động các trung tâm thương mại, siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện ích... Về quản trị, chính các đơn vị phân phối thuộc loại hình này phải bảo đảm được các yếu tố về chất lượng hàng hóa, giá cả, đặc biệt là phải "gần" với tập quán, thói quen của người tiêu dùng. Nói cách khác, hệ thống phân phối hiện đại không chỉ phải bảo đảm được yếu tố “lợi” mà cả yếu tố “tiện” với người mua sắm.
Song song với quá trình này, việc xây mới, nâng cấp hay “xóa sổ” chợ truyền thống cần được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở đánh giá hiệu quả thực tế cũng như tham vấn ý kiến cộng đồng. Tất cả những đầu việc này cần được tiến hành một cách đồng bộ để từng bước loại bỏ dần những cái chợ nhếch nhác giữa đô thị trong khi lại thiếu chợ đạt chuẩn cho khu vực nông thôn. Tức là bên cạnh việc phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị... thì phải hiện đại hóa cơ sở, phương thức hoạt động của chợ truyền thống.
Ngay cả việc phát triển các trung tâm thương mại hay siêu thị thì cũng phải tính tới thói quen của "thượng đế". Ví như việc một gia đình tới một khu trung tâm thương mại vừa mua sắm hàng tiêu dùng cao cấp, vừa "đi chợ" thực phẩm trong tuần, vừa tranh thủ ăn nhẹ, vừa "giữ" con trẻ bằng những trò chơi giải trí... - là một mô hình đang khẳng định tính ưu việt hơn hẳn một trung tâm điện máy hay một siêu thị độc lập. Sự ưu việt ấy có được, chính là nhờ đã tính tới thói quen của khách hàng và tìm cách thỏa mãn nhu cầu của họ.
Một hệ thống phân phối giải quyết được hài hòa bài toán có hai "ẩn số" - tiêu thụ sản phẩm bền vững và phân phối hàng hóa trở lại một cách hiệu quả cho người dân sẽ thiết thực tạo nên một ngành thương mại mạnh và đầy sức sống.