Giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực người có công: Còn chậm, muộn, người dân chưa hài lòng
Đời sống - Ngày đăng : 07:10, 11/10/2016
Giao dịch tại bộ phận “một cửa” về lao động thương binh và xã hội quận Bắc Từ Liêm.Ảnh: Thái Hiền |
Ông Phạm Triệu Phong (ở khu tập thể Lạc Trung, Vĩnh Tuy, Hà Nội) làm đơn đề nghị cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” cho bố đẻ là liệt sĩ Phạm Văn Ngung từ ngày 26-9-2015 nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Sau nhiều ngày chờ đợi, ông Phong sốt ruột đã liên tục ra phường Vĩnh Tuy, rồi lên Phòng LĐ-TB&XH quận Hai Bà Trưng hỏi nhưng đều nhận được câu trả lời là chưa thấy “ở trên” chuyển kết quả về.
Ông Phong bức xúc cho biết: “Cùng trên địa bàn phường, có những nhà đã nhận được Bằng "Tổ quốc ghi công", nhưng nhà tôi nộp hơn một năm nay vẫn không nhận được mà các cán bộ cũng không trả lời được cho tôi là nguyên nhân vì sao. Cán bộ ở quận thấy tôi quá sốt ruột còn bảo tôi tự lên Bộ LĐ-TB&XH hỏi, vậy là cách làm việc kiểu gì mà để người dân phải tự đi tìm kết quả?”.
Tương tự, ông Tô Thế Hải (ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) làm đơn đề nghị cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” cho em trai là liệt sĩ Tô Văn Hòa từ ngày 21-7-2015, nộp tại UBND phường Dịch Vọng nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Theo tìm hiểu của phóng viên, hồ sơ của cả hai trường hợp trên đã được UBND phường Vĩnh Tuy và phường Dịch Vọng chuyển lên Phòng LĐ-TB&XH quận; tiếp đó, hồ sơ đã được chuyển lên Sở LĐ-TB&XH Hà Nội. Do trong đơn không ghi số bằng nên Sở LĐ-TB&XH phải đề nghị Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) tra cứu số bằng. Tuy nhiên, nhiều tháng qua vẫn không có thông tin trả lời.
Đây là hai trong số nhiều trường hợp phải chờ đợi lâu khi xin cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công”. Ngay cả một số trường hợp nộp đơn đã có số Bằng "Tổ quốc ghi công" của người thân rồi cũng phải chờ nhiều tháng mới nhận được kết quả như trường hợp của ông Nguyễn Văn Tiến (ở Mỹ Hưng, Thanh Oai, Hà Nội), nộp đơn ở xã Mỹ Hưng từ ngày 26-12-2015, nhưng đến ngày 14-7-2016 Bộ LĐ-TB&XH mới trả bằng. Căn cứ theo ngày chuyển giao, nộp hồ sơ của những trường hợp trên cho thấy, chỉ có Sở LĐ-TB&XH thực hiện tương đối đúng thời hạn là trong vòng 30 ngày hoàn tất các quy trình thuộc thẩm quyền của Sở để chuyển lên Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH), còn cấp quận, huyện cũng vẫn giữ hồ sơ từ 1 đến 3 tháng (theo quy định là 5 ngày) mới chuyển hồ sơ lên Sở.
Thông tin từ Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, nhiều năm qua, TTHC lĩnh vực người có công thường bị chậm muộn. Tính từ đầu năm 2016 đến nay, Sở đã chuyển 6 đợt, gồm 1.202 hồ sơ xin cấp lại Bằng “Tổ quốc ghi công” lên Bộ LĐ-TB&XH và mới nhận về khoảng 800 hồ sơ. Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Khuất Văn Thành: “Một trong những nguyên nhân gây chậm là ở quận, huyện thường gom nhiều hồ sơ rồi mới mang lên Sở. Sau đó Sở kiểm tra thì lại phát hiện thiếu giấy tờ nên lại phải yêu cầu bổ sung. Bên cạnh đó, mới chỉ có phường, xã, quận, huyện, sở và Bộ LĐ-TB&XH là có quy trình thực hiện trong đó quy định rõ thời gian giải quyết, còn cấp cao hơn nữa thì lại không có quy định thời gian. Do đó, khi hồ sơ chậm muộn, dù lỗi không phải do Sở nhưng Sở lại chịu áp lực rất lớn khi người dân trách móc”.
Cũng theo ông Khuất Văn Thành, hiện có một số TTHC liên thông thuộc thẩm quyền quyết định của trung ương thường xuyên phải chờ là: Cấp (đổi) lại Bằng "Tổ quốc ghi công"; tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; xác nhận liệt sĩ trình Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng Tổ quốc ghi công… Việc chậm muộn hồ sơ lĩnh vực LĐ-TB&XH cũng đang “làm khó” cho cán bộ các cấp.
Cán bộ bộ phận “một cửa” tại các xã, phường thì thường xuyên bị người dân hỏi dẫn đến cấp phường hỏi Phòng LĐ-TBXH quận, huyện; Phòng LĐ-TB&XH quận, huyện hỏi bộ phận “một cửa” Sở LĐ-TB&XH Hà Nội; Sở lại gọi hỏi Bộ LĐ-TB&XH… Việc phụ thuộc vào các cơ quan trung ương dẫn tới TTHC này không quy định được thời gian trả kết quả. Và đương nhiên người dân thì không hài lòng vì sự chậm muộn này.
Thực trạng chậm muộn một số hồ sơ lĩnh vực người có công đã tồn tại rất nhiều năm. Để khắc phục tình trạng này, mỗi đơn vị cần có sự phối hợp nhịp nhàng hơn trong giải quyết TTHC liên thông. Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng cần kiến nghị với các cơ quan trung ương quy định rõ về thời gian giải quyết đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan trung ương để người dân yên tâm hơn, biết được trong bao lâu thì hồ sơ sẽ được giải quyết xong.