Không chấp hành kiến nghị của kiểm toán: Do thiếu chế tài xử lý?
Kinh tế - Ngày đăng : 09:34, 11/10/2016
Thực hiện nghiêm các kiến nghị sau kiểm toán không chỉ góp phần thu hồi tiền sử dụng sai mục đích về cho ngân sách nhà nước mà còn yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 9 tháng Luật kiểm toán Nhà nước có hiệu lực, vẫn chưa có Nghị định về xử phạt hành chính trong thực hiện kiến nghị kiểm toán. Điều này đang làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm toán.
Thực hiện nghiêm kiến nghị sau kiểm toán (Ảnh minh họa: Internet) |
Kiểm toán Tổng Công ty bia rượu, nước giải khát Sài Gòn (SABECO), Kiểm toán Nhà nước yêu cầu công ty này nộp lại 408 tỷ đồng trốn thuế thông qua đại lý nhưng SABECO không tuân thủ. Sau khi Kiểm toán Nhà nước giải thích, viện dẫn pháp luật thì SABECO mới chịu nộp lại số tiền này.
Gần đây nhất, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO) thực hiện kết luận kiểm toán nộp khoản tiền liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt là 931 tỷ đồng. Sau rất nhiều lần tổ chức đối thoại giải thích, lập biên bản, mới đây Công ty này mới nộp lại số tiền 139 tỉ đồng. Đây chỉ là 2 trường hợp được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về báo cáo kiểm toán.
Tổng hợp sơ bộ kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán đến ngày 31/8 cho thấy, tổng số kiến nghị xử lý tài chính các đơn vị được kiểm toán đã thực hiện mới đạt hơn 9 nghìn trong tổng số hơn 19 nghìn tỉ đồng, bằng 47,1%. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, 4 tháng còn lại, khó có thể hoàn thành số kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện.
Đối với số kiến nghị chưa được thực hiện, còn 4 tháng nữa mà theo báo cáo hàng năm trình trước Quốc hội, hầu như số này cùng lắm cuối năm cũng chỉ được 62 đến 65%. Thế thì tại sao việc thực hiện kiến nghị kiểm toán với mức thấp như thế thì đề nghị có đánh giá. Từ nhiều năm nay, kiểm toán công lao làm bao nhiêu nhưng kiến nghị thực hiện mà các cơ quan, đơn vị không chịu thực hiện thì vẫn không sao cả. Tôi đề nghị Kiểm toán Nhà nước cứ báo cáo thẳng ra Quốc hội xem đơn vị, cơ quan nào, người đứng đầu nào không chịu thực hiện kiến nghị của kiểm toán
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, với lực lượng, biên chế cán bộ kiểm toán mỏng như hiện nay, khó có thể thực hiện kiểm tra, kiểm toán hết các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Do đó, điều quan trọng là làm thế nào để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của kết quả kiểm toán thông qua việc thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị sau kiểm toán.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc thừa nhận, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán “rất khó khăn”. Vì Luật Kiểm toán Nhà nước đã có hiệu lực từ 1/1/2016, nhưng đến nay vẫn chưa có Nghị định về xử phạt hành chính trong thực hiện kiến nghị kiểm toán. Việc thiếu chế tài xử phạt đang khiến cho nhiều cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, thiếu nghiêm túc trong thực hiện kiến nghị sau kiểm toán.
Một trong những điểm mới của Luật Kiểm toán Nhà nước là quy định rõ về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán. Theo đó, Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Do vậy, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định xử phạt hành chính những hành vi không thực hiện kết nghị kiểm toán, góp phần bảo đảm tính tuân thủ pháp luật, đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động kiểm toán./.