Bảo quản, chế biến sau thu hoạch: Tổn thất lớn, hiệu quả thấp

Kinh tế - Ngày đăng : 06:14, 12/10/2016

(HNM) - Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, tăng cường chế biến sâu, chế biến tinh để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Chế biến hạt điều xuất khẩu, một trong những loại nông sản thế mạnh của Việt Nam.


Mỗi năm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng

Theo điều tra của Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT), nhóm cây lương thực có tỷ lệ tổn thất khá cao, hiện tỷ lệ tổn thất của cây lúa là 11-13%, ngô 13-15%, tập trung ở khâu thu hoạch, phơi sấy, bảo quản, chế biến. Ngoài sự tổn thất về sản lượng, nông sản còn bị sụt giảm đáng kể về chất lượng như: Ngô nhiễm aflatoxin nên giảm giá 10-20%; Gạo bị biến màu, giảm chất dinh dưỡng do không được làm khô kịp thời và đúng quy trình; Rau quả và thủy sản đánh bắt bị tổn thất hơn 20% cả về sản lượng và chất lượng. Với tỷ lệ tổn thất này, mỗi năm Việt Nam thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, hiện thất thoát ở khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến của Việt Nam chiếm hơn 15%, trong khi Thái Lan chỉ khoảng 6-7%. Nhiều mặt hàng nông sản, hải sản Việt Nam còn bị ép giá, các doanh nghiệp nước ngoài thường mua về rồi đóng gói, xử lý bán lại cho thị trường thế giới với giá cao, dưới một thương hiệu khác.

Bảo quản, chế biến sau thu hoạch còn yếu do công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho nông dân về công nghệ sản xuất nông nghiệp tiên tiến, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chưa được chú trọng. Lực lượng lao động qua đào tạo nghề ở nông thôn còn thấp là một trong những trở ngại lớn trong việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp dẫn đến năng suất lao động thấp, chi phí đầu vào cao, các dịch vụ cơ khí đi theo dịch vụ này chưa phát triển. Theo ông Nguyễn Đức Bản, Hội Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam, đời sống người dân ở nông thôn còn khó khăn nên việc đầu tư mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, chưa hình thành được tổ hợp tác phát triển cơ giới ở từng địa phương. Người dân khi vay vốn phải trình đầy đủ các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật của máy móc, thiết bị trong khi đó việc lấy hóa đơn, chứng từ phải mất thêm một khoản chi phí là thuế giá trị gia tăng khiến người dân chưa thấy được lợi ích thiết thực so với phần lãi suất được hỗ trợ nên không mặn mà.

Cần sự liên kết giữa doanh nghiệp và nhà khoa học

Để từng bước hạn chế giảm tổn thất sau thu hoạch, các địa phương, doanh nghiệp cần chủ động và có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân đầu tư mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến tập trung đối với các loại nông sản, thực phẩm. Công việc này như lời Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh - cần bắt đầu từ chính ngành của mình: Các Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố cần chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết hằng năm về nhu cầu trang thiết bị, máy móc bảo quản sau thu hoạch phù hợp với năng lực sản xuất của địa phương, đồng thời phối hợp với các tổ chức tín dụng lập kế hoạch vốn vay cho mua máy móc. Ông Nguyễn Ngọc Đức, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển chăn nuôi gia công thậm chí còn kiến nghị - Nhà nước đổi mới công tác nghiên cứu ứng dụng, hợp tác công tư, đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm kết hợp với các nhà khoa học để thực hiện các dự án bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch, đặc biệt là tập trung nguồn lực vào những dự án lớn, phù hợp với từng loại sản phẩm.

Để có sự đầu tư lớn, đồng bộ về công tác thu hoạch, chế biến và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, doanh nghiệp và người sản xuất phải thay đổi nhận thức trong lĩnh vực này, đặc biệt là xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước. Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như Bộ NN&PTNT đang rà soát, xây dựng phương án đổi mới, đặc biệt là triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch vùng nguyên liệu, đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị từ khâu thu hoạch đến bảo quản trong sản xuất nông nghiệp. Trước mắt, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống kho dự trữ hiện đại, bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế để có chất lượng nông sản tốt. Về lâu dài, các doanh nghiệp cần áp dụng kỹ thuật bảo quản lúa gạo, ngô, đậu tương và lạc bằng các phương pháp sinh học và vật lý; chuyển giao các mẫu hình kho bảo quản hộ gia đình theo hướng tiện ích, an toàn. Đối với hoa quả cần ưu tiên cho đầu tư các thiết bị chế biến, bảo quản hoa quả, kho lạnh, xe lạnh, thiết bị xử lý nồng độ thuốc bảo vệ thực vật trong quả để bảo đảm chất lượng sản phẩm.  

Ngọc Quỳnh