Cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thành phố Hà Nội (*)
Chính trị - Ngày đăng : 06:31, 12/10/2016
- Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua, Khen thưởng Trung ương;
- Kính thưa đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
- Kính thưa đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam;
- Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Thưa các doanh nhân tiêu biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước
Trước tiên, cho phép tôi thay mặt lãnh đạo Thành phố Hà Nội xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo, các quý vị đại biểu, các nhà đầu tư, các doanh nhân lời chào trân trọng, lời chúc sức khỏe và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Thành phố Hà Nội rất vui mừng được đại diện cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát biểu hưởng ứng phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Lễ phát động này rất có ý nghĩa khi cả nước đang khẩn trương triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, nhằm cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 với rất nhiều nhiệm vụ quan trọng để phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Trong thời gian qua, thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Trung ương, thành phố Hà Nội đã quyết liệt triển khai các biện pháp cụ thể để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
9 tháng đầu năm 2016, thu hút đầu tư của Thành phố có sự chuyển biến mạnh mẽ: Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,4 tỷ USD (tăng 3,7 lần so cùng kỳ năm 2015); 16,7 nghìn doanh nghiệp đã đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 148,9 nghìn tỷ đồng (tăng 20% về số lượng và 48% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước), nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn thành phố Hà Nội lên 202.255 doanh nghiệp (chiếm 30,8% doanh nghiệp cả nước).
Thành phố đã đơn giản hoá, cắt giảm thời gian giải quyết đối với 114 thủ tục hành chính, thời gian giảm từ 01 đến 33 ngày so với quy định; Cắt giảm đến 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư; Giảm 20% thời gian trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng, thu hồi đất; Giảm 50% thời gian trong lĩnh vực quy hoạch; Thực hiện giải quyết hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng trong 02 ngày làm việc; Duy trì tỷ lệ kê khai thuế, nộp thuế điện tử đạt trên 98%; Thực hiện liên thông cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với nhà đầu tư nước ngoài…
Bước đầu đã tạo được niềm tin của doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với môi trường kinh doanh trên địa bàn Thủ đô.
Hưởng ứng Phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” và để đáp ứng tốt hơn nữa các mong muốn của doanh nghiệp trong bối cảnh mới của đất nước, của Thủ đô, Thành phố Hà Nội phấn đấu thực hiện tốt 3 đồng hành và 5 hỗ trợ doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ phát động, đồng thời tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau.
Một là triển khai có hiệu quả các nội dung cam kết trong chương trình “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển”. Tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện, là địa điểm đầu tư an toàn và hiệu quả của các nhà kinh doanh. Thành phố quyết tâm đổi mới để cả bộ máy hành chính sẽ cải cách theo hướng: “Xác định lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là đối tượng để phục vụ”.
Hai là lãnh đạo các cấp của Thành phố thường xuyên tiếp xúc với cộng đồng doanh nghiệp nhằm nắm bắt kịp thời các khó khăn, các nguyên nhân và đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp. Từ đó điều chỉnh chính sách, xây dựng chính sách mới và thực hiện kịp thời các giải pháp cần thiết để giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh.
Xây dựng hệ thống Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố vững mạnh làm điểm bứt phá; là cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền Thành phố, để chính sách hỗ trợ của Thành phố đến được với nhiều doanh nghiệp nhất.
Ba là tăng cường tuyên truyền, khuyến khích, động viên, cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo trong xã hội. Hà Nội luôn cầu thị, sẵn sàng đổi mới, có nhiều sáng kiến khuyến khích, hỗ trợ để những mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo mới nhanh chóng phát triển ở Hà Nội. Xây dựng và tổ chức thành công Đề án khởi nghiệp giai đoạn 2016- 2020; Đề án thí điểm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Nghiên cứu mô hình Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Xây dựng vườn ươm doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Phấn đấu đưa vườn ươm doanh nghiệp công nghệ thông tin vào vận hành từ ngày 01/01/2017. Thành phố đặt mục tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ có thêm 200 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới và hoạt động có hiệu quả.
Bốn là thực hiện các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp sau khởi nghiệp; hỗ trợ tiếp cận các nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như: tiếp cận đất đai; tiếp cận nguồn vốn; nguồn nhân lực; tiếp cận kiến thức và kỹ năng quản trị doanh nghiệp hiện đại; tiếp cận các tiến bộ khoa học, các công nghệ mới nhất để nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của hàng hóa. Đồng thời, Thành phố nâng cao năng lực dự báo các vấn đề của hội nhập kinh tế quốc tế để từ đó chủ động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các cơ hội và vượt qua được các thách thức từ quá trình hội nhập.
Năm là tiếp tục thực hiện đồng bộ cải cách các quy định, các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin. Hà Nội phấn đấu dẫn đầu cả nước về xây dựng Chính quyền điện tử. Nâng cao năng lực làm việc, ý thức, kỷ luật, kỷ cương, hiệu suất làm việc, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức để góp phần giảm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư, doanh nghiệp,…
UBND Thành phố tiếp tục xác định cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đầu tư, sản xuất - kinh doanh là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là yêu cầu cấp thiết trong thời kỳ hội nhập của cả hệ thống chính trị Thành phố.
Phấn đấu góp phần cùng cả nước đạt chỉ số môi trường kinh doanh tối thiểu mức trung bình của nhóm nước ASEAN- 3 trên một số chỉ tiêu chủ yếu theo thông lệ quốc tế vào năm 2020.
Nhân dịp này, thay mặt cho chính quyền Thành phố, tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ quý báu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Trung ương và những đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư và các hiệp hội doanh nghiệp trong sự phát triển của Thủ đô thời gian qua.
Một lần nữa, xin kính chúc các Đ/c Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các quý vị đại biểu, các Doanh nghiệp, Doanh nhân Việt Nam, mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.
Chúc phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” thành công tốt đẹp.
----------------
(*) Đầu đề là của Báo Hànộimới.