Đặt đúng vị trí của doanh nhân
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:56, 13/10/2016
Nhắc lại sự kiện ấy để thấy, vị trí, vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc cũng như hội nhập ngày nay là tối quan trọng. Cũng vì thế, việc tháo gỡ những nút thắt để giới doanh nhân phát triển, hướng tới việc có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 cũng đồng thời là hướng lựa chọn tất yếu để xây dựng nền kinh tế đất nước vững mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ phát động thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập - phát triển” ngày 11-10 vừa qua, rằng: Chúng ta không thể chỉ phát triển dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên, hay lao động giá rẻ…
Trong bối cảnh hội nhập, vòng đời công nghệ ngày càng rút ngắn lại thì việc phát triển dựa vào lợi thế tài nguyên không còn phù hợp. Việt Nam cần phát triển với trình độ cao hơn, bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là sự phát triển chủ yếu dựa trên sự đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến và năng suất cao. Để làm được điều này, các doanh nghiệp Việt Nam phải đóng vai trò nòng cốt… Và hãy để những “chiến sĩ xung kích thời bình”, “đại sứ thời hội nhập” phát triển, làm giàu cho bản thân, quê hương và đất nước.
Thực tế, những rào cản trên con đường phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vẫn còn nhiều. Vì thế, với tinh thần “3 đồng hành, 5 hỗ trợ”, Chính phủ đã đề ra rất nhiều giải pháp như chỉ đạo rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, kiên quyết bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp, có chính sách hỗ trợ đặc thù để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp... Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều cơ chế, công cụ giám sát thực thi các nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. Những nỗ lực kiến tạo đó là không thể phủ nhận…
Tuy nhiên, để hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thật sự có hiệu quả, hiệu lực thì cần phải có bộ máy tốt, con người tốt và điều này nhất định phải được lan tỏa đến từng cấp chính quyền địa phương. Đặc biệt, “ngọn lửa” này cần lan tỏa tới từng vị trí công tác trong các cơ quan công quyền đang hằng ngày, hằng giờ trực tiếp xử lý công việc liên quan đến doanh nhân, doanh nghiệp nói riêng và người dân nói chung.
Ở chiều ngược lại, đội ngũ doanh nhân cũng cần xây dựng một tư duy phát triển mới. Trước đây, người làm kinh doanh có thể trưởng thành, thành công nhờ lăn lộn thương trường, nhờ kinh nghiệm. Bây giờ, người làm kinh doanh phải có học vấn, phải học hỏi. Chiến lược kinh doanh phải bài bản, rõ ràng, đi vào cốt lõi chứ không thể lan man. Nếu không biết tận dụng những lợi thế do cuộc cách mạng khoa học - công nghệ mang lại thì việc tiến xa ắt hẳn sẽ không đơn giản.
Khi đặt doanh nhân, doanh nghiệp ở vị trí quan trọng trong tiến trình phát triển của quốc gia, điều đó đồng nghĩa với việc cần có chính sách vinh danh, nuôi dưỡng đội ngũ này khả thi hơn nữa, lấy tiêu chí giải quyết công ăn việc làm là chỉ tiêu chủ yếu đánh giá đóng góp của doanh nhân đối với xã hội, để có thể tôn vinh họ ở mức xứng đáng, xứng với vị thế “chiến sĩ xung kích thời bình”. Bên cạnh đó, điều gì gây kìm hãm thì phải loại bỏ ngay, cái gì có lợi thì phải nỗ lực thực hiện nhằm tạo động lực cho doanh nhân, doanh nghiệp thêm khát khao để đóng góp trí lực cho đất nước.