Hà Nội xử lý hàng nghìn xe ôtô hợp đồng hoạt động trá hình
Giao thông - Ngày đăng : 17:17, 13/10/2016
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng của thành phố đã ra quân kiểm tra, xử lý thu hồi phù hiệu đối với hàng nghìn trường hợp xe "dù" núp bóng xe hợp đồng vi phạm Luật Giao thông đường bộ, cũng như các quy định về kinh doanh vận tải bằng xe ôtô.
Theo một số doanh nghiệp vận tải, các loại xe hợp đồng, nhất là các dòng xe 9 chỗ và xe Ford Transit 16 chỗ có ưu thế nhỏ gọn, lại không bị cấm chạy vào các tuyến phố trung tâm, có thể len lỏi đến tận từng ngõ, ngách để đón, trả khách nên khó bị phát hiện hay xử lý.
Việc xe hợp đồng trá hình hoạt động chở khách liên tỉnh đã đẩy các doanh nghiệp vận tải chính quy trong bến vào thế cạnh tranh bất lợi, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, nhất là ở các tuyến Hà Nội đi Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An... và ngược lại.
Trên thực tế chỉ cần vào Google để gõ từ khóa “đón trả khách tại nhà” sẽ có hàng loạt địa chỉ cung cấp dịch vụ này, chưa kể tới rất nhiều điểm tập kết của loại xe hợp đồng trong nội đô. Trong khi đó, xe của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải hành khách chính quy lại đang phải chịu các khoản thuế, phí như bến bãi, lộ trình đường tuyến, VAT (10% giá vé)… còn các loại xe "dù", xe hợp đồng trá hình vẫn chở khách như tuyến cố định liên tỉnh, mà không phải đóng phí.
Để siết chặt loại hình vận tải "xe hợp đồng", mới đây, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Hà Nội phải có biện pháp cứng rắn, xử lý triệt để nạn xe dù, bến cóc, xe khách hoạt động trá hình, xe khách liên tỉnh dừng, đỗ, đón khách sai quy định.
Hiện nay, Sở Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Thanh tra Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra, xử lý xe "dù", xe hợp đồng hoạt động trá hình vận chuyển khách; đồng thời, nghiên cứu lắp camera tại các tuyến đường quanh khu vực bến xe để theo dõi, phạt "nguội."
Đối với ôtô khách chạy "dù", nếu biển kiểm soát của Hà Nội sẽ xử lý theo quy định, nếu là phương tiện tỉnh ngoài hoạt động tại Hà Nội, Sở sẽ phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát xem phương tiện đó của đơn vị nào quản lý và có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.
Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng xe hợp đồng “trá hình” cần khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP đang bộc lộ những bất cập, tránh tình trạng xe hợp đồng lách luật làm nảy sinh tiêu cực./.