Phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn: Khép kín quy trình giám sát chất lượng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:30, 13/10/2016
Nhiều loại rau sạch từ các địa phương được bày bán tại siêu thị. Ảnh: Phương An |
21 tỉnh, thành phố tham gia chuỗi cung ứng
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội tại hội nghị sơ kết chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho Hà Nội do UBND thành phố phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 12-10, sau hơn một năm thành lập Ban Điều phối chương trình chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố, hiện đã xây dựng được 3 chuỗi rau, 6 chuỗi thịt, trứng sản xuất theo VietGAP, chăn nuôi an toàn sinh học… được đưa về Hà Nội qua hệ thống cửa hàng, siêu thị. Ngoài ra, Ban Điều phối còn phối hợp với các tỉnh, thành phố xây dựng các chuỗi nông sản trên cơ sở đặc sản thế mạnh của mỗi địa phương như: Tại tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng 12 cơ sở chăn nuôi, cung cấp 700 tấn lợn an toàn/năm, 6,5 triệu quả trứng; tỉnh Quảng Ninh xây dựng được 12 cơ sở, cung cấp trên 1.000 tấn nông sản/năm cho Hà Nội; tỉnh Hòa Bình xây dựng được 5 chuỗi rau, thịt, cá... 21 tỉnh, thành phố tham gia vào Ban Điều phối đã tích cực cùng Hà Nội xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh rau, củ, quả và hình thành các trang trại chăn nuôi hàng hóa, quy mô lớn để đưa về Hà Nội tiêu thụ...
Khai mạc Tuần lễ nhận diện nông sản, thực phẩm an toàn Từ ngày 12 đến 17-10, tại Khu hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại, số 489 Hoàng Quốc Việt, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức khai mạc Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn Việt. Tham gia Tuần lễ có 24 tỉnh, thành phố, 52 doanh nghiệp trong cả nước với 1.800 dòng sản phẩm được trưng bày, giới thiệu tại 142 điểm phân phối sản phẩm. Tất cả những nông sản thực phẩm, đặc sản vùng miền tham gia Tuần lễ đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chứng nhận VietGAP hoặc các giấy chứng nhận tương đương. Do vậy, chất lượng sản phẩm luôn được đảm bảo, củng cố niềm tin của người tiêu dùng. |
Tuy đã đạt được một số kết quả khả quan, nhưng việc xây dựng, duy trì, kiểm soát các chuỗi rau, thịt vào thị trường Hà Nội vẫn còn bộc lộ những khó khăn, bất cập. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ: Một số tỉnh, thành phố trong Ban Điều phối chưa xây dựng được kế hoạch chương trình hợp tác đối với từng lĩnh vực hằng năm, chưa chủ động cung cấp thông tin để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp (DN) của Hà Nội xây dựng kế hoạch kinh doanh nên còn thụ động trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố chưa có chính sách hỗ trợ cho các DN về cơ sở hạ tầng thương mại phục vụ việc phân phối nông sản tại Hà Nội.
Sẽ ban hành tiêu chí chất lượng
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhận định: Khâu yếu trong chương trình còn là việc xác định đơn vị đầu mối kết nối cung cầu cũng như chứng nhận chất lượng hợp quy của các tỉnh, thành phố còn chưa rõ ràng. Thời gian qua, các đơn vị tham gia chuỗi cung ứng mới chỉ mang tính phong trào nên khi phân công trách nhiệm cụ thể và triển khai thực hiện thì nhiều đơn vị tỏ ra lúng túng, chưa rõ người, rõ việc.
Để tháo gỡ khó khăn cho chuỗi cung cấp rau, thịt từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội, bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm ban hành bộ tiêu chí chất lượng an toàn để các tổ chức, cá nhân căn cứ tổ chức sản xuất, đồng thời có cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ các vùng sản xuất và DN tham gia chuỗi. Ông Trần Quốc Toàn, Giám đốc DN gạo Toản Xuân (Nam Định) nêu quan điểm: Mong muốn lớn nhất của DN là sản phẩm sạch có chỗ đứng trên thị trường, vì vậy cần đưa nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành phố về các chợ đầu mối và tăng cường kiểm soát nhằm cung cấp cho các chợ bán lẻ sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm. Hiện có một nghịch lý là DN, HTX tham gia sản xuất kinh doanh nông sản sạch thì chịu sự kiểm tra, giám sát của nhiều đơn vị còn nông sản tại chợ đầu mối vẫn bị thả nổi, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết: Thời gian tới thành phố sẽ sớm ban hành quy định, tiêu chí cụ thể về quản lý chất lượng nông sản tại các chợ đầu mối, chợ buôn bán nông sản và có kế hoạch liên kết cụ thể với từng tỉnh, thành phố, trong đó chi tiết đến từng dòng sản phẩm. Đặc biệt, sẽ đưa các xe lưu động kiểm tra nhanh chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm kinh doanh nông sản trên địa bàn thành phố... TP Hà Nội cũng tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp các chợ đầu mối, khép kín quy trình giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm từ đây trước khi đưa đến các siêu thị, cửa hàng tiện ích hoặc chợ dân sinh tiêu thụ.