Cộng đồng trách nhiệm

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:09, 14/10/2016

(HNM) - Không phải đến bây giờ, doanh nghiệp, doanh nhân mới được quan tâm, tạo điều kiện phát triển. Hơn một tháng sau ngày tuyên bố Việt Nam độc lập, ngày 13-10-1945, Bác Hồ đã gửi một bức thư cho giới công thương, trong đó nhấn mạnh rằng


Và, Đảng, Nhà nước luôn có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, đặc biệt là khi nước ta hội nhập quốc tế. Từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 13-10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Với sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, số lượng doanh nghiệp, doanh nhân tăng nhanh chóng. Hiện cả nước có gần 600 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó Hà Nội “đóng góp” 30,8%. Được tạo điều kiện, ưu ái thì cũng đồng nghĩa với phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn vì “dân cường, nước thịnh”. Thế nhưng, không phải doanh nghiệp, doanh nhân nào cũng ý thức được trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng.

“Cơn lốc” bất động sản trước đây đã cuốn theo rất nhiều người, trong đó không ít người bỗng dưng trở thành doanh nhân “máu mặt”. Các dự án bất động sản ào ào xuất hiện, được quảng cáo bằng những mỹ từ mà chỉ nghe đã muốn đầu tư. Không ít người, vì không tìm hiểu kỹ về chủ đầu tư, về dự án đã vội vàng “góp vốn” mua nhà, để rồi, khi “cơn lốc” bất động sản đi qua, nhiều năm sau vẫn chỉ có… nhà trên giấy. Không ít dự án được chuyển đổi mục đích sang… trồng cỏ, nuôi bò do để hoang hóa nhiều năm.

Các dự án chậm triển khai không chỉ ảnh hưởng đến những người góp vốn mà còn gây ra lãng phí nhiều mặt, tạo nên những bức xúc xã hội, những vụ khiếu kiện, tranh chấp giữa người mua với chủ đầu tư, giữa người mua với người mua (mua bán trao tay trên giấy)… Chưa hết, các dự án chậm triển khai còn gây lãng phí vì không thể sản xuất, canh tác. Và sâu xa hơn, khi tăng trưởng của nền kinh tế còn dựa nhiều vào đầu tư, thì việc chậm triển khai các dự án đầu tư sẽ kéo giảm tốc độ tăng trưởng, làm doãng hơn khoảng cách tụt hậu trong phát triển.

Nguyên nhân thì có nhiều, cả chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chính yếu vẫn là từ chủ đầu tư, các doanh nghiệp. Kiểu đầu tư, kinh doanh “chộp giật”, "theo phong trào", thiếu căn cơ, bài bản khiến không ít doanh nghiệp, doanh nhân không đủ sức đứng vững khi “quả bóng” bất động sản “xì hơi”, dẫn đến những hệ lụy kể trên. Đó là chưa kể những chiêu trò lách luật nhằm trục lợi từ các dự án nhà ở xã hội của chủ đầu tư, doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản…

Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án, bảo đảm nhu cầu nhà ở cho người dân, hơn một năm trước, tháng 8-2015, thành phố đã tiến hành rà soát, đánh giá và tìm giải pháp tháo gỡ phù hợp cho từng dự án, trong đó những dự án trì trệ do nguyên nhân chủ quan của chủ đầu tư, sẽ kiên quyết thu hồi. Đó cũng chính là tinh thần “xác định lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là đối tượng để phục vụ” mà Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định tại lễ phát động phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”.

Nhiều dự án không còn khả thi đã bị thu hồi lại để chuyển cho chủ đầu tư khác đầu tư theo đúng quy hoạch. Những dự án do lý do khách quan, có thể thực hiện,... được gia hạn. Điều đó thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm rất rõ của lãnh đạo thành phố với người dân, doanh nghiệp và vì sự phát triển của thành phố. Về phía mình, các chủ đầu tư, doanh nghiệp cũng phải thể hiện rõ hơn trách nhiệm với cộng đồng, tích cực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án...

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã thêm một lần nhấn mạnh tới quyết tâm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp cùng những cam kết cụ thể. Cùng cộng đồng trách nhiệm với nhau trong giải quyết những rào cản, vướng mắc - nhất định sẽ thúc đẩy tích cực và bền vững sự phát triển!

Mai Lâm