Gắn nghiên cứu khoa học với phát triển nhân lực chất lượng cao
Giáo dục - Ngày đăng : 06:28, 14/10/2016
Đột phá trong quản lý
Xác định mục tiêu tham gia vào đội ngũ các trường ĐH nghiên cứu uy tín trong khu vực và trên thế giới, trong những năm qua, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã có các chính sách kiện toàn và nâng cao năng lực bộ máy tổ chức quản lý khoa học và công nghệ (KH-CN), thúc đẩy hoạt động nghiên cứu. Để hội nhập quốc tế sâu rộng, nhà trường đã đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, đào tạo và nghiên cứu theo hướng tăng quyền tự chủ trong các đơn vị. Đây có thể được coi là giải pháp đột phá của các cơ sở đào tạo hiện nay.
Hướng dẫn sử dụng máy sắc ký cho sinh viên sau đại học tại Trung tâm Giáo dục và Phát triển sắc ký,Trường Đại học Bách khoa, Hà Nội. Ảnh: Đình Na |
Những giải pháp tự chủ được triển khai đã giúp nhà trường khai thác hiệu quả hơn tiềm lực KH-CN sẵn có, góp phần gắn nghiên cứu khoa học (NCKH) với đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau ĐH. Trường đã phân cấp tự chủ trong hoạt động KH-CN cho 11 viện đào tạo và nghiên cứu, bên cạnh việc thực hiện cơ chế giao khoán kinh phí đề tài cấp cơ sở. Nhờ đó, các đơn vị có thể chủ động được nguồn lực nghiên cứu, tập trung cho định hướng nghiên cứu cũng như phát huy được thế mạnh của đơn vị mình. Nguồn vốn đầu tư cho KH-CN cũng được đa dạng hóa. Các doanh nghiệp được kêu gọi đầu tư cho hoạt động KH-CN, thành lập hoặc liên kết để thành lập các phòng thí nghiệm. Công tác tổ chức đánh giá chất lượng NCKH được thực hiện thông qua các công bố quốc tế trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín và các bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích.
Chú trọng phát triển tiềm lực KH-CN, nhà trường đã xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, trọng dụng nhân tài, xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ theo hướng coi hoạt động KH-CN là một trong hai nhiệm vụ chính của công tác giảng dạy. Với mục đích rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và ứng dụng vào thực tiễn, hệ thống doanh nghiệp (BKHolding) được nhà trường xây dựng, hỗ trợ các nhà khoa học trong trường bắt tay với các doanh nghiệp bên ngoài. BKHolding cũng giúp gắn kết nhà trường và môi trường kinh tế, xã hội, gắn kết công tác đào tạo, NCKH với sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu đào tạo và nghiên cứu theo nhu cầu của xã hội.
Bên cạnh hoạt động nghiên cứu của cán bộ, giảng viên, hoạt động NCKH của sinh viên tại trường đã có bề dày hơn 30 năm, liên tục được đổi mới cả về chất và lượng, ngày càng mang tính thời sự, gắn liền với các vấn đề cấp thiết của đời sống, xã hội, có khả năng ứng dụng và chuyển giao ngày càng cao. Sinh viên nhà trường đã để lại dấu ấn rất tích cực trong các cuộc thi sáng tạo khoa học trẻ.
Trong giai đoạn 2005-2015, trường đã chủ trì và tham gia 593 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, 164 đề tài hợp tác quốc tế, 1.264 đề tài cấp bộ, 1.914 đề tài cấp trường; 124 đề tài cấp tỉnh, sở; 37 dự án sản xuất thử nghiệm với tổng kinh phí 510 tỷ đồng. Trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay, tổng số công trình đăng trên các tạp chí ISI là 713 bài. Đồng thời, từ năm 2004, trường đã hỗ trợ đăng ký thành công gần 120 đơn sáng chế và giải pháp hữu ích, trong đó có 50 đơn đã được cấp bằng bảo hộ. Năm 2013, trường nộp nhiều đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích nhất trong số các trường ĐH tại Việt Nam. |
Kết quả được xã hội đón nhận
Theo bảng xếp hạng các đơn vị NCKH của nhóm nghiên cứu SCImago (Tây Ban Nha), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội luôn là đơn vị đứng đầu của Việt Nam trong giai đoạn 2012-2016 và cùng với ĐH Quốc gia Hà Nội nằm trong top 500 của khu vực Châu Á (xếp hạng theo các đơn vị đào tạo). Để đạt được vị thế này, nhà trường luôn bám sát định hướng chiến lược phát triển KH-CN của đất nước theo nhu cầu của xã hội. Đồng thời, nhà trường cũng tham gia xây dựng định hướng phát triển KH-CN cho Chính phủ, đề xuất các hướng nghiên cứu phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
Nhiều cán bộ khoa học của trường đã trực tiếp tham gia xây dựng các chương trình quốc gia về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, tự động hóa… Nhiều chương trình, đề tài, dự án đổi mới và hoàn thiện công nghệ đã làm lợi cho Nhà nước, cho các doanh nghiệp nhiều tỷ đồng: GS.TS Đặng Thị Kim Chi thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách và biện pháp giải quyết vấn đề môi trường ở các làng nghề Việt Nam”, năm 2007 đã được tặng Giải thưởng Kovalevskaia. Sản phẩm từ đề tài “Tủ kích từ điều khiển số cho máy phát nhà máy thủy điện” của GS.TS Nguyễn Trọng Thuần đã được sử dụng tại Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, nhận Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2010. GS.TS Lê Thị Chiều đã giải mã được công nghệ, xây dựng quy trình gia công cơ khí và xử lý nhiệt, chế tạo thành công lõi neo cáp bê tông dự ứng lực, nhận Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam 2010.
Một số nhà khoa học trẻ của trường đã có các công trình khoa học có ý nghĩa về mặt xã hội cũng như mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết các vấn đề về nội địa hóa sản phẩm. Tập thể các nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực vật lý kỹ thuật và công nghệ vật liệu mới của trường đã tạo dựng được uy tín lớn, đạt trình độ quốc tế trong nghiên cứu khoa học cơ bản với thành công của GS.TS Nguyễn Văn Hiếu trong việc nghiên cứu chế tạo cảm biến trên cơ sở dây nano bằng các loại vật liệu khác nhau để trợ giúp cho việc quan trắc môi trường (Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2016).
Song song với các nghiên cứu cơ bản, nhiều kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã được triển khai ứng dụng trong quân sự và trong cuộc sống. Một số đề tài, dự án mang tính ứng dụng thực tiễn cao như: Chuyển giao công nghệ vật liệu từ mềm cho Bộ Quốc phòng; chuyển giao công nghệ chế tạo bột huỳnh quang cho Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông; chế tạo và lắp đặt các hệ thống pin mặt trời cho vùng xa và hải đảo; chế tạo các modun chiếu sáng phục
vụ đánh bắt thủy, hải sản; chế tạo các máy ozone dân dụng và công nghiệp để xử lý môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm… Nhiều sản phẩm đã được thương mại hóa ở các mức độ khác nhau và được xã hội đón nhận.