Không để lãng phí tài nguyên đất
Bất động sản - Ngày đăng : 07:07, 14/10/2016
Cần sớm có giải pháp tháo gỡ vướng mắc cũng như rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, vốn đầu tư.Ảnh: KHÁNH HUY |
Từ năm 2009 đến tháng 6-2016, thành phố đã thu hồi hơn 18 triệu mét vuông đất để hoang. Thời gian tới, các sở, ngành, quận, huyện tiếp tục rà soát, yêu cầu các chủ đầu tư báo cáo; cùng với chế tài xử phạt, sẽ đề xuất hình thức tháo gỡ vướng mắc từng hạng mục công việc, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ dự án, nhằm tránh thất thu, lãng phí.
Những lô đất vàng để cỏ mọc
Dọc đường Trần Kim Xuyến, Vũ Phạm Hàm, Mạc Thái Tông, Nguyễn Chánh (quận Cầu Giấy), không khó để tìm những lô đất "vàng" quây rào, cỏ mọc um tùm. Nằm ngay cạnh ngã tư Mạc Thái Tông - Nguyễn Chánh là lô đất ký hiệu C3, có diện tích hơn 9.000m2. Đây là đất nền dự án tổ hợp bãi đỗ xe, siêu thị, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp, do Công ty cổ phần Đầu tư Thùy Dương (TD Group) làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, công trình khối nhà chính 19 tầng, 1 tum; khối đế 3 tầng, 2 tầng hầm, 1 tầng bán hầm. Diện tích xây dựng khoảng 3.600m2, tổng diện tích sàn xây dựng hơn 61.000m2. Để thực hiện dự án, TD Group đã liên danh với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) lập Công ty cổ phần Handico - Thùy Dương. Năm 2012, sau hơn 1 năm giao đất, thành phố đã nhắc nhở TD Group làm thủ tục xác định giá thuê đất và sớm triển khai đầu tư. Tuy nhiên, hiện dự án vẫn “án binh bất động”.
Cách lô đất C3 không xa là lô B4, nằm tại ngã tư Mạc Thái Tổ - Nguyễn Chánh, đối diện trụ sở Kiểm toán Nhà nước đang được xây dựng. Đây là đất nền của dự án tổ hợp công trình thương mại - dịch vụ và nhà ở cao tầng B4 Center Nam Trung Yên, do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội (Handico 7) làm chủ đầu tư, có tổng diện tích 15.717m2, gồm một khối văn phòng, hai khối chung cư cao tầng. Theo thông tin từ chủ đầu tư, dự án được thành phố ra quyết định giao đất từ tháng 6-2011, đến cuối năm 2012 thì hoàn thành hạ tầng kỹ thuật. Song cũng từ đó, dự án... dừng luôn và đến giờ vẫn đang quây rào tôn. Tại đường Trần Kim Xuyến, nhiều lô đất quây tôn đang được tận dụng làm chỗ rửa, sửa xe hay trông giữ phương tiện qua đêm...
Còn theo Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Phong Cầm, hiện trên địa bàn quận có một số dự án “treo” hoặc đang trong quá trình thanh tra… gồm cả dự án đã được giải phóng mặt bằng, giao đất và đã phê duyệt quy hoạch nhưng chưa giải phóng mặt bằng, chưa giao đất, gây rất nhiều khó khăn đối với công tác quản lý và cuộc sống của người dân. "Đặc biệt, các dự án đã được giao đất nhưng chậm thực hiện, để hoang hóa vừa ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, an ninh trật tự địa bàn, vừa gây khó khăn cho quá trình đấu nối, hoàn thiện hạ tầng chung của khu vực" - ông Nguyễn Phong Cầm nói.
Hiện, trên địa bàn Hà Nội, dự án đã được phê duyệt, giao đất nhưng để cỏ mọc hoặc triển khai chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đã lên đến con số hàng trăm. Hệ lụy là Nhà nước thất thu tiền sử dụng đất và nhiều dự án trở thành điểm tiêm chích ma túy, đổ phế thải...
Rà soát, gỡ khó cho dự án
Một số dự án chậm tiến độ tại đường Vũ Phạm Hàm bị bỏ hoang, tận dụng làm nơi rửa xe, sân bóng... Ảnh: Thanh Hải |
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, từ năm 2009 đến tháng 6-2016, thành phố đã ban hành 71 quyết định thu hồi hơn 18.120.000m2 đất đã giao nhưng để hoang không sử dụng; đồng thời ban hành 199 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, với số tiền phạt lên tới gần 3 tỷ đồng (từ năm 2011 đến tháng 6-2016). Tuy nhiên, con số đó chưa thấm vào đâu so với thực tế đang diễn ra.
Ông Trần Anh Dũng, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá, nguyên nhân khách quan là một số lĩnh vực, cơ chế, chính sách của Nhà nước liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng còn chồng chéo, không thống nhất; văn bản hướng dẫn ban hành chậm, nhiều thay đổi, nội dung khó triển khai trong điều kiện thực tiễn... dẫn đến thủ tục đầu tư xây dựng thường bị kéo dài. Phần nữa, do tình hình kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, nguồn vốn đầu tư giảm, dẫn đến nhiều dự án tạm dừng hoặc giãn tiến độ. Còn về nguyên nhân chủ quan, nhiều chủ đầu tư năng lực tài chính hạn chế, không đủ khả năng triển khai, nhận dự án sau đó chuyển nhượng kiếm lời trên danh nghĩa liên doanh, liên kết. Khi thị trường bất động sản "đóng băng", dự án cũng bị bỏ hoang. Thêm nữa, sự phối hợp giữa các sở, ngành và quận, huyện, thị xã trong quản lý các dự án đầu tư xây dựng thiếu hiệu quả; chế tài xử lý hạn chế.
Trả lời câu hỏi, tại sao số dự án bỏ hoang bị thu hồi còn ít hơn thực tế, ông Trần Anh Dũng nói, theo quy định, tùy theo mức độ vi phạm mà Nhà nước áp dụng mức xử lý, từ phạt hành chính đến thu hồi đất. Trường hợp vi phạm phải làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan; nhiều trường hợp phải tổ chức thanh tra để có phương án xử lý phù hợp. Vì vậy, không phải trường hợp nào vi phạm cũng quyết định thu hồi đất. Ngoài ra, có trường hợp theo quy định pháp luật phải thu hồi, nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chủ đầu tư có phương án khắc phục khả thi thì cần có thời gian để đơn vị thực hiện. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đề xuất các cấp, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với chủ đầu tư, tháo gỡ vướng mắc từng hạng mục công việc trên cơ sở thực tế triển khai, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ dự án...
Theo các chuyên gia quy hoạch, biện pháp thu hồi đất các dự án bỏ hoang, để tránh lãng phí nguồn lực đất đai là cần thiết, song cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi, thu hồi xong nhưng không giao đất triển khai dự án khác ngay thì có nghĩa đất vẫn bị bỏ hoang, không được sử dụng; quản lý không tốt lại dẫn đến lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích, xây dựng trái phép... Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác phải giải quyết, như tính toán chi phí mà chủ đầu tư đã bỏ ra như thế nào, hạng mục nào đã triển khai, hạng mục nào có thể sử dụng tiếp...? Vì nguồn lực chủ đầu tư đã bỏ ra cũng chính là nguồn lực của xã hội.
Ông Trần Anh Dũng cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu chủ đầu tư báo cáo căn cứ vào năng lực tài chính hiện tại, nếu đủ điều kiện thì phải tập trung triển khai. Nếu không thể thực hiện đúng với tiến độ phê duyệt trong Giấy chứng nhận đầu tư thì phải báo cáo, xin gia hạn thời gian thực hiện dự án. Trên cơ sở đó, Sở báo cáo UBND thành phố xem xét gia hạn hoặc xin chuyển đổi mục đích sử dụng phù hợp với quy hoạch, để nhanh chóng đưa đất vào sử dụng có hiệu quả.