Gìn giữ và phát huy giá trị di sản quốc gia lễ hội Đền Và
Văn hóa - Ngày đăng : 08:02, 15/10/2016
Lễ hội Đền Và - Lễ hội lớn nhất vùng xứ Đoài. |
Ngày 19-1-2016, lễ hội Đền Và - lễ hội lớn nhất của cả vùng xứ Đoài đã vinh dự được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) cấp quốc gia.
Đậm đà bản sắc xứ Đoài
Xuân Thu nhị kỳ, vào dịp tháng Giêng và tháng Chín hằng năm, Đền Và lại mở hội đón tiếp những người con quê hương và du khách thập phương về dâng hương để tỏ lòng tri ân Đức Thánh Tản. Lại định kỳ ba năm một lần, vào các năm: Tý, Ngọ, Mão, Dậu, chính quyền địa phương và dân làng tổ chức hội lớn với sự tham gia của 8 làng cùng thờ Đức Thánh Tản gồm: Vân Gia, Cầu Trì, Nghĩa Phủ, Mai Trai, Ái Mỗ (thuộc phường Trung Hưng), các làng Phù Sa (phường Viên Sơn), Phú Nhi (phường Phú Thịnh) và làng Duy Bình (thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc).
Tâm điểm của lễ hội là lễ rước long ngai bài vị Tam vị Đức Thánh Tản qua sông Hồng sang đền Ngự Dội (là nơi theo truyền thuyết Thánh Tản Viên đã tắm) để tế lễ diễn lại sự tích này rồi quay trở lại Đền Và. Để tỏ lòng thành kính, nhân dân dọc theo các tuyến phố đoàn rước đi qua, nhà nào cũng thành tâm sắm lễ, dâng hương trước cửa nhà nghênh đón kiệu Đức Thánh. Tại các điểm giao cắt giữa các tuyến phố, trước cửa đình, đền, chùa nơi đoàn rước đi qua đều lập đàn tế lớn, trang hoàng lộng lẫy để vừa cầu xin Đức Thánh ban phước lộc vừa lễ tạ tri ân người... Trong thời gian ba ngày lễ hội (14, 15 và 16 tháng Giêng âm lịch), nhiều trò chơi dân gian như: Đấu vật, kéo co, cờ tướng, cờ người, đập niêu, nấu cơm thi… được tổ chức thu hút rất đông người tham gia.
Cùng với lễ hội rằm tháng Giêng, tại Đền Và còn có lễ hội rằm tháng Chín hay còn gọi là hội Đả ngư nức tiếng xứ Đoài. Ngoài mục đích dựng lại tích Thánh Tản kéo vó, chế biến món ăn từ cá, lễ hội đả ngư còn mang tính khuyến ngư và giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái vùng sông Tích. Trong ngày hội, dân hai bờ sông Tích đổ ra kín cả một khúc sông để cùng đánh bắt cá tập thể. Dưới nước trai đinh nhộn nhịp bơi lội úp xúc, trên bờ dân làng thôi thúc trống chiêng cổ vũ. Khi nào chọn được đủ 99 con cá trắng to thì mang số cá đó về làm lễ vật dâng lên Thánh Tản để cảm tạ ân đức của Ngài.
Tiệc cá để tế Thánh bao gồm các món: Luộc, nướng, nham, gỏi và được bày làm mười mâm, một mâm cúng ông Táo, còn chín mâm chia làm ba, bày trước ba ngai Tam vị Đức Thánh Tản. Đặc biệt, trong ngày này cỗ cúng ở đây không có muối và sau khi thụ lộc xong, có tục ăn trầu không có vôi, nên mới có câu: "Hội Đền Và trầu không vôi, xôi không muối". Thông qua lễ hội giúp chúng ta nhận ra những tục lệ cổ của người Việt xưa với những tục hèm kiêng kỵ mà lễ thức ấy còn được lưu truyền đến ngày hôm nay.
Hội tụ sức mạnh đoàn kết
Đến với Đền Và, ai cũng cảm thấy như trở về với cội nguồn tiên tổ, cội nguồn văn hóa dân tộc đậm đà bản sắc xứ Đoài. Hòa mình trong không khí lễ hội, mỗi người trong chúng ta đều có chung cảm giác tâm hồn được thoát tục, nhẹ nhõm trong sáng hơn nơi mảnh đất cổ tụ hội linh khí ngàn năm của dân tộc. Từ lâu, Đền Và cùng lễ hội Đền Và đã trở thành điểm đến tâm linh của nhiều người dân xứ Đoài và du khách thập phương.
Lễ hội Đền Và đã trở thành cây cầu tâm linh bền vững kết nối đông đảo nhân dân đôi bờ Tả - Hữu sông Hồng thành một khối. Đó là thời điểm hội tụ sức mạnh đoàn kết và gửi gắm khát vọng về hòa bình, ấm no của người dân xứ Đoài trong suốt dọc dài lịch sử. Với những giá trị văn hóa lịch sử quý giá, ngày 19-1-2016, lễ hội Đền Và đã vinh dự được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là DSVHPVT cấp quốc gia.
Lễ đón nhận DSVHPVT cấp quốc gia lễ hội Đền Và và cây di sản Việt Nam được tổ chức vào hôm nay, ngày 15-10-2016 tức ngày rằm tháng Chín năm Bính Thân đúng vào dịp diễn ra hội Đả ngư Đền Và. Việc lễ hội Đền Và được công nhận là DSVHPVT cấp quốc gia là niềm vinh dự tự hào, đồng thời là trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Sơn Tây trong việc thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống của dân tộc. Đây là tiền đề thuận lợi để thị xã Sơn Tây tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh gắn với bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa của di tích và lễ hội Đền Và. Trong đó, chú trọng bảo tồn có chọn lọc các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đặc sắc trong lễ hội Đền Và, coi trọng tính đặc thù, độc đáo của lễ hội và xây dựng thêm các tiêu chí văn hóa mới phù hợp để xứng tầm với vị thế của DSVHPVT quốc gia.
Thị xã Sơn Tây là một vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa với 226 di tích, trong đó có 15 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 53 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố. Nhiều di tích nổi tiếng gắn liền với tên đất và con người Sơn Tây như: Làng cổ Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây, Đền Và, đền Măng Sơn... Ngoài những giá trị văn hóa vật thể quý hiếm, các di tích còn có những giá trị văn hóa phi vật thể là lễ hội truyền thống cần được bảo tồn và phát huy. Hằng năm, trên địa bàn thị xã có 73 lễ hội truyền thống diễn ra. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, tổ chức lễ hội luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban quản lý di tích quan tâm thực hiện đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng lành mạnh của các tầng lớp nhân dân. Theo quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sơn Tây phấn đấu trở thành đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, đô thị vệ tinh cửa ngõ Tây Bắc TP Hà Nội trên cơ sở bảo tồn di sản văn hóa truyền thống. Để tiến tới đích đến này, thị xã Sơn Tây chọn hướng đi phát triển kinh tế gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa giàu bản sắc; phấn đấu xây dựng thị xã trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa của TP Hà Nội. |