Nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi gấp rưỡi xuất khẩu gạo
Kinh tế - Ngày đăng : 08:44, 15/10/2016
Chưa coi trọng trồng cây vụ đông
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu ước tính trong tháng 9/2016 ước đạt 262 triệu USD, nâng tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này 9 tháng 2016 đạt 2,46 tỷ USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2015. Ba thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này trong 8 tháng năm 2016 là Argentina, Hoa Kỳ và Trung Quốc, chiếm thị phần lần lượt là 46,2%, 10,8% và 8,8%.
Chính phủ hỗ trợ nông dân trồng ngô để giảm nhập khẩu ngô làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN |
Tuy nhiên, theo các chuyên gia giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu chưa được tính đầy đủ. Vì 9 tháng qua, Việt Nam nhập khẩu lúa mì ước đạt 3,41 triệu tấn với giá trị đạt 728 triệu USD (tăng 81,8% về khối lượng và tăng 48% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015), trong đó một nửa dùng làm thức ăn chăn nuôi.
Thực tế, Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng hàng năm vẫn phải bỏ ra hàng tỉ USD để nhập khẩu nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, lãng phí lượng ngoại tệ lớn của Nhà nước. Nguyên nhân một phần cũng do nông dân vẫn chưa coi trọng những cây trồng này nên ít đầu tư sản xuất.
Theo nông dân Nguyễn Văn Cát, xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm (Hà Nam), sau khi thu hoạch lúa mùa, trong lúc đất nông nhàn nông dân chuyển sang trồng cây vụ đông, trong đó chủ yếu là ngô, đậu tương... Gia đình ông có 1 mẫu ruộng (3.600 m2) dự định trồng 80% diện tích là đậu tương, 10% diện tích trồng ngô, còn lại trồng rau mầu...
Ông Cát cho biết: “Trồng nhiều đậu tương vì không mất nhiều công chăm sóc, trồng ngô dù được hỗ trợ; nhưng tốn nhiều công chăm bón, tưới nước nên người dân không mặn mà. Hơn nữa, đa số nông dân vẫn chỉ coi ngô, đậu tương là những cây trồng phụ trong lúc trống đất nên không đầu tư nhiều. UBND xã đang huy động nông dân trồng 100 ha cây vụ đông. Tuy nhiên, do thiếu nhân lực nên có lẽ chỉ đạt trên 50% diện tích này”.
Còn theo lý giải của ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, Việt Nam không có thế mạnh về phát triển cây họ đậu nói chung và đậu tương nói riêng. Trước đây, Việt Nam có 200.000 ha trồng đậu tương nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 120.000 ha đậu tương, năng suất thấp 1,5 tấn/ha. Nguyên nhân là do đất trồng ở Việt Nam được quay vòng liên tục, đất không có thời gian nghỉ để hấp thụ dinh dưỡng, thời gian trồng đậu tương chỉ có 3 tháng, trong khi các nước khác trồng đậu tương 5 tháng nên có năng suất cao hơn (3 tấn/ha). Ngoài ra, nhiều vùng ở Việt Nam bị sương muối ảnh hưởng tới năng suất đậu tương.
Với ngô, diện tích trồng khoảng 1,1 triệu ha, năng suất 4,5 tấn/ha, bằng một nửa so với Hoa Kỳ. Nguyên nhân là do hệ thống thủy lợi phục vụ cho lúa mà không chú ý tới ngô, nên ngô chủ yếu được tưới bằng nước mưa. Giá ngô còn cao 5.200 đồng/kg trong khi ngô nhập chỉ 4.800 - 5.000 đồng/kg. Mỗi năm, Việt Nam cũng phải nhập khoảng 100 tấn bột cá từ Peru, Guinea... vì Việt Nam không có tàu đánh bắt xa bờ. Loại bột cá này có độ muối mặn dưới 1% trong khi bột cá của Việt Nam là 7 - 10% không dùng được...
Cần quy hoạch vùng trồng
Để khuyến khích nông dân tập trung trồng ngô, hạn chế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 915/QĐ - TTg ngày 27/5/2016 về chính sách hỗ trợ để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô tại vùng trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Bắt đầu từ vụ hè thu năm 2016 đến hết vụ đông xuân 2018 - 2019 cho phép tất cả các vùng trên được chuyển đổi đất lúa sang trồng ngô, hỗ trợ với mức là 3 triệu đồng/ha.
Bộ NN&PTNT cũng đã đặt ra quy hoạch chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng ngô vùng miền núi phía Bắc giai đoạn 2016 - 2020. Tổng diện tích lúa quy hoạch chuyển đổi sang trồng ngô là 30.100 ha, tập trung tại các tỉnh như: Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình và Thái Nguyên.
Theo GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng, Việt Nam có những giống ngô cho năng suất 8 - 10 tấn/ha, nhưng khi sản xuất thực tế chỉ cho năng suất trung bình 4,5 tấn/ha, do ngô của Việt Nam không có nước tưới. Nếu có hệ thống thủy lợi tốt, tưới nước đầy đủ thì năng suất ngô sẽ tăng 20 - 30%. Hơn nữa, phần lớn ngô Việt Nam được trồng bằng thủ công, không cơ giới hóa. Nếu quy hoạch vùng trồng, cơ giới hóa toàn bộ, tưới nước tập trung thì năng suất sẽ tăng lên, giá thành sẽ giảm xuống.
Ngoài ra, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho rằng: “Cần kiểm soát nạn phân bón giả để người dân không phải tốn nhiều chi phí. Cây trồng biến đổi gen là một trong những giải pháp tốt, vì chống được sâu bệnh, đưa năng suất lên cao hơn, để giảm nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi”.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, cây ngô, đậu tương... chỉ phát huy lợi thế với điều kiện sản xuất lớn, từ đó giảm giá thành. Việt Nam hoàn toàn làm được nhờ cơ giới hóa, giống... nhưng vấn đề quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của nông dân. Nếu tổ chức sản xuất tốt, đến năm 2020 Việt Nam có thể tự túc được 50% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.