BRICS - Tương lai còn nhiều rào cản

Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:50, 15/10/2016

(HNM) - Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) lần thứ 8 khai mạc ngày hôm nay, 15-10, tại TP Goa (Ấn Độ) được đánh giá là dịp để các thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi nêu ra những quan điểm riêng cũng như đề xuất các giải pháp cho nhiều vấn đề “nóng” mà thế giới và khối này đang đối mặt. Diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng yếu, đẩy mạnh tăng cường hợp tác kinh tế nội khối sẽ là nội dung quan trọng trong lần nhóm họp này của 5 nền kinh tế mới nổi.

Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2016 được kỳ vọng sẽ đề ra những giải pháp tạo đà tăng trưởng cho 5 nền kinh tế mới nổi của thế giới.


Trên thực tế, BRICS gần đây đang đối mặt nhiều khó khăn. Tình trạng kinh tế của một số thành viên trong khối thời gian qua đã gây thất vọng không nhỏ. Sự phát triển nhanh chóng của Brazil từng được dự đoán sẽ tiếp tục bùng nổ, nhưng thực tế nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này đã lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng, bên cạnh sự bất ổn về chính trị. Kinh tế Nga vẫn đang trong thử thách ghê gớm với sự tụt dốc thê thảm của giá dầu, các lệnh trừng phạt của phương Tây và hiện đã trượt khỏi danh sách 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Với Ấn Độ, dù không gặp những biến cố lớn nhưng cũng phải đối phó với tỷ lệ lạm phát tăng, thâm hụt ngân sách và bất cập về cơ cấu kinh tế. Đáng chú ý nhất là sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc với triển vọng tăng trưởng trong năm 2016 được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo có nguy cơ “hạ cánh cứng” do công suất dư thừa và nợ cao.

Ngay trước thềm hội nghị lần này, Trung Quốc đã đề xuất ý tưởng về việc thành lập khu vực tự do thương mại trong khối như là một biểu hiện quan trọng của nỗ lực hợp tác thiết thực trong BRICS. Theo đó, các nước thành viên sẽ phát huy được hết lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư trong khối. Ngoài ra, thỏa thuận thương mại tự do (FTA) cũng hứa hẹn giúp các nước BRICS đạt được lợi ích và sự phát triển chung. Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của 5 nước thành viên BRICS đã tăng từ 3.200 tỷ USD năm 2012, lên 3.470 tỷ USD năm 2014. Trong khi đó, thương mại nội khối cũng tăng từ 281,4 tỷ USD lên 297 tỷ USD trong cùng giai đoạn. Thời gian tới, theo các chuyên gia kinh tế, BRICS cùng với Nhóm 20 nền kinh tế mới nổi và phát triển lớn nhất thế giới (G20) sẽ vẫn giữ được vai trò đối với trật tự thế giới mới, đặc biệt trong việc ổn định hệ thống tài chính, tiền tệ và ngân hàng.

Bên cạnh vấn đề kinh tế, an ninh cũng sẽ là đề tài được chú trọng. Với vị thế nước chủ nhà, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ thu hút sự chú ý của dư luận thế giới đối với tình hình căng thẳng tại biên giới giữa nước này với Pakistan thời gian gần đây. Tuy nhiên, liệu những nỗ lực này có nhận được sự ủng hộ từ Trung Quốc - đồng minh lâu đời của Pakistan - hay không, là điều khó nói. Ấn Độ và Trung Quốc cũng có những bất đồng dai dẳng về biên giới ở Himalaya cũng như khác biệt lợi ích tại một số khu vực khác.

Trong khi đó, trong khuôn khổ hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ ký kết một thỏa thuận với Thủ tướng Ấn Độ N.Modi nhằm chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tiên tiến nhất của nước này - động thái cũng được cho là sẽ khiến quốc gia Nam Á đi trước một bước trong cuộc chạy đua quốc phòng đang nóng lên khắp Châu Á. Dẫu vậy, các nhà phân tích cho rằng hội nghị lần này sẽ “né tránh” những chỉ trích có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng sẵn có giữa Ấn Độ và Pakistan. Thay vào đó, các nước sẽ tập trung thảo luận các vấn đề khủng bố trong khu vực cũng như trên toàn cầu cùng với việc thông qua thỏa thuận thành lập các nhóm hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng, chống khủng bố, an ninh năng lượng.

Nhìn chung, trong môi trường quốc tế đang biến đổi, BRICS phải đối diện với không ít những thách thức đối với quá trình phát triển. Tăng trưởng trì trệ, đói nghèo và khó khăn trong việc tái cơ cấu nền kinh tế để thích nghi với sự chuyển đổi của kinh tế thế giới là những rào cản với BRICS khi hướng tới mục tiêu trở thành một khối hợp tác có tiếng nói quyết định đối với các vấn đề toàn cầu.

Hoàng Linh