Hết cửa cho "lò luyện"?

Giáo dục - Ngày đăng : 08:15, 16/10/2016

(HNM) - Việc Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa các môn của kỳ thi THPT quốc gia ngày 5-10 vừa qua đã giải tỏa phần nào sự âu lo của thầy cô giáo và học sinh (HS) các trường. Ghi nhận tại các trường THPT trên địa bàn Hà Nội một tuần qua cho thấy, cả thầy và trò đều đang hối hả tìm phương án ôn tập.

Với cấu trúc đề thi năm 2017 bám sát sách giáo khoa, sĩ tử không cần đến các “lò luyện”.
Ảnh: Viết Thành



Bám sách giáo khoa


Theo TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, các em chỉ cần tập trung ôn tập trong sách giáo khoa và sự hướng dẫn của giáo viên là có thể đáp ứng yêu cầu của đề thi, không cần đi “lò luyện”. Còn với HS, điều các em bất ngờ nhất sau khi tiếp cận với các đề thi minh họa không phải là từ hình thức thi trắc nghiệm khách quan (TNKQ) mà là nội dung kiến thức. Theo em Nguyễn Văn Nam, HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Bắc Từ Liêm) thì toàn bộ kiến thức trong đề thi minh họa chỉ gói gọn trong nội dung kiến thức của lớp 12. Điều này khác xa so với nhiều năm trước là bao giờ đề thi THPT cũng có sự xuất hiện của kiến thức ở đủ lớp 10, 11 và 12.

Ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng trước phương án thi mới thì việc lo lắng, băn khoăn của HS cũng dễ hiểu. Sở GD-ĐT đã chỉ đạo 238 trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên có HS lớp 12 năm nay tập trung hướng dẫn HS nắm vững kiến thức, kỹ năng của chương trình sách giáo khoa hiện hành; tuyệt đối tránh học tủ, học vẹt, bởi nhìn từ cấu trúc đề thi minh họa cho thấy kiến thức được rải đều toàn bộ chương trình lớp 12, không có nội dung nào nhẹ hơn, nặng hơn, đặc biệt coi trọng kiến thức về ứng dụng, thực hành. Đây là điều mà các nhà trường cần lưu ý trong quá trình ôn tập cho HS.

Thầy giáo Nguyễn Quốc Chí, cựu sinh viên Ngành Toán học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội hiện là giáo viên luyện toán khá nổi tiếng trong cộng đồng mạng bởi cách dạy HS tiếp cận, xử lý các đề thi toán dễ nhớ, dễ hiểu, nhận định: Với đề toán, các nội dung trong chương trình lớp 12 được rải đều, hỏi rất chi tiết với nhiều ý tưởng, kiến thức khác nhau. Đây là điều đối lập hoàn toàn với hình thức tự luận. Đề thi đã có những bài toán mang tính thực tế như tính lãi suất, tính vận tốc… Để làm bài tốt, HS phải học rất chắc kiến thức cơ bản, ngoài ra cần có kỹ năng làm nhanh, sử dụng thành thạo máy tính cầm tay.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, TS Vũ Đình Chuẩn khẳng định: Sách giáo khoa là tài liệu cụ thể hóa những nội dung giáo dục được quy định trong chương trình, cung cấp tri thức nền tảng, hệ thống, toàn diện và được lựa chọn theo các quy luật sư phạm, không có sách giáo khoa nào biên soạn riêng cho thi tự luận hay cho thi TNKQ. Dù thi theo hình thức nào thì HS vẫn cần nắm vững và sử dụng cùng một kiến thức, kỹ năng trong chương trình hiện hành, thể hiện trong sách giáo khoa để trả lời câu hỏi.

Thầy trò vất vả hơn?

Giáo dục công dân là môn thi khiến nhiều HS lo lắng nhất, bởi đây là lần đầu tiên môn này xuất hiện trong danh mục của các kỳ thi, lại thi theo hình thức TNKQ, trong khi việc học tập môn này ở trường từ trước tới nay đều hướng theo yêu cầu tự luận, diễn giải. Thầy Lê Quốc Học, Tổ trưởng Tổ Xã hội, Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Nam Từ Liêm) nhận định: Có thể thấy khó khăn lớn nhất đối với HS lúc này là vấn đề tâm lý. Về việc học, môn giáo dục công dân thường khá dài, nhiều khi khó truyền tải kỹ trong 45 phút học trên lớp, vì vậy HS cần đọc thêm nhiều hơn; chia theo chủ đề để ôn tập như về giao thông, gia đình, môi trường, luật pháp… Với môn học này, các em cũng đừng quên tìm hiểu thêm trên các phương tiện truyền thông để có sự liên hệ, gắn kết với thực tế.

Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Cầu Giấy) cho rằng, với những đổi mới trong cách thức thi của Bộ GD-ĐT năm nay sẽ tác động lớn đến cách thức dạy - học tại các trường phổ thông, quan niệm môn chính, môn phụ cũng sẽ dần được xóa bỏ. Tuy nhiên, HS lớp 12 đã định hướng khối thi ngay từ năm lớp 10, nên thời gian tập dượt để thích ứng với cách thức thi mới không còn nhiều. Lại có một thực tế là chương trình, sách giáo khoa phổ thông hiện còn khá nặng, cả giáo viên và HS chưa có nhiều thời gian làm quen với cách thức làm bài thi tổ hợp, thi TNKQ nên chắc chắn vất vả hơn, đòi hỏi sự cố gắng nhiều hơn.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình) cho rằng, với những đổi mới thi của Bộ GD-ĐT thì dù việc dạy, học có vất vả hơn nhưng là yêu cầu cấp thiết để bảo đảm yêu cầu giáo dục toàn diện. Phương án thi THPT quốc gia năm 2017 với cách thức bài thi tổ hợp, hình thức thi TNKQ đòi hỏi HS phải học đều, học kỹ nội dung kiến thức các môn, vì vậy phần nào hạn chế được quan niệm môn chính, môn phụ, cải thiện dần tình trạng học lệch ở một bộ phận HS hiện nay. Điều quan trọng là cách ra đề làm sao để HS không bị nặng về kiến thức, số liệu mà cần có sự đan xen với yêu cầu ứng dụng, giải quyết vấn đề thực tế.

Một thực tế khác là sau khi Bộ GD-ĐT công bố cấu trúc đề thi minh họa, rất nhiều “lò luyện” xung quanh một số trường đại học lớn của Hà Nội đã tung chiêu khuyến mãi, quảng cáo hấp dẫn như: Ôn thi bám sát đổi mới của Bộ GD-ĐT, đăng ký ngay giảm 25%, bảo đảm đỗ, tổ chức nhiều đợt thi thử… TS Vũ Đình Chuẩn khuyến cáo: Hình thức thi TNKQ không phải là mới, những định hướng đổi mới kỳ thi cũng đã được phổ biến tới HS từ đầu năm học. Các em không nên mất thời gian đi luyện thi, hãy tập trung, bình tĩnh ôn tập theo sự hướng dẫn của thầy cô giáo ở trường và cố gắng tự học đầy đủ các nội dung trong sách giáo khoa là đủ.

Thống Nhất