Ưu tiên dùng hàng Việt
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:11, 17/10/2016
Thường thì năm nào cũng vậy, dù nguồn cung hàng hóa thiết yếu không thiếu, nhưng càng gần Tết Nguyên đán giá cả lại tăng, thậm chí có mặt hàng tăng gấp đôi so với ngày thường, tạo cơ hội cho một số người trục lợi, đẩy giá tăng cao theo kiểu “té nước theo mưa”.
Chủ động trong công tác bình ổn giá (BOG) dịp cuối năm, ngày 23-8-2016 UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 157/KH-UBND về thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, bảo đảm an sinh xã hội, và gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đây là chương trình mà thành phố triển khai từ gần chục năm qua, mang lại những hiệu quả tích cực. Không chỉ góp phần kiềm chế mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), hạn chế hiện tượng đầu cơ, găm hàng... mà chương trình BOG còn giúp ổn định tâm lý, định hướng người tiêu dùng, tránh tình trạng “sốt hàng”, tăng giá ảo, làm mất ổn định thị trường; đồng thời giảm bớt khó khăn cho người dân, nhất là những lao động có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, chương trình BOG tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương đến nay còn tồn tại nhiều bất cập. Số điểm bán hàng BOG chưa nhiều và vẫn xa khu dân cư; các mặt hàng BOG chưa phong phú về mẫu mã, chủng loại. Dù doanh nghiệp nhận được nhiều ưu đãi, nhưng một số điểm bán hàng BOG trong siêu thị vẫn niêm yết giá bán nhiều mặt hàng cao hơn thị trường. Phần lớn các điểm bán hàng BOG chỉ tập trung tại các siêu thị trong khu vực thành phố, chưa hỗ trợ được tốt nhất với người nghèo, người có thu nhập thấp ở khu vực nông thôn.
Năm nay, để chuẩn bị cho Tết Âm lịch Đinh Dậu 2017, thành phố đã quyết định không thực hiện các giải pháp BOG như mọi năm để bảo đảm bình đẳng trên thị trường, đồng thời tổ chức kết nối tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Một trong những giải pháp quan trọng để góp phần bình ổn thị trường, kiềm chế tình trạng “phi mã” về giá của nhiều mặt hàng dịp cuối năm, là thành phố chỉ đạo các ngành, các cấp chú trọng đến cân đối cung - cầu hàng hóa trên thị trường; đẩy mạnh các hoạt động thanh - kiểm tra, giám sát nhằm xử lý việc tư thương trục lợi bằng cách tạo ra cơn sốt ảo để tăng giá. Kinh nghiệm từ nhiều năm cho thấy, việc thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tại địa phương để giám sát giá cả hàng hóa là cần thiết. Với các mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng vào dịp cuối năm sẽ phải được kiểm tra gắt gao hơn.
Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền thành phố, sự vào cuộc nhiệt tình của các doanh nghiệp trên địa bàn, hy vọng giá cả hàng hóa dịp cuối năm sẽ được kiểm soát chặt chẽ và không gây ra hiện tượng “té nước theo mưa” để không khí ấm áp, an vui của ngày xuân có thể lan tỏa đến mọi nhà. Tuy nhiên, về lâu dài, việc đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo ra các chuỗi liên kết cung - cầu bền vững, nâng cao chất lượng phục vụ của hệ thống các đại lý phân phối hàng Việt, bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng là giải pháp quan trọng mà thành phố cần quan tâm trong thời gian tới.