Thức ăn bẩn bủa vây cổng trường học

Xã hội - Ngày đăng : 06:52, 17/10/2016

(HNM) - Khi cả xã hội đang quyết liệt đấu tranh với vấn nạn thực phẩm bẩn len lỏi vào bữa cơm của mỗi gia đình, thì nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn hiện hữu hằng ngày, hằng giờ ngay trước các cổng trường học.

Nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn hiện hữu hằng ngày khi hàng rong bủa vây các cổng trường học. Ảnh: Tuyết Khoa


Nguy hại khôn lường...

Dạo một vòng qua các trường tiểu học, THCS trên địa bàn Hà Nội, nhất là vào giờ tan học, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe lưu động, chiếc mẹt, gánh hàng bày bán đủ các món ăn nhanh: Khoai tây chiên, pho mai que, xúc xích, bỏng ngô, mì giòn, bắp rang bơ, kẹo bông, thịt xiên nướng… Đặc điểm chung của các thực phẩm này là đều được chế biến ngay bên lề đường trong điều kiện nắng nóng, khói bụi, và nguyên liệu thì có khi đến người bán cũng không rõ nguồn gốc. Thế nhưng, những món ăn 3 không (không nguồn gốc, không xuất xứ, không hạn sử dụng) vẫn cuốn hút học sinh và trở thành mối nguy hại cho sức khỏe của thế hệ tương lai.

Nằm trong con ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) có tới hai trường tiểu học Ái Mộ A và Ái Mộ B. Mỗi giờ tan học là thời điểm những quán hàng nằm sát cổng trường hay những gánh hàng rong xung quanh bắt đầu hoạt động náo nhiệt. Chủ một quầy hàng nhỏ ở khu vực này cho biết, học sinh tiểu học rất thích bim bim, kẹo dẻo, ô mai và mì giòn, vì đồ vừa rẻ, lại có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt, hương vị lạ miệng... Theo quan sát của phóng viên, hầu hết các gói quà vặt có màu sắc bắt mắt với giá chỉ từ 3.000 đến 10.000 đồng, đa số đều ghi chữ Trung Quốc, Thái Lan... nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt đính kèm.

Bà Nguyễn Thị Quế (ở 145 Ngọc Lâm, quận Long Biên) cho biết, tôi thường xuyên đưa đón con, cháu đi học tại các trường trên địa bàn và lúc nào cũng thấp thỏm nỗi lo bọn trẻ ăn quà vặt mất ATTP ở cổng trường. Tại khu vực cổng Trường THCS Khương Thượng (Đống Đa) vào giờ tan trường, đủ kiểu quán hàng di động: Thịt nướng, xúc xích, bỏng ngô… “mọc lên như nấm”. Xen kẽ là những quán nước mà chủ quán dùng bàn tay lem luốc không đảm bảo vệ sinh bốc đá cho vào cốc nhựa… Cùng với đó, các loại ô mai, hoa quả dầm được chủ hàng đựng trong các khay nhựa cáu bẩn, không có nắp đậy, ruồi nhặng vô tư hạ cánh… Ở cổng Trường THCS Tây Sơn (Hai Bà Trưng), dễ dàng gặp cảnh các học sinh đang chia nhau những miếng thịt bò khô được đựng trong túi ni lông màu đỏ vừa mua ở quán hàng gần đó. Khi hỏi về vấn đề ATTP của những thực phẩm không nhãn mác bán ở cổng trường, một học sinh học lớp 6 nhanh nhảu trả lời: Bọn cháu ăn thường xuyên có sao đâu… Chia sẻ về vấn đề thực phẩm bẩn gây ung thư, GS.TS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam khẳng định, việc sử dụng thực phẩm không an toàn như các món nướng, rán được chiên đi chiên lại qua dầu mỡ không đảm bảo, hay việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ không mắc bệnh ung thư ngay. Song, nếu dùng thực phẩm bẩn trong thời gian dài, tích lũy dần trong cơ thể sẽ gây bệnh. Như vậy, với việc dùng thực phẩm bẩn tại các cổng trường từ khi học cấp tiểu học đến THPT và thậm chí ngay trong bữa ăn hằng ngày, những thực phẩm trên mâm cơm được mua từ chợ về, không ai dám chắc đó là thực phẩm an toàn, thì việc tích lũy gây bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư sẽ ngày càng trẻ hóa.

Phải kiên quyết xử lý

Theo báo cáo, trong quý III-2016, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã tiến hành kiểm tra hơn 1.700 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Trong số hàng hóa vi phạm, chủ yếu gồm các sản phẩm bánh kẹo, bim bim, phụ gia thực phẩm, bột chiên không rõ nguồn gốc, mỡ bẩn, thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm bốc mùi hôi thối… Phần lớn trong những sản phẩm này vẫn đang bủa vây các trường học.

Học sinh có thể dễ dàng mua các loại đồ ăn bán rong trước cổng trường. Ảnh: Tuyết Khoa


Đề cập đến vấn đề quản lý hàng rong nơi cổng trường học, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng, thức ăn đường phố cũng như hàng quà bày bán tại cổng các trường học là những loại thức ăn nhanh, thuộc trách nhiệm quản lý của UBND phường, xã, thị trấn sở tại. Riêng tại khu vực trường học, nhiều năm nay, Sở Y tế phối hợp với Sở GD-ĐT Hà Nội và các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát. Hiệu trưởng các nhà trường chịu trách nhiệm quản lý ATTP trong trường. Còn từ cổng trường trở ra, UBND phường, xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm kiểm tra. Ngoài việc tuyên truyền, hướng dẫn, chính quyền các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện hàng rong vi phạm ATTP phải lập tức xử lý.

Thời gian qua, một số quận, huyện trên địa bàn thành phố cũng đã kiểm tra, giải tỏa các điểm bán đồ ăn vặt tại cổng trường. Tuy nhiên, một số chủ hàng vẫn bán hàng theo hình thức “du kích”. Tại nhiều trường học, cứ gần giờ ra chơi hoặc giờ tan học khoảng 30 phút là những chiếc xe bán hàng lưu động với đầy các đồ ăn lại xuất hiện. Theo Phó Trưởng phòng Y tế huyện Đông Anh Vương Hồng Phong, những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, nhận thức pháp luật còn kém nên xử phạt cũng rất khó. Do đó, việc kiểm tra, phát hiện sai phạm chủ yếu dừng lại ở nhắc nhở.

Để giải quyết triệt để các quán hàng rong “tấn công” cổng các trường học, đòi hỏi chính quyền nơi trường cư trú cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Ngoài ra, các bậc phụ huynh phải tuyên truyền, giáo dục con em gìn giữ, bảo vệ sức khỏe của chính mình và kiên quyết tẩy chay các loại thực phẩm bẩn này.

Thu Trang