Làm gì để tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp?

Kinh tế - Ngày đăng : 06:47, 17/10/2016

(HNM) - Nông nghiệp không chỉ dừng ở

Thách thức “bủa vây”

Nông dân Việt Nam dù sản xuất ra nhiều nông sản chất lượng nhưng chưa thu được giá trị tương xứng trên thương trường. Nông sản chủ yếu được bán, xuất thô chứ chưa qua chế biến. Mặt hàng cà phê là ví dụ: Nếu xuất khẩu cà phê hạt, giá khoảng 2 USD/1kg, nhưng rang xay, đóng gói, giá trị có thể tăng gấp 2 đến 3 lần. Dù vậy, số lượng cà phê của Việt Nam được chế biến không nhiều. Nguyên nhân, do thiếu công nghệ và để đầu tư vào chế biến cần một lượng vốn đầu tư lớn. Trong khi đó, Nhà nước cho vay vốn sản xuất nông nghiệp lãi suất giống như cho vay bất động sản nên doanh nghiệp nông nghiệp khó có thể cạnh tranh.

Có thể nói, những thách thức đang “bủa vây” nông nghiệp Việt Nam. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích: Biến đổi khí hậu đã và đang ập đến khá rõ nét, bất ngờ như: Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở phía Nam, lạnh giá bất thường ở phía Bắc đã tác động mạnh tới sản xuất nông nghiệp. Dân số Việt Nam đang già hóa, lực lượng lao động tham gia vào sản xuất trong nông nghiệp không còn dồi dào như những năm trước..., buộc nông nghiệp Việt Nam phải chuyển đổi. Thách thức này là cơ hội và động lực để Việt Nam chuyển đổi cơ cấu sản xuất.

Cà phê của Việt Nam chủ yếu vẫn là xuất khẩu thô. Ảnh: Lã Anh


Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Bộ NN&PTNT cho rằng: Lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm từ 35 đến 40% là quá cao. Do vậy, lao động nông nghiệp cần phải được rút bớt sang làm các công việc khác. Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới trung ương dẫn chứng, thực tế tại nhiều địa phương đầu tư ngân sách cho nông nghiệp chưa được ưu tiên. “Ở nhiều tỉnh, do đầu tư ngân sách vào nông nghiệp giá trị thu được thấp hơn nhiều so với đầu tư vào các lĩnh vực khác nên khó “thuyết phục” được HĐND khi quyết định bố trí ngân sách” - ông Nguyễn Minh Tiến nói.

Báo cáo phát triển Việt Nam 2016 của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định: Ngành Nông nghiệp Việt Nam đang bị cạnh tranh bởi quá trình phát triển đô thị, công nghiệp và dịch vụ... Trên thực tế, nông nghiệp Việt Nam thua kém so với nhiều nước trong khu vực xét trên lĩnh vực hiệu quả sử dụng đất, lao động và nguồn nước. Chênh lệch thu nhập giữa lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp tăng. Hầu hết nông sản của Việt Nam chỉ được bán dưới dạng nguyên liệu thô, giá trị thấp.

Thay đổi để tồn tại

Đã đến lúc Ngành Nông nghiệp phải thực hiện “tăng giá trị - giảm đầu vào”. Tức là tạo thêm giá trị kinh tế cho nông dân, đồng thời, giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, sức lao động và các nguồn lực khác. Theo phân tích của WB: Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội. Tầng lớp trung lưu ngày một tăng và họ có nhu cầu sử dụng các loại nông sản có chất lượng cao. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đang có nhiều cơ hội trên thị trường thế giới. Việt Nam cần có những sản phẩm cho năng suất nhiều hơn và thương hiệu sản phẩm có dấu ấn, chất lượng trên thế giới. Nền nông nghiệp phải phát triển xanh sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, lọt top 20 nước sản xuất nông nghiệp nông sản trên thế giới. Trong tương lai cơ cấu nông nghiệp kỳ vọng sản xuất lúa giảm đi để sản xuất sang những cây trồng phù hợp với môi trường.

Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Bộ NN&PTNT Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng: Để tăng giá trị cho hàng nông sản, Việt Nam cần đẩy mạnh đưa công nghệ vào chế biến. Là nước xuất khẩu gạo, tiêu, điều... lớn, Việt Nam có thể chế biến thành các loại tinh dầu gạo, tiêu, điều để cho giá trị cao hơn. Nhà nước hỗ trợ người sản xuất, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng nông sản và gắn với bảo vệ sức khỏe, phát triển du lịch, văn hóa.

Trao đổi nội dung trên, theo bà Phạm Chi Lan, để tăng giá trị nông nghiệp, Nhà nước phải tổ chức lại sản xuất, phải lôi kéo doanh nghiệp tham gia sâu rộng hơn vào nông nghiệp; phải giải quyết được các vấn đề như: Tăng cường nguồn lực đầu tư từ ngân sách vào nông nghiệp; có cơ chế về đất đai và tích tụ ruộng đất để doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Nông dân là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp nhưng hiện nay nông dân còn chịu nhiều thiệt thòi và chưa được hưởng lợi nhiều hơn trong chuỗi giá trị. Còn theo khuyến nghị của WB, Việt Nam cần đẩy mạnh học tập để xây dựng nền nông nghiệp tri thức; tăng cường hệ thống tổ chức và năng lực quản lý rủi ro an toàn thực phẩm; xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp cạnh tranh... để tái khẳng định vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới.

Nguyễn Mai