Dạy và học tiếng Anh: Nhiều người thi điểm cao nhưng không nói được

Giáo dục - Ngày đăng : 09:33, 18/10/2016

Khảo thí tiếng Anh của Việt Nam lâu nay vẫn đi theo kiểu “câm điếc” chỉ kiểm tra đọc hiểu, ngữ pháp mà chưa chú trọng đến nghe-nói.


Phát biểu tại hội nghị quốc tế về khảo thí ngoại ngữ New Directions 2016 do Hội đồng Anh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Ban quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đồng tổ chức mới đây, TS Vũ Thị Phương Anh, Phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng khảo thí tiếng Anh của Việt Nam lâu nay vẫn theo kiểu “câm điếc”, kiểm tra đánh giá mới chỉ chú trọng vào từ vựng, nặng ngữ pháp, phần đọc hiểu cũng đi vào những chủ đề mang tính tổng quát, ít gắn với thực tế đời sống. Do đó, dù người học thi đạt điểm cao “chót vót” nhưng vẫn không thể sử dụng trong thực tế.

Khảo thí nặng về ngữ pháp, đọc hiểu dẫn đến tình trạng người học ngại nghe, ngại nói tiếng Anh (Ảnh minh họa).


Nói về vấn đề khảo thí tiếng Anh ở Việt Nam hiện nay, TS Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, Giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, khảo thí là hoạt động quan trọng, một khâu thiết yếu trong quá trình dạy và học ngoại ngữ. Nhưng ở Việt Nam, hoạt động này không được quan tâm ngay từ đầu. Vai trò của khảo thí ngoại ngữ chỉ được đặt đúng vị trí từ năm 2007, khi chuẩn bị cho Đề án ngoại ngữ 2020.

Những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã và đang xây dựng nội lực khảo thí, giảm dần sự lệ thuộc vào khảo thí nước ngoài tiến đến xây dựng những công cụ đánh giá năng lực của Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể khảo thí tiếng Anh của Việt Nam vẫn còn thiếu và yếu ở nhiều chỗ.

Hiện tại, ở Việt Nam mới chỉ có 10 cơ sở trực thuộc Bộ GD-ĐT được công nhận khả năng khảo thí ngoại ngữ, đủ khả năng đánh giá, kiểm tra, rà soát và cấp giấy chứng nhận cho người học. Nhưng vẫn chưa có đơn vị nào giám sát bảo đảm chất lượng của 10 cơ sở trên. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, Việt Nam cần có một trung tâm khảo thí cấp quốc gia và có những chính sách phù hợp để bảo đảm chất lượng việc đánh giá năng lực ngoại ngữ.

Thực tế cho thấy, nhiều trường đại học, cao đẳng áp dụng chuẩn đầu ra tiếng Anh cho sinh viên. Tuy nhiên, hiện tượng dù đạt chuẩn mà “nói không thông viết không thạo” vẫn còn.

Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh cho rằng việc khảo thí chưa bám sát với nhu cầu thực tế là một trong những nguyên nhân mấu chốt: “Những gì nhà trường đánh giá chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động. Tức là cái chúng ta đánh giá chưa dựa vào cái cần đánh giá… Bảo đảm cho lao động có thể làm tốt công việc của mình có thể sẽ cần đến một số kỹ năng như: sử dụng ngoại ngữ trong thương lượng, đàm phán… Nhưng khi xây dựng bài kiểm tra lại chưa nhằm vào các kỹ năng cần thiết đó, tạo ra độ vênh giữa cái chúng ta đang đánh giá và nhu cầu thực sự cần đánh giá”.

Nguyên nhân thứ hai, theo TS Quỳnh là chất lượng đánh giá, các công cụ đánh giá hay nói cách khác là các đề thi đánh giá của các đơn vị, cơ sở tiến hành kiểm tra cũng chưa thực sự đủ chất lượng để có thể đánh giá chính xác trình độ của người học dẫn đến đầu ra chưa thực chất.

Còn theo TS Vũ Thị Phương Anh, chừng nào Việt Nam chưa chuyển việc dạy và học tiếng Anh từ áp lực sang động lực thì chất lượng tiếng Anh vẫn khó có thể cải thiện.

Chuẩn tiếng Anh, đừng cào bằng 63 tỉnh thành!

Từng có kinh nghiệm giảng dạy ở nhiều trường, thầy Ngô Xuân Minh, giảng viên khoa Sư phạm tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam đang có những thay đổi nhanh chóng, nhưng lại có sự phát triển không đồng đều. Trong khi học sinh, sinh viên ở những thành phố lớn đang dần tiệm cận với chuẩn quốc tế, thì học sinh ở những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế khó khăn lại cách chuẩn một khoảng khá xa. Để khắc phục tình trạng này, thầy Minh cho rằng không thể đưa ra những giải pháp ngay và đột phá mà nên có sự cải thiện theo lộ trình từng bước, xã hội hóa cả quá trình.

Theo TS Phương Anh muốn cải thiện chất lượng tiếng Anh của người học, không còn cách nào khác ngoài việc thay đổi hoạt động khảo thí. Tuy nhiên, nên xem xét đến tính vùng miền, địa phương khi đưa ra các mức chuẩn trong kiểm tra đánh giá. “Điều kiện kinh tế xã hội và mục tiêu phát triển của các vùng miền là khác nhau. Do vậy muốn thay đổi khảo thí để nâng cao chất lượng tiếng Anh cũng không nên cào bằng, thực hiện ồ ạt cho đồng loạt cả 63 tỉnh thành mà nên bắt đầu ở những thành phố lớn khi trình độ của người học đã đạt đến một mức nhất định”, TS Phương Anh khuyến nghị. Ngoài ra bà Phương Anh cũng cho rằng, Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa quá trình hợp tác với các cơ sở khảo thí nước ngoài trên tinh thần đôi bên cùng có lợi.

Khảo thí tiếng Anh còn nhiều bài toán cần giải

Nhìn nhận về thực tế khảo thí tiếng Anh ở Việt Nam, TS Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh nhận thấy ngành khảo thí tiếng Anh hiện nay đang gặp một số khó khăn như đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vưc khảo thí vẫn còn thiếu. Thêm vào đó là thách thức trong việc cân bằng giữa tính địa phương hóa và toàn cầu hóa về chuẩn tiếng Anh. Việc áp dụng chuẩn tiếng Anh với các địa phương khác nhau cũng cần có sự điều chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương, song bên cạnh đó cũng cần hướng đến chuẩn chung của toàn thế giới.

Ngoài ra, vấn đề đầu tư tài chính để xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất đồng bộ cũng là một bài toán khó cần xem xét nếu muốn cải thiện chất lượng tiếng Anh của Việt Nam trong tương lai.

TS Quỳnh tỏ ra quan ngại hơn nữa khi chứng chỉ tiếng Anh của Việt Nam cấp vẫn chỉ được lưu hành nội địa, chưa được quốc tế công nhận. Đây là rào cản lớn đối với nhân lực Việt Nam trong quá trình hội nhập mở cửa. Do đó nhiệm vụ cần đặt ra đối với lĩnh vực khảo thí tiếng Anh là nhanh chóng xây dựng khung chương trình khảo thí, đội ngũ nhân lực và khẳng định chất lượng khảo thí Việt Nam với thế giới./.

Theo VOV