Xây dựng chính quyền thân thiện

Đời sống - Ngày đăng : 06:57, 18/10/2016

(HNM) - Từ đầu năm 2016 đến nay đã có nhiều địa phương tổ chức hội nghị đối thoại thủ tục hành chính (TTHC) với người dân, tổ chức, doanh nghiệp (DN).

Hội nghị đối thoại thủ tục hành chính tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân. Ảnh của: (Trang thông tin điện tử phường Hạ Đình).


Cách làm này nhằm cụ thể hóa Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 25-9-2015 của UBND TP Hà Nội về triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10-6-2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách TTHC”, xây dựng chính quyền thân thiện, đồng hành với DN và người dân.

Bà Vũ Thị Luyến, chuyên viên Phòng Kế hoạch, Công ty Tư vấn xây dựng công trình Giao thông 8 thường xuyên phải chứng thực giấy tờ tại bộ phận “một cửa” UBND phường. Tháng 7 năm nay, bà Luyến rất bất ngờ khi nhận được lời mời tham dự hội nghị “Đối thoại TTHC với tổ chức và công dân” do UBND phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) tổ chức lần đầu tiên. Cùng với bà, còn có đại diện của DN khác và 9 công dân. “Lãnh đạo phường hỏi những câu hỏi rất chi tiết như: Cách giải quyết TTHC tại phường đã nhanh hay chưa? Có gặp rắc rối gì không? Cán bộ có hòa nhã không?” - bà Luyến cho biết và khẳng định đã cảm nhận rất rõ được sự chủ động, thân thiện của lãnh đạo chính quyền địa phương. Mọi thắc mắc đều được giải đáp ngay. Người tham dự hội nghị còn được lãnh đạo phường giới thiệu những giải pháp đang và sẽ áp dụng nhằm tạo thuận tiện cho dân.

Không riêng phường Hạ Đình, tất cả các phường của quận Thanh Xuân đã triển khai hội nghị “Đối thoại TTHC với tổ chức và công dân” trong năm nay và bước đầu thu được những tín hiệu tích cực. Tương tự, quận Bắc Từ Liêm tổ chức đối thoại với DN về các TTHC liên quan đến lĩnh vực thuế, thu hút 200 đơn vị tham gia. Lãnh đạo 12/13 phường trên địa bàn quận cũng đối thoại với tổ chức, cá nhân về TTHC với 1.098 lượt người tham gia.

Tại quận Hai Bà Trưng, hội nghị “Đối thoại với DN năm 2016” được tổ chức tháng 8-2016. Dù diễn ra lần đầu tiên, song sự kiện trên đã được quận Hai Bà Trưng chuẩn bị rất chu đáo, bài bản, trên nguyên tắc dân chủ, bình đẳng, tôn trọng ý kiến, nguyện vọng của tổ chức, DN. Quận đã lựa chọn ngẫu nhiên 150 DN (trong 8.300 DN). Để hội nghị đạt chất lượng tốt, trước đó quận tổng hợp các câu hỏi của DN chuyển về các phòng chuyên môn để giải đáp bằng văn bản; đồng thời, tại hội nghị, lãnh đạo quận và đại diện các phòng chuyên môn tiếp tục trao đổi trực tiếp với các DN.

128 ý kiến, tập trung vào các lĩnh vực: Thuế; bảo hiểm xã hội; tài nguyên, môi trường; TTHC về cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; phòng cháy chữa cháy, quản lý đô thị… đã được giải đáp chu đáo. Từ thành công của hội nghị đầu tiên, Trưởng phòng Tư pháp quận Hai Bà Trưng Hoàng Thị Bích Diệp cho biết: “Quận sẽ tổ chức thường xuyên và yêu cầu các phường tổ chức hội nghị đối thoại để đồng hành, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh cũng như tạo được mối liên hệ mật thiết giữa chính quyền với cộng đồng DN. Bên cạnh đó, quận đã lập hòm thư điện tử tiếp nhận các ý kiến, phản ánh của DN qua địa chỉ:
tiepnhanykien_haibatrung@hanoi.gov.vn và đường dây nóng - số điện thoại: 0903406731".

Thống kê từ đầu năm 2016 đến nay, các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn trên toàn TP Hà Nội đã tổ chức được khoảng 100 cuộc đối thoại về TTHC. Với không khí trao đổi thẳng thắn, xây dựng, các cuộc đối thoại đã đem lại hiệu quả thiết thực, trong đó hầu hết câu hỏi đều được giải đáp, hướng dẫn trực tiếp. Để tăng tính hiệu quả của sự tương tác hai chiều, một số đơn vị đã mở rộng nguồn tiếp nhận thông tin như: Sở Y tế cung cấp 3 số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh, giải thích các TTHC tại bộ phận “một cửa”; UBND phường Hạ Đình (Thanh Xuân) ngoài việc mời DN, công dân trên địa bàn phường còn mời cả công dân thuộc địa bàn khác đã thực hiện giao dịch hành chính tại phường cùng tham gia đối thoại...

Hiệu quả của hội nghị đối thoại TTHC đã được khẳng định. Thông qua hoạt động này, lãnh đạo các cơ quan hành chính nắm được chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, qua đó, có thêm cơ sở để đánh giá, khen thưởng hoặc xử lý vi phạm. Đặc biệt, đây chính là kênh thông tin giúp lãnh đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị nắm được những vướng mắc đang đặt ra đối với các TTHC của ngành, đơn vị mình đang thực hiện, từ đó, kịp thời có biện pháp tháo gỡ...

Từ tiện ích như vậy, cần tăng cường tổ chức hội nghị đối thoại với dân và DN, nhất là ở địa bàn có dân số đông, lượng giao dịch lớn. Bên cạnh đó, cần kịp thời ghi nhận, biểu dương, khen thưởng những đơn vị, địa phương tổ chức hội nghị đối thoại sáng tạo, hiệu quả, nhằm khích lệ người đứng đầu phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm, đúng với tinh thần của Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hiền Thu