Không được ”tù mù” với người tiêu dùng!

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:09, 19/10/2016

(HNM) - Mấy ngày nay, thông tin xung quanh việc hàng trăm sản phẩm nước mắm không đạt tiêu chuẩn về chất lượng (có hàm lượng arsen vượt ngưỡng cho phép) đang gây xôn xao dư luận, đến thời điểm này dường như vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.



Và, dù nói gì đi nữa, thì khi một thứ sản phẩm được coi là “quốc hồn, quốc bản” như nước mắm mà bị quả quyết “có vấn đề” về chất lượng thì hẳn không còn là câu chuyện nhỏ nữa, bởi thứ sản phẩm này nó đã như gắn với cả đời sống của dân tộc, mấy chục triệu dân chẳng ngày nào không ăn nước mắm.

Điều mà người tiêu dùng đang băn khoăn nhất quanh vấn đề chất lượng nước mắm chính là những thông tin từ cơ quan quản lý. Song đáng tiếc là ngay đến cả Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) chiều 17-10 dù công bố kết quả kiểm nghiệm mẫu nước mắm lấy trên thị trường, nhưng cũng chẳng đưa ra được kết luận chính thức có thể trấn an được người dân.

Nói câu chuyện trên để thấy vấn đề trách nhiệm của nhà sản xuất, của cơ quan quản lý thực phẩm, cụ thể hơn là nông sản, thủy hải sản đang còn rất nhiều vấn đề chưa ổn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó tư duy “ăn xổi” của người nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh vẫn là lý do chính. Ở lĩnh vực thủy sản, người nuôi trồng phát triển manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, "chạy" theo thị trường, phát triển chăn nuôi bằng mọi cách, sử dụng chất tăng trọng, chất cấm tràn lan...; rồi thương lái, doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận nên cắt giảm tối đa chi phí sản xuất, hạn chế đầu tư khoa công nghệ vào khâu chế biến, bảo quản...

Có thể nói, sự yếu kém trong khâu định hướng, thiếu quy hoạch một cách bài bản trong nuôi trồng thủy sản; những khoảng trống trong kiểm soát chất lượng sản phẩm của các cơ quan quản lý... đang đặt ra nhiều điều đáng suy nghĩ. Thực tế, nhiều năm nay thủy sản của nước ta xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... bị trả về với số lượng lớn do sản phẩm tồn dư chất kháng sinh, kim loại nặng (thủy ngân, cadmium…) vượt mức giới hạn tối đa cho phép đã trở thành chuyện “biết rồi nói mãi”. Ngay như tại thị trường Hà Nội, chất lượng sản phẩm thủy sản cũng bị thả nổi, bởi phần lớn tiểu thương kinh doanh tự do nên không có giấy kiểm dịch, không kiểm soát được nguồn gốc xuất xứ; quy trình chế biến, bảo quản thủy sản tươi sống không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm...

Trở lại với câu chuyện nước mắm nhiễm arsen. Vấn đề người tiêu dùng quan tâm nhất hiện nay vẫn là minh bạch thông tin. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao không công khai doanh nghiệp có mẫu nước mắm không đạt chuẩn? Tại sao không khẳng định arsen vô cơ hay hữu cơ, cái nào độc hại? Trong khi nhiều người có cảm giác, thay vì minh bạch hóa thị trường, chỉ dẫn cho người tiêu dùng, thì các cơ quan chức năng lại tung ra những thông tin mập mờ, gây hoang mang dư luận, tiếp tay cho các doanh nghiệp "đấu" nhau. Tất nhiên, chịu thiệt vẫn là người tiêu dùng.

Hiện nay, Ngành Thủy sản đang hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Nhưng sự thật là nếu như chúng ta cứ tư duy theo một lối mòn cũ rích, sản phẩm sản xuất thế nào, công bố chất lượng ra sao đều là “quyền” của nhà sản xuất, mà quên đi quyền lợi của người tiêu dùng, thì mục tiêu kia xem ra sẽ chẳng bao giờ đạt được.

Trong một thế giới mở như hiện nay, phải khẳng định chính sự minh bạch thông tin với người tiêu dùng, hay nói cách khác là chỉ khi người sản xuất, kinh doanh biết tôn trọng, không “tù mù”, lập lờ “đánh lận con đen” trên chính sản phẩm của mình thì mới có thể giữ được lòng tin, có chỗ đứng với người tiêu dùng.

Hoàng Văn