Khẩn trương chuẩn bị “đón” bão số 7
Đời sống - Ngày đăng : 06:19, 19/10/2016
Nhiều tàu, thuyền của tỉnh Quảng Ninh đã về nơi tránh trú, neo đậu an toàn. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Trước diễn biến của cơn bão số 7, chiều 18-10, Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và việc neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão tại bến cảng trên địa bàn TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là cơn bão di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp nên các địa phương ven biển không thể chủ quan trước tình hình mưa bão. Chính quyền các địa phương chủ động phòng chống bão với phương châm "4 tại chỗ", cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, sẵn sàng triển khai phương án bảo đảm an toàn đê, hồ đập; tăng cường tổ chức tuần tra, canh gác bảo vệ đê theo quy định, chủ động việc tiêu thoát nước đệm bảo đảm an toàn cho diện tích lúa và hoa màu mới gieo trồng; triển khai phương án tiêu thoát nước đô thị để chủ động ứng phó với tình trạng ngập lụt có thể xảy ra.
Trong khi đó, tại các tỉnh thuộc khu vực phía Đông Bắc Bộ công tác ứng phó với bão số 7 diễn ra khẩn trương. Các lực lượng của địa phương hỗ trợ nhân dân thu hoạch lúa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nhằm giảm thiểu thiệt hại. Được dự báo là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 7, tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống bão, chủ động các phương án nhằm giảm thiểu thiệt hại khi bão đổ bộ vào đất liền. Tỉnh Quảng Ninh đã thành lập 6 đoàn công tác kiểm tra, giám sát phòng chống bão tại một số địa phương trọng yếu. Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh đã kêu gọi hơn 8.000 tàu, thuyền về nơi trú tránh an toàn. Người dân Quảng Ninh tranh thủ thu hoạch lúa vào buổi tối để hạn chế thiệt hại... Còn theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hải Phòng, đến 17h ngày 18-10, Hải Phòng đã cơ bản đưa toàn bộ tàu thuyền, phương tiện, lồng bè và người lao động về nơi an toàn; cấm biển, dừng mọi hoạt động đường thủy, phà biển, vui chơi ven biển; kiểm tra, bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, khơi thông dòng chảy, hạ mực nước đệm trong hệ thống thủy lợi, thoát nước đô thị; di dân ra khỏi vùng nguy hiểm. TP Hải Phòng cho học sinh nghỉ học vào ngày 19-10.
Tại Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, ngày 18-10, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã cùng nhiều sở, ngành đã kiểm tra, rà soát hệ thống tiêu thoát nước, công trình đô thị. Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã chuẩn bị 20.000 bao tải cát, 10.000m2 bạt chắn sóng, 200 đầu xe máy, thiết bị... Đồng thời huy động khoảng 2.300 cán bộ, công nhân ứng trực, sẵn sàng giải quyết thoát nước khu vực trọng điểm ngập. Các xí nghiệp thoát nước trực thuộc cũng triển khai thanh thải dòng chảy, tháo dỡ các đập quây thi công tại công trình cống hóa mương Thụy Khuê, Ngọc Hà, Tây Sơn, Vĩnh Tuy, Y Khoa...
Sở Công Thương Hà Nội đề nghị UBND các cấp phối hợp với công ty điện lực địa phương, các tổ chức kinh doanh điện rà soát, ngăn chặn và xử lý ngay các yếu tố có khả năng gây mất an toàn lưới điện, các điểm vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, chặt tỉa cây có nguy cơ gây sự cố lưới điện. Kiểm tra các hộ kinh doanh bảo đảm ổn định giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng tăng giá, găm hàng lợi dụng mưa, bão để nâng giá trục lợi.
Di chuyển 5 cây cổ thụ trên phố Kim Mã trước bão Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Trần Nam Mừng, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Beepro, đơn vị thực hiện việc di dời cây xanh trên phố Kim Mã cho biết, trong đêm 18-10, đơn vị di chuyển 4 cây xà cừ và 1 cây phượng về vườn ươm tại Văn Giang (Hưng Yên). Đây là những cây cổ thụ đã hoàn thành việc đào gốc và cắt rễ, trước thông tin cơn bão số 7 có khả năng gây mưa to, có thể ảnh hưởng tới "sức khỏe" của cây. Cũng theo ông Trần Nam Mừng, việc hạ tán số cây xanh trên phố Kim Mã được tiến hành song song với việc di chuyển cây, bảo đảm đúng kế hoạch đặt ra. Hương Ly Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, tính đến chiều 18-10, mưa lũ tại miền Trung đã làm 29 người chết và 1 người mất tích, 18 người bị thương. Do ảnh hưởng của mưa lũ, hiện còn hơn 1.700 ngôi nhà của nhân dân bị ngập (chủ yếu thuộc tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh); khoảng 4.700ha lúa, hoa màu cũng bị ngập, suy giảm năng suất. Trong ngày 18-10, quốc lộ 15, địa phận tỉnh Quảng Bình chưa thông tuyến do bị sạt lở. Việc đi lại qua 5 điểm trên các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ thuộc tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh vẫn rất khó khăn do ngập úng... |