Phải kiên quyết, kiên trì!

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:45, 20/10/2016

(HNM) - 1. Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, vừa kết thúc đã bàn một trong những nội dung rất quan trọng đối với vận mệnh của dân tộc. Đó là cần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. “Giải pháp của giải pháp” trong vấn đề này là câu chuyện làm sao thực thi cho tốt công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN).


Trong các buổi tiếp xúc cử tri TP Hà Nội của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào hai ngày 17, 18-10 vừa qua, vấn đề được nhiều cử tri đặc biệt quan tâm cũng là câu chuyện PCTN. Bởi tham nhũng đã trở thành “quốc nạn”, “giặc nội xâm” đang từng ngày, từng giờ bào mòn lòng tin của dân với Đảng. Muốn chống tham nhũng thì vấn đề quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân của "căn bệnh" này.

Không phải đến Hội nghị Trung ương lần thứ tư vừa qua, mà trước đó Đảng ta đã nhiều lần chỉ rõ, sở dĩ công tác PCTN chưa đạt kết quả như mong muốn là do người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý tham nhũng; chưa ý thức đầy đủ hậu quả của tham nhũng ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, sự tồn vong của chế độ; chưa thật sự coi chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Đặc biệt, khâu phát hiện tham nhũng vẫn là yếu nhất, chưa kể tới việc pháp luật liên quan đến PCTN còn nhiều kẽ hở…

2. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng gọi nạn tham ô, lãng phí, quan liêu là kẻ thù của nhân dân. Vì tham nhũng gây nên những hậu quả khôn lường cả về mặt kinh tế, chính trị và xã hội.

Năm 1945, ngay khi giành được chính quyền, đất nước còn nhiều gian khó, phải đối mặt với thù trong - giặc ngoài, Người đã cảnh báo nguy cơ tham nhũng và thoái hóa. Ngay thời điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ đến thành lập tòa án chống tham nhũng. Tòa án có thể bắt bất cứ ai trong Chính phủ có tham nhũng.

Từ chủ trương chống tham nhũng, lãng phí mà ngay trong phiên họp Quốc hội đầu tiên, Chính phủ phải ra điều trần trước Quốc hội. Trong buổi tối 31-10-1946, có 88 câu hỏi của đại biểu Quốc hội chất vấn Chính phủ về chống hối lộ, biển thủ của công. Thay mặt Chính phủ, Người tuyên bố: ''Chính phủ hiện thời đang cố gắng liêm khiết lắm. Nhưng trong Chính phủ, từ Hồ Chí Minh đến những người làm việc ở ủy ban là đông lắm. Dù sao Chính phủ đã hết sức làm"... Như vậy, ngay từ buổi đầu lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã khẳng định rõ quyết tâm và phương pháp PCTN trong bộ máy công quyền. Đó là: “Nếu làm gương không xong sẽ dùng pháp luật trừng trị”!

Hội nghị Trung ương lần thứ tư vừa qua có đưa ra bốn biện pháp. Thứ nhất là kiểm soát quyền lực và thực tế Đảng đã có cơ chế dân chủ chính là kiểm soát quyền lực, không để quyền lực tập trung tuyệt đối trong tay một cá nhân nào đó, dễ dẫn đến sự tự tung, tự tác. Thứ hai là công tác cán bộ không có sự đề bạt suốt đời, tư duy nhiệm kỳ, mà hướng đến thực hiện chủ trương “có lên, có xuống, có vào, có ra” để thanh lọc đội ngũ cán bộ. Thứ ba là phê bình và tự phê bình phải tiếp tục làm. Biện pháp thứ tư, biện pháp đặc biệt là nhấn mạnh vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, của nhân dân trong PCTN, tạo cơ chế, điều kiện cho nhân dân, Mặt trận Tổ quốc trong giám sát tham nhũng. Phải chú ý kiểm soát thu hồi tài sản, kê khai tài sản, phải quyết tâm rất cao nỗ lực rất lớn thì dân mới tin.

Nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV: Chống tham nhũng không phải làm một lần là xong, mà phải kiên quyết, kiên trì làm đi, làm lại như “đánh răng, rửa mặt hằng ngày”. Mặt khác, cần phải nhốt quyền lực vào "cái lồng" quy chế lập pháp để kiểm soát quyền lực và PCTN, gắn trách nhiệm PCTN vào trách nhiệm của người đứng đầu… Tổng Bí thư cũng yêu cầu các thành viên Ban Chấp hành Trung ương phải là người đi đầu, là tấm gương PCTN, để người dân soi chiếu vào đó thấy được quyết tâm của Đảng trong vấn đề này…

Vậy thì, để dẹp tham nhũng, suy thoái, để đáp ứng mong mỏi của nhân dân, không có cách nào khác, hãy làm theo “kim chỉ nam” Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập cách đây hơn 70 năm. Hơn lúc nào hết, nhân dân đang đặt niềm tin vào Đảng, đồng thời cũng là trọng trách, sứ mệnh của Đảng với vai trò là Đảng cầm quyền duy nhất, tạo nên những thắng lợi vẻ vang cho dân tộc Việt Nam. 

Đỗ Quỳnh Chi