Chuyện của "Nữ hoàng kiếm chém”
Thể thao - Ngày đăng : 07:14, 20/10/2016
Mong cơn đau theo nắng tan đi…
“Bây giờ mình đang gồng mình chống chọi với cơn đau. Mới chớm lạnh thôi mà, sao cơn đau lại nhức nhối thế. Mong sao trước mùa đông mình không còn phải ôm trong mình những cơn đau này nữa... Ước mong rằng ngày mai trời nắng ấm, để cơn đau theo nắng tan đi”. Đó là tâm sự của Lệ Dung khi cơn đau gối đến lúc trời chớm lạnh.
VĐV Nguyễn Thị Lệ Dung (trái) trong trận đấu tại tứ kết SEA Games 28. Ảnh: Nam Khánh |
31 tuổi, 15 năm theo nghiệp thể thao, cô gái đất Sóc Sơn (Hà Nội) đã từng trải qua không ít chấn thương, trong đó, chấn thương gối là vấn đề thường trực. Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới cô cho biết: “Muốn điều trị dứt điểm thì phải phẫu thuật, nhưng các bác sĩ đã hội chẩn trường hợp của em và cho rằng nếu tiến hành trong nước tỷ lệ thành công chỉ là 50/50. Phẫu thuật ở các trung tâm chuyên về chấn thương thể thao tại nước ngoài mới có hy vọng và em đang chờ các cấp lãnh đạo Ngành Thể thao, Bệnh viện Thể thao hoàn thành thủ tục cho đi mổ gối”.
Nói về chấn thương của Lệ Dung, HLV trưởng đội tuyển đấu kiếm quốc gia Nguyễn Lê Bá Quang chia sẻ: “Tôi vốn là đồng đội cùng lứa với Lệ Dung, cũng bị chấn thương gối rất đau đớn, đến năm 2009 là tôi buộc phải nghỉ thi đấu, chuyển dần sang công tác huấn luyện. Lệ Dung “trụ” được đến tận giờ, thực sự quá bền bỉ”!
Khởi nghiệp HLV: Muộn nhưng cần thiết!
Sinh ngày 9-9-1985, ở tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội trong một gia đình có 3 anh chị em, trong đó chị gái song sinh Hoài Thu cũng là một kiếm thủ nổi tiếng ở nội dung kiếm liễu, bảng vàng thành tích của “Nữ hoàng kiếm chém” Lệ Dung thực sự đáng nể với 9 HCV, 1 HCB SEA Games; 1 HCĐ đồng đội Châu Á; 1 HCĐ đồng đội trẻ Châu Á; 9 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ Giải vô địch Đông Nam Á.
Hiện tại, vượt qua những cơn đau, Lệ Dung vừa dưỡng thương, vừa lo hỗ trợ công tác huấn luyện cho các VĐV trẻ và cố gắng hoàn thành khóa học tại chức Đại học TDTT. Thi đấu liên miên nên dễ hiểu cô phải “nợ” rất nhiều môn, “trả" mãi chưa xong. Dung đang nuôi hy vọng sang năm có thể tốt nghiệp, có được tấm bằng đại học vào lúc giã từ hoàn toàn nghiệp VĐV ở tuổi 32. Cũng vì mải mê thi đấu và cống hiến, kiếm thủ xinh đẹp vẫn chưa lập gia đình, thậm chí chưa có bạn trai. Cô cười giòn khi được hỏi về tiêu chuẩn bạn trai của mình, chỉ trả lời giản dị: “Ôi, em chưa bao giờ đặt mục tiêu gì, chỉ mong có được một người bạn đời tốt, một bạn trai tốt”!
Cống hiến thi đấu, lập nhiều thành tích đồng nghĩa với sự thiệt thòi, muộn màng trong việc có được một công việc ổn định, một gia đình yên ấm, chưa kể đãi ngộ dành cho VĐV ở Hà Nội vốn thua thiệt nhiều so với các địa phương khác. Bản thân Lệ Dung theo nghiệp bao năm và khi đã dồn sức cho chuyên môn thì không thể làm thêm, với mức thu nhập hiện tại tự lo cho bản thân đã khó, huống chi lo cho gia đình.
HLV Nguyễn Lê Bá Quang không nói nhiều về “cô em gái nhỏ” của đội tuyển đấu kiếm quốc gia, chỉ bày tỏ mong muốn giản dị: “Lệ Dung đã cống hiến cho đấu kiếm Việt Nam đủ rồi. Đã đến lúc Dung chuyển hướng sang công tác huấn luyện. Sự bền bỉ, kinh nghiệm, niềm đam mê và ý chí không đầu hàng trước khó khăn của em ấy chắc chắn sẽ truyền lửa cho các kiếm thủ trẻ, tiếp nối em ấy làm nên những thành tích bất ngờ”.