Hiệu quả từ xã hội hóa

Đời sống - Ngày đăng : 07:21, 21/10/2016

(HNM) - Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội về

Lấy người dân làm trung tâm

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương, phong trào xây dựng NTM trên địa bàn thành phố thực sự trở thành phong trào thi đua sôi nổi, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần đẩy nhanh hoàn thành tiêu chí NTM. 5 năm qua, toàn thành phố đã huy động 34.465 tỷ đồng đầu tư cho chương trình xây dựng NTM, ưu tiên nguồn lực cho hệ thống hạ tầng thiết yếu như: Điện, đường, trường, trạm... Trong đó, ngân sách nhà nước đầu tư hơn 23.000 tỷ đồng; vốn huy động ngoài ngân sách (doanh nghiệp, nhân dân đóng góp…) là 10.892 tỷ đồng.

Tại huyện Thạch Thất, phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM đã thu được hơn 1.000 tỷ đồng vốn xã hội hóa/3.900 tỷ đồng sau khi phát động. Hàng trăm hộ dân đã hiến đất làm đường giao thông, nhà văn hóa, trường học và công trình phúc lợi công cộng. Còn xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa), bắt tay vào xây dựng NTM với nhiều tiêu chí khởi điểm thấp, đường giao thông nông thôn chủ yếu là đường đất. Ông Đinh Quang San, Bí thư Đảng ủy xã Đông Lỗ, cho biết: Khi có chủ trương của thành phố hỗ trợ nguyên vật liệu làm đường giao thông, xã đã huy động nhân dân đóng góp ngày công cùng với Nhà nước để xây dựng ngõ, xóm. Ngoài ra, các thôn vận động nhân dân địa phương xa quê hương, thành đạt đóng góp thêm kinh phí xây dựng NTM. Nhờ phát huy tốt cơ chế dân chủ, công khai, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm nên các tuyến đường giao thông của xã Đông Lỗ đã được cứng hóa khang trang sạch đẹp.

Dân vận khéo và gương mẫu

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn An Vọng, xã Hoàng Diệu (Chương Mỹ) Trần Quang Huy cho rằng: Trong triển khai xây dựng NTM, việc huy động người dân tự nguyện đóng góp công sức có vai trò quan trọng. “Để dân được bàn, quyết định mọi việc trước khi triển khai. Một khi người dân đồng thuận thì việc tham gia đóng góp sẽ thuận lợi. Cán bộ thôn hằng ngày tiếp xúc trực tiếp với dân, muốn tuyên truyền để dân nghe, vận động để dân hưởng ứng thì phải gương mẫu, vì lợi ích chung” - ông Trần Quang Huy chia sẻ.

Dù vậy, không phải địa phương nào cũng đạt kết quả xã hội hóa xây dựng NTM như mong đợi. Tại thôn Việt Long, xã Tản Lĩnh (Ba Vì), đầu tháng 9 vừa qua, công trình nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn được xây dựng với sự hỗ trợ kinh phí của doanh nghiệp và sự đóng góp của người dân đang triển khai buộc phải dừng lại vì những khúc mắc không đáng có. Ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh cho biết, nguyên nhân do những mâu thuẫn trong nội bộ cán bộ thôn... Những khúc mắc sau đó đã được huyện Ba Vì, xã Tản Lĩnh tháo gỡ song câu chuyện đã để lại những suy ngẫm và bài học đáng nói.

Nhiều năm gắn bó với phong trào xây dựng NTM, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương cho rằng: Muốn xã hội hóa tốt, vai trò quan trọng nhất phụ thuộc vào cấp ủy, chính quyền cơ sở. Nếu cán bộ làm dân vận khéo thì sẽ “kéo” được tiền người dân đóng góp công, của để xây dựng NTM. Điều đó đòi hỏi việc kêu gọi phải sát với thực tế, công trình, dự án xã hội hóa phải thực sự mang lại lợi ích cho người dân. Đơn cử như việc vận động nhân dân trồng cây xanh, tặng ghế đá đặt tại những tuyến đường để phục vụ chính đời sống bà con, tất sẽ được hưởng ứng. Nếu huy động xã hội hóa ở xóm này mà đi làm cho xóm khác thì chắc rằng sẽ không hộ dân nào muốn. Do vậy, sự kêu gọi phải đúng và loại trừ được lợi ích “cá nhân” của một số cán bộ cơ sở. Cán bộ thôn, xã không khéo và không đặt lợi ích chung của người dân lên trên sẽ tạo lực cản vô hình rất lớn trong huy động vốn xã hội hóa. “Xây dựng NTM xã hội hóa từ điều nhỏ nhất: Mỗi một gia đình sạch đẹp thì cả ngõ sẽ đẹp, nhiều ngõ cùng đẹp thì cả làng cùng đẹp và các làng cùng sạch đẹp thì cả xã cùng đẹp” - ông Lê Thiết Cương bày tỏ.

Nguyễn Mai