Sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự 2015: Tránh tình trạng sau khi thi hành lại phát hiện sai sót

Đời sống - Ngày đăng : 09:21, 21/10/2016

(HNMO)- Sáng 21/10, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long


Bộ luật Hình sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi hành Bộ luật và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành BLHS năm 2015 đã phát hiện một số sai sót, vì vậy, ngày 29/6/2016, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực thi hành của BLHS năm 2015, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam; đồng thời bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 để trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ hai.

Sửa đổi, bổ sung liên quan đến 141 điều của Bộ luật 

"Những sai sót của BLHS năm 2015 được phát hiện trong thời gian vừa qua khi Bộ luật chưa có hiệu lực thi hành chủ yếu là sai sót về kỹ thuật. Tổ công tác liên ngành do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì cùng các bộ, ngành hữu quan đã tiến hành rà soát và về cơ bản đã thống nhất được về số lượng cũng như cách thức xử lý các sai sót này.

Do vậy, để phù hợp với dung lượng thông thường của một đạo luật sửa đổi, bổ sung trong bối cảnh cùng với BLHS năm 2015 còn có 03 đạo luật khác đang được lùi hiệu lực thi hành (Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam); đồng thời để bảo đảm tiến độ trình Quốc hội dự án Luật tại Kỳ họp thứ hai (10/2016) thì phạm vi sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015 lần này chỉ nên dừng lại ở những điều khoản cần thiết nhất.

Cụ thể là cần khắc phục những sai sót rõ ràng về kỹ thuật, kết hợp xử lý những quy định chưa hợp lý hoặc có khả năng khó áp dụng trên thực tế nhằm có cách hiểu thống nhất BLHS năm 2015, tiếp tục góp phần đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; đồng thời, bảo đảm ổn định nhiều quy định mang tính nhân đạo, hướng thiện của BLHS năm 2015 hiện vẫn đang có hiệu lực thi hành theo tinh thần Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/06/2016 của Quốc hội khóa XIII. Yêu cầu đặt ra là việc sửa đổi, bổ sung không làm ảnh hưởng đến những chính sách lớn về pháp luật hình sự đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và không dẫn đến phải sửa các đạo luật có liên quan hiện đang lùi hiệu lực thi hành.

Đối với những nội dung lớn khác của Bộ luật, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chính sách mới, đến lý luận phức tạp chưa có thực tiễn kiểm nghiệm, thậm chí cả những quy định và cách tiếp cận chưa đạt được sự đồng thuận cao trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý, xem xét thông qua Bộ luật thì chưa nên sửa đổi, bổ sung lần này mà cần được tiếp tục nghiên cứu đầy đủ, toàn diện và thấu đáo hơn để có phương án sửa đổi phù hợp trong thời gian tới" - Bộ trưởng Lê Thành Long nêu loại ý kiến thứ nhất về phạm vi sửa đổi, bổ sung  mà dự thảo Luật được thể hiện theo.

Cụ thể,  phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2015  liên quan đến 141 điều của Bộ luật, gồm 18 điều thuộc Phần Những quy định chung và 123 điều thuộc Phần Các tội phạm, trong đó có 38 điều sửa đổi về kỹ thuật, 102 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và bãi bỏ 01 điều.

Một số vấn đề tiếp tục xin ý kiến của Quốc hội bao gồm: phạm vi sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 2015; việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015 liên quan đến phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; bổ sung chất ma túy, cây có chứa chất ma túy mới xuất hiện vào BLHS năm 2015; bổ sung quy định liên quan đến vấn đề xác định hàm lượng để quy ra khối lượng hoặc thể tích chất ma túy làm cơ sở cho việc xử lý hình sự (các Điều 248, 249, 250, 251 và 252 của BLHS năm 2015).

Sửa đổi phải phát hiện đầy đủ các sai sót

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga


Trong Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu: "Uỷ ban Tư pháp cơ bản tán thành với các quan điểm sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật của Chính phủ là sửa đổi, bổ sung tối đa các sai sót đã được phát hiện; không làm thay đổi các chính sách lớn của BLHS đã được Quốc hội thông qua; bảo đảm góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đồng thời, trong một chừng mực nhất định, một số quy định của BLHS chưa thể cụ thể hóa ngay được thì vẫn phải có văn bản quy định chi tiết của Chính phủ hoặc nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và án lệ do Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành. Tuy nhiên, Uỷ ban Tư pháp nhấn mạnh việc sửa đổi phải trên cơ sở rà soát, phát hiện đầy đủ các sai sót của BLHS năm 2015.

Về thời gian trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật, đa số ý kiến Uỷ ban Tư pháp và ý kiến của Cơ quan tham gia thẩm tra đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội cho phép thông qua dự án Luật tại 02 kỳ họp (tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội thảo luận cho ý kiến và tại Kỳ họp thứ 3 thông qua). Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cho đến nay các lỗi kỹ thuật đã cơ bản được rà soát, để bảo đảm khẩn trương tổ chức thi hành BLHS năm 2015 và các đạo luật khác đang phải lùi hiệu lực thì cần thiết phải trình Quốc hội khoá XIV cho ý kiến và thông qua dự án Luật ngay tại Kỳ họp này.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đa số ý kiến Uỷ ban cơ bản tán thành với loại ý kiến thứ nhất của Chính phủ là khắc phục những sai sót rõ ràng về mặt kỹ thuật, kết hợp xử lý những quy định chưa hợp lý hoặc có khả năng khó áp dụng trên thực tế nhằm nhận thức thống nhất BLHS năm 2015. Việc sửa đổi không làm ảnh hưởng đến những chính sách hình sự lớn đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và không dẫn đến phải sửa đổi các đạo luật đang được lùi hiệu lực thi hành cùng với BLHS năm 2015.

Tuy nhiên, Uỷ ban Tư pháp nhấn mạnh, việc sửa đổi lần này phải bảo đảm đã rà soát hết các sai sót, tránh tình trạng sau khi thi hành lại phát hiện sai sót. Đồng thời, đối với những quy định có thể dẫn đến tùy tiện trong áp dụng hoặc thiếu nhất quán về chính sách hình sự hoặc chưa phân hóa tội phạm, nội dung thiếu rõ ràng mâu thuẫn với luật chuyên ngành… thì cũng cần nghiên cứu để sửa đổi nhằm bảo đảm tính thống nhất của cả Bộ luật cũng như với các đạo luật khác.

Một số ý kiến cho rằng, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm thì cần thiết phải rà soát kỹ lưỡng tổng thể Bộ luật, bất kỳ quy định nào chưa phù hợp, khó áp dụng đều phải tiến hành sửa đổi mà không giới hạn ở phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Về lấy lại dấu hiệu “bỏ trốn” vào tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 BLHS năm 2015 - điểm b khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật), đa số ý kiến UBTP tán thành với việc lấy lại dấu hiệu “bỏ trốn” quy định tại Điều 140 của BLHS năm 1999 vào cấu thành cơ bản của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và cho rằng, do BLHS năm 2015 bỏ dấu hiệu “bỏ trốn” trong cấu thành tội phạm dẫn đến rất khó khăn trong công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với loại tội phạm này, không đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Uỷ ban Tư pháp cũng tán thành với việc bỏ tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 292 BLHS năm 2015 - khoản 72 Điều 1 của dự thảo Luật). Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc đưa vào các chương tương ứng về việc xử lý hình sự đối với hành vi kinh doanh vàng trên tài khoản, kinh doanh đa cấp bất chính... trên mạng máy tính, mạng viễn thông vì phạm vi ảnh hưởng, tính chất và mức độ nguy hiểm cao cho xã hội, hậu quả lớn, rất khó khắc phục, cần phải có quy định để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Cuối buổi sáng nay và trong chiều cùng ngày, các đại biểu sẽ thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.

Bảo Hân