Doanh nghiệp nội “ngậm bồ hòn” chịu chiết khấu cao
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 14:18, 21/10/2016
“Không thấy doanh nghiệp có ý kiến”
Trao đổi với phóng viên Tin Tức, bà Trần Phương Lan, Trưởng ban Giám sát và Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, sau làn sóng mua bán - sáp nhập (M&A) trên thị trường bán lẻ, cấu trúc thị trường có sự thay đổi. Một số DN ngoại vượt lên trên các DN trong nước, thống lĩnh thị trường, từ đó có thể gây sức ép cho DN nội bằng cách đưa ra mức chiết khấu cao.
Hàng Việt gặp khó khi vào siêu thị ngoại. |
Tuy nhiên, “Để có thể xem xét dưới góc độ pháp luật cạnh tranh thì chúng tôi cần những thông tin đầy đủ, chính xác về việc áp đặt chiết khấu cụ thể, thời gian nào, bao nhiêu, tăng như thế nào... Từ đó, chúng tôi mới có thể có những biện pháp để giúp đỡ, bảo vệ DN nội trong bối cảnh cạnh tranh với DN ngoại”, bà Lan nói.
Cũng theo bà Lan, các DN cung ứng hàng hóa trong nước hoàn toàn có thể kiện DN ngoại chèn ép, gây khó cho mình để Cục Quản lý cạnh tranh vào cuộc. Nhưng đến nay, chỉ thấy các DN phàn nàn, kêu ca với báo chí mà không thấy họ tập hợp thông tin chuyển lên cơ quan chức năng.
Một động thái mới đây trên thị trường bán lẻ là việc 22 cửa hàng của Thế giới di động phải dời khỏi hệ thống siêu thị Big C. Từ khi siêu thị Big C rơi vào tay người Thái, rất nhiều DN trong nước kêu khó đưa hàng hóa vào siêu thị này. Trong khi đó, hàng Thái Lan xuất hiện ngày càng nhiều trong hệ thống.
Đại diện một hợp tác xã sản xuất nhãn lồng ở Hưng Yên cho biết: Tỷ lệ chiết khấu để đưa hàng vào Big C rất cao. Cùng với các yêu cầu về chi phí quảng cáo, quầy kệ, yêu cầu về nhãn mác bao bì, đơn vị này đành “bó tay” và chuyển hướng sang các siêu thị khác như Fivimart.
Về vấn đề này, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, các nhà bán lẻ luôn khẳng định ưu tiên nhà sản xuất Việt nhưng hàng Việt phải đảm bảo chất lượng.
“Ngay khi Central Group mua lại Big C, tôi đã điện thoại với bên Central và hỏi rằng: Liệu hàng Thái có chiếm tỷ trọng lớn hay không? Trả lời câu hỏi này, bên Central cho biết, vẫn giữ tỷ trọng hàng Việt lớn trong các gian hàng và đã có cam kết với Bộ Công Thương”, bà Loan kể lại. Do đó, bà Loan đề nghị, nếu các nhà cung ứng nhận thấy có sự không công bằng, cần ý kiến đến Hiệp hội.
“Nếu các nhà cung ứng là thành viên của Hiệp hội, chúng tôi đảm bảo có sự tham gia, tác động mạnh mẽ. Còn nếu không là thành viên, chúng tôi cũng vẫn sẽ có tác động với bên siêu thị ngoại”, bà Loan cho hay.
Doanh nghiệp cần chủ động
Theo ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc maketing Hệ thống siêu thị Co.op Mart, mức chiết khấu của một số siêu thị ngoại cao gấp đôi so với Co.op Mart. Để có thể cạnh tranh, các DN cần mạnh dạn lên tiếng về sự bất hợp lý, nhất là về chính sách chiết khấu bởi tâm lý hiện nay, các DN... ngại nói.
Hiệp hội Các nhà bán lẻ cũng cho rằng, trước hết DN cần tìm chỗ đứng cho mình, xác định mình là ai. Thị trường bán lẻ đã không còn giống như trước đây, các nhà bán lẻ trên thế giới đang thay đổi một cách chóng mặt. Điều này dẫn đến yêu cầu DN trong nước phải tìm hướng đi cho mình.
Bên cạnh đó, DN cũng không thể đơn độc mà chiến thắng được. Họ cần liên kết thông minh và cụ thể. Liên kết không chỉ với DN trong nước mà còn phải nhìn ra ngoài, nâng cao hợp tác quốc tế.
Về phía Nhà nước cũng cần có biện pháp để bảo vệ DN nội. Dưới góc độ pháp luật cạnh tranh, bà Trần Phương Lan cho biết: Trước xu hướng M&A trên thị trường bán lẻ, Cục sẽ tăng cường giám sát các DN sau khi M&A. Trong đó, tập trung xem xét các DN có nguy cơ gây ảnh hưởng tới thị trường về môi trường, về cạnh tranh không lành mạnh hay không. Cục cũng sẽ tăng cường giám sát để đảm bảo thực hiện tốt các chính sách có liên quan đến thị trường bán lẻ. Từ đó, sẽ có được những đề xuất để tạo thuận lợi cho các DN Việt Nam trong việc cạnh tranh với DN nước ngoài.