Không lạm dụng tái cơ cấu để cứu DNNN làm ăn thua lỗ

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 21:25, 22/10/2016

Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ kiên quyết thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) để có thêm nguồn lực cho tái cơ cấu nền kinh tế nói chung.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ chiều 22/10. Ảnh: VGP/Thành Chung


Thảo luận tại tổ ngày 22/10 về các nội dung tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, một số ý kiến đại biểu được Báo Điện tử Chính phủ ghi nhận cho rằng nhiệm vụ này trong thời gian qua chưa được các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện.

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt (đoàn TPHCM) đề nghị phải tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo cả chiều sâu kết hợp với chiều rộng. Hiện nay, sự phát triển của nền kinh tế chủ yếu dựa vào con người và nguồn vốn, trong khi năng suất lao động của nước ta thấp, sức cạnh tranh yếu sẽ không mang lại hiệu quả.

Đại biểu này nhận xét quá trình cổ phần hóa DNNN, thoái vốn Nhà nước ra khỏi những ngành mà Nhà nước không cần nắm giữ chưa thật quyết liệt và minh bạch để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo điều kiện thu hút đầu tư xã hội, phát triển hàng ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa vững mạnh, đông đảo.

Đối với các DNNN thua lỗ kéo dài, để mất vốn Nhà nước, lãng phí trong đầu tư dự án thì phải cho phá sản nhưng thực tế hiện nay có những doanh nghiệp, đơn vị “chết” rồi mà vẫn chưa “chôn” được.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Quang Thanh (đoàn Hà Nội) cho rằng Chính phủ đang cân nhắc, đợi thời điểm để cổ phần hóa, bán DNNN có được giá hay không. “Phải mạnh dạn quyết định giá bán và bán xong thì quên đi”, vị đại biểu này nêu quan điểm.

Tại đoàn Hà Tĩnh, khi thảo luận về tái cơ cấu doanh nghiệp mà trọng tâm là DNNN, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu thực trạng giai đoạn vừa qua DNNN cổ phần hóa rất nhiều nhưng tổng lượng vốn cổ phần hóa còn rất ít, không tác động tới việc thay đổi quản trị, điều hành của DNNN.

“Lần này, ngoài việc xác định các lĩnh vực Nhà nước nắm 100% vốn, Chính phủ bỏ loại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm 75% vốn, chỉ để lại các mức nắm giữ 65%, 50%. Còn Nhà nước mà nắm dưới 50% thì có thể thoái hết vốn và DNNN nào đã cổ phần hóa thì dứt khoát phải niêm yết trên sàn chứng khoán, công bố thông tin. Nếu trốn tránh nghĩa vụ này thì sẽ bị công bố cho xã hội biết”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.

Trước đây, nếu DNNN thua lỗ thường hay xin Chính phủ cơ chế “giải cứu” nhưng từ nay, Chính phủ, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện chặt chẽ việc xác định thua lỗ là do nguyên nhân khách quan hay do chủ quan. Nếu thua lỗ do khách quan và Nhà nước thấy vẫn còn có khả năng tái cơ cấu, vực dậy doanh nghiệp được thì mới tập trung tái cơ cấu chứ không lạm dụng từ "tái cơ cấu" để cứu doanh nghiệp thua lỗ, cố ý làm thất thoát vốn nhà nước và không còn khả năng phục hồi như nhà máy thép Thái Nguyên. Dứt khoát xử lý và không cứu các DNNN như thế này, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông Vương Đình Huệ cũng cho biết để bảo đảm cổ phần hóa DNNN hiệu quả, phát huy được các nguồn lực của khối tư nhân, Chính phủ cũng có kế hoạch, giải pháp kiểm soát dòng tiền từ cổ phần hóa DNNN để các hoạt động mua bán, sát nhập, cổ phần hóa thực sự là của các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Vẫn là câu chuyện xử lý những đơn vị hoạt động yếu kém nhưng trong lĩnh vực ngân hàng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết trong thời gian tới, Chính phủ sẽ nghiên cứu các biện pháp để thí điểm phá sản một ngân hàng hoạt động yếu kém trên cơ sở bảo đảm quyền lợi người gửi tiền, an toàn hệ thống và không xảy ra hiệu ứng đổ vỡ dây chuyền trong hệ thống ngân hàng.

Để thực hiện được việc này, Chính phủ có thể sử dụng các nguồn lực Nhà nước mạnh hơn từ công cụ tái cấp vốn, trích lập dự phòng rủi ro hay sử dụng bảo hiểm tiền gửi.

“Bây giờ, Nhà nước bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền từ 50 triệu đồng trở xuống nhưng nếu nhiều hơn khoản đó thì Nhà nước phải lo từ công cụ tái cấp vốn. Phải làm quyết liệt hơn nữa ở cả yếu tố kỹ thuật và nguồn lực”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết: Chính phủ cũng trình Quốc hội ở kỳ họp này các dự án luật hỗ trợ tái cơ cấu và nợ xấu, liên quan tới các vấn đề dân sự, tòa án, Luật Đất đai. 

Theo Chính phủ