Cần sớm cải cách cơ bản chính sách tiền lương hiện nay

Đời sống - Ngày đăng : 22:24, 23/10/2016

(HNMO) - Có người đã ví von chính sách tiền lương cho công, viên chức như chiếc áo cũ vá rồi lại rách, rách rồi lại vá. Chính sách tiền lương luôn là câu chuyện rất khó và đã trải qua nhiều lần cải cách nhưng tiền lương vẫn chưa phản ánh đúng giá trị sức lao động của công, viên chức.

Tiền lương cần đủ để người lao động sống và yên tâm làm việc. (Ảnh minh họa)



Vậy thì hướng “vá” hay cải cách lại lần này sẽ như thế nào, làm sao cho hoàn thiện? Đó là những câu hỏi mà Bộ Nội vụ muốn được làm sáng tỏ qua ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý trong cuộc Hội thảo khoa học “Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương” do Bộ tổ chức.

Chắp vá phá quan hệ tiền lương

Nhiều chuyên gia đánh giá, hiện tiền lương hầu như không có tác động nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương từ ngân sách; chưa gắn được nhiều với cải cách hành chính.

Nhiều năm, Nhà nước đã bố trí hàng chục ngàn tỷ đồng để thực hiện cải cách tiền lương mà chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang hưởng lương vẫn không được nâng cao, thậm chí còn giảm sút; bộ máy vẫn trị trệ, phiền hà, gây lãng phí lớn cho ngân sách. Việc tăng lương kiểu “đồng khởi”, tốt, xấu đều tăng như nhau, đến ngày đến hạn là tăng không tạo động lực” cho người làm việc...

Chính sách tiền lương, chế độ tiền lương đã trải qua 4 cải cách. Qua mỗi lần cải cách, dù chế độ tiền lương được cải thiện, mới lên một chút nhưng hiện tiền lương thực nhận của công, viên chức ngày càng bình quân, chắp vá, phá vỡ quan hệ tiền lương.

Đó là tình trạng thu nhập ngoài tiền lương ngày một tăng cao, phức tạp, đa dạng. Thu nhập từ nhiều hình thức bao cấp trá hình phát triển. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức dù tiền lương thấp nhưng vẫn trở nên giàu có, đây là nghịch lý mà nhiều người thường nói.

Có thể nói, tiền lương công chức hiện nay không phản ánh đúng giá trị sức lao động của họ. Theo đại diện của Vụ Xã hội (Ban Kinh tế T.Ư), mặc dù chưa có cuộc khảo sát, điều tra chính thức về mức sống của cán bộ, công chức, nhưng hầu hết cán bộ, công chức đều có nhà ở kiên cố, có xe máy và rất nhiều người có ô tô riêng.

Dẫn chứng từ kết quả nghiên cứu của đề tài cấp bộ năm 2012 về “Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn” được Hội đồng khoa học Thanh tra Chính phủ nghiệm thu và đánh giá xuất sắc chỉ ra rằng, 79% cán bộ, công chức có thu nhập ngoài lương và các khoản phụ cấp theo lương. “Phần lớn cán bộ, công chức có thu nhập ngoài lương nhưng chưa được kiểm soát. Điều đó cũng đồng nghĩa, với việc một khoản thuế thu nhập cá nhân của cán bộ, công chức bị bỏ sót”, vị đại diện này nhận xét. Và vì thế cần sớm cải cách cơ bản chính sách tiền lương hiện nay.

Cần thay đổi nhận thức về tiền lương

Bàn về vấn đề này, có ý kiến cho rằng cần có bước đi cụ thể quá trình tiền tệ hoá tiền lương, các thu nhập ngoài lương phải được kiểm soát. Nguyên tắc chủ đạo là phải có những bứt phá mới trong việc thiết kế lại hệ thống thang bảng lương đơn giản, phù hợp hơn. Phải tiến hành tổng rà soát, sắp xếp tinh giản tổ chức - biên chế nhà nước, tiến hành quyết liệt việc tách quản lý hành chính Nhà nước với quản lý sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước và sự nghiệp dịch vụ công.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc tăng lương tối thiểu nên dựa vào năng suất công việc ràng buộc lương tối thiểu với hệ thống an sinh nhằm bớt sức ép lên doanh nghiệp và ngân sách Nhà nước.

Còn quan điểm của lãnh đạo Bộ Nội vụ muốn cải cách tiền lương theo một hướng mới, nghĩa là phải thay đổi lại nhận thức về vai trò và bản chất của tiền lương trong điều kiện kinh tế thị trường, gắn với cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ. Tiền lương, tiền công được trả trong sản xuất, kinh doanh thì tăng giảm theo các quy luật của thị trường và có tính cạnh tranh.

Còn tiền lương trả trong nền công vụ thì hoàn toàn khác, nó tương đối ổn định, nhưng mức lương không thể như ở doanh nghiệp được. Tiền lương trả cho công chức là tiền của người dân và doanh nghiệp đóng thuế, công chức phải có bổn phận phục vụ chu đáo. Nhà nước có trách nhiệm xây dựng chế độ tiền lương hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Cải cách tiền lương phải gắn với các yêu cầu, giải pháp và nhiệm vụ của cải cách hành chính, cải cách công vụ. Việc này phải được tiến hành đồng bộ với xác định vị trí việc làm, quản lý chặt chẽ biên chế, tinh giản biên chế, thực hiện công bằng việc tuyển chọn, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức...

Và cuối cùng là làm sao tiền lương của cán bộ, công chức đủ để họ sống và yên tâm làm việc, không phải lo lắng gì đến vấn đề cơm-áo-gạo-tiền nhưng cũng phải đảm bảo được điều kiện phát triển kinh tế của đất nước và khả năng chi trả của ngân sách…

Minh Bắc