Những cuộc thi viết nhiều ý nghĩa

Đời sống - Ngày đăng : 07:23, 24/10/2016

(HNM) - Năm 2016 đánh dấu những đổi mới của Báo Hànộimới trong công tác tuyên truyền và được bạn đọc ghi nhận. Góp phần làm nên sự đổi mới đó không thể không kể đến những cuộc thi viết được triển khai có chất lượng như

"Đặc sản" thêm "vị" mới

"Mỗi ngày một chuyện" có mặt trên Hànộimới từ ngày Báo ra số hằng ngày đầu tiên. Suốt 59 năm qua, đều đặn mỗi ngày, chuyên mục này đã trở thành "đặc sản" của Báo Hànộimới. Những câu chuyện xảy ra trong cuộc sống hằng ngày đã được các tác giả chung bút danh "Người xây dựng", bằng ngòi bút của mình chuyển tới bạn đọc khi là lời khen tế nhị, khi là lời phê dí dỏm, để kịp thời biểu dương những việc làm tuy nhỏ nhưng làm nên nét đẹp của người Thủ đô, đồng thời phê phán những hành vi thiếu chuẩn mực, không phù hợp với truyền thống thanh lịch.

Quang cảnh buổi tọa đàm trực tuyến về thực trạng và giải pháp quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm do Báo Hànộimới phối hợp với Sở Y tế và huyện Thanh Trì tổ chức.



Để mỗi ngày có một bài phản ánh những hành vi, việc làm, sự việc xảy ra thường ngày, thu hút sự quan tâm của người dân và bạn đọc, có ý nghĩa xã hội, đội ngũ phóng viên, cộng tác viên thường xuyên của Báo đã hết sức nỗ lực, tuy nhiên cũng không thể lúc nào cũng bảo đảm yêu cầu khắt khe của Báo. Hơn nữa, với mong muốn những "câu chuyện" trong "Mỗi ngày một chuyện" phong phú hơn về nội dung, đa dạng hơn về phong cách thể hiện, Ban Biên tập Báo đã quyết định tổ chức một cuộc thi viết. Thành công nối tiếp thành công, năm 2016 đã là năm thứ 4 cuộc thi được tổ chức. Ở 3 kỳ thi trước, mỗi năm, có đến gần 500 bài của gần 100 tác giả, là những người viết chuyên và không chuyên nghiệp từ các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước tham gia cuộc thi. Họ là những nhà báo chuyên nghiệp, là quân nhân trong lực lượng vũ trang, là cán bộ chính quyền cơ sở, là những cán bộ hưu trí hay những sinh viên đang ngồi trên giảng đường hoặc vừa tốt nghiệp... với trách nhiệm công dân, yêu mến Hànộimới nói chung, chuyên mục "Mỗi ngày một chuyện" nói riêng đã gửi đến những bài viết phản ánh chân thực, kịp thời và thiết thực với đời sống, sinh hoạt của người dân và công tác quản lý, điều hành của chính quyền, cơ quan chức năng các cấp. Có khá nhiều bài viết hay, phản ánh chân thực, sinh động sự việc, sự kiện diễn ra trong đời sống thường ngày. Có bài có tính chất đấu tranh, phê bình những bất cập trong thi hành công vụ của một số cơ quan chức năng các ngành, các cấp; có bài phê bình những tập tục lạc hậu, những sinh hoạt không phù hợp với thuần phong mỹ tục, những hành vi vi phạm quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trật tự xây dựng; có bài biểu dương hành động, việc làm tốt, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Nhờ đó, "Mỗi ngày một chuyện" có sức thuyết phục và ý nghĩa xã hội cao, góp phần làm đẹp hơn cho cuộc sống.

Nhanh nhạy và hiệu quả

Kịp thời nắm bắt những vấn đề thời sự của đất nước, thành phố để tập trung tuyên truyền và một trong những giải pháp để làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền được Hànộimới triển khai là tổ chức các cuộc tọa đàm, giao lưu trực tuyến và thi viết.

Đầu năm 2016, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP) thực sự trở thành một điểm "nóng" trong dư luận và trên Báo Hànộimới đây cũng được xác định là một nội dung tuyên truyền trọng tâm. Để "bức tranh" ATTP được "vẽ" một cách toàn diện, phản ánh chân thực, kịp thời và thiết thực các vấn đề liên quan đến ATTP, góp phần hạn chế và đẩy lùi tình trạng mất ATTP, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, cùng sự hỗ trợ của Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo Hànộimới đã tổ chức cuộc thi viết "Chung tay vì an toàn thực phẩm" trong 4 tháng, từ tháng 5 đến tháng 9. Gần 100 tác phẩm đã gửi về dự thi, trong đó có nhiều tác phẩm biểu dương các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các hoạt động bảo đảm ATTP; tôn vinh các mô hình, điển hình trong sản xuất, chế biến, lưu thông các sản phẩm nông, lâm, thủy sản… bảo đảm an toàn cho sức khỏe cộng đồng; đồng thời, phê phán các đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định về bảo đảm ATTP… Cuộc thi đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bảo đảm cung cấp đến người tiêu dùng thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn thành phố; nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng về quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong sử dụng thực phẩm; tạo thói quen không tiêu dùng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thói quen sử dụng thực phẩm an toàn... Như đánh giá của lãnh đạo thành phố, của các ngành chức năng và bạn đọc, cuộc thi viết "Chung tay vì an toàn thực phẩm" đã thể hiện sự nhạy cảm của Báo Hànộimới và mang lại hiệu quả xã hội rộng lớn.

Tổ chức các cuộc thi viết đã trở thành một hoạt động thường xuyên của Hànộimới. Thành công của các cuộc thi không chỉ giới hạn trong một cuộc thi viết mà tính lan tỏa, ý nghĩa và hiệu ứng xã hội của nó đã góp phần để Hànộimới ngày càng tăng uy tín trong xã hội và có chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc.

Vũ Vân