Tăng trưởng kinh tế năm 2016: Trông chờ "chặng nước rút"

Kinh tế - Ngày đăng : 07:01, 24/10/2016

(HNM) - Dường như mục tiêu cố gắng đạt mức tăng trưởng tối đa cho cả năm 2016 đang dồn cả vào

Ngành Công nghiệp chế biến - chế tạo có nhiều tín hiệu tích cực. Ảnh: Bá Hoạt


Đến thời điểm hiện tại, tức là chỉ còn khoảng 2 tháng nữa để “cộng sổ” thì hầu hết cơ quan, tổ chức đều xác định GDP cả năm 2016 không thể đạt được mức 6,7% như đưa ra từ đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu do nền kinh tế phải đối diện một số bất lợi, thách thức như bội chi, tỷ lệ thu ngân sách so với dự toán thấp, sự sụt giảm về nhu cầu nhập khẩu ở các thị trường quan trọng bên cạnh những khó khăn trong nước chưa được tháo gỡ triệt để. Xét về lĩnh vực thì GDP tăng thấp là do Ngành Khai khoáng và Nông nghiệp suy giảm rất mạnh so với cùng kỳ các năm trước. Nhưng, tình hình đang “ấm dần lên”. Chính phủ nhận định, mặc dù kết quả tăng trưởng trong hai quý đầu năm thấp, song đã xuất hiện những chuyển biến tích cực, rõ nét trong quý III, khiến mức tăng trưởng GDP đạt 6,4% và là tác nhân thúc đẩy GDP 9 tháng đầu năm tăng lên 5,93% so với cùng kỳ năm ngoái. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc liên tiếp chỉ đạo, đốc thúc hệ thống cơ quan chính quyền đồng loạt vào cuộc, sát cánh cùng doanh nghiệp (DN), tập trung rà soát, bãi bỏ tất cả những tồn tại, hạn chế đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Chính phủ cũng đưa ra những mốc thời gian, giao nhiệm vụ cụ thể tới từng cơ quan, đơn vị quản lý cũng như các tập đoàn, tổng công ty để tăng tốc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, hiệu quả kinh doanh nhằm vực dậy hoạt động kinh tế một cách hiệu quả hơn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế Việt Nam trong quý IV sẽ tiếp đà tăng trưởng ngoạn mục từ quý III, với sự cải thiện rõ rệt về GDP. Các chuyên gia cho rằng, nếu tốc độ tăng trưởng đạt ngang với quý III - tức là 6,4% thì tính chung cả năm 2016 GDP chỉ tăng 6%; nếu đạt mức tăng là 7% thì GDP sẽ tăng 6,3%. Nhìn chung, kịch bản thứ nhất có thể đạt được một cách không quá khó khăn, nhưng việc hiện thực hóa kịch bản thứ 2 sẽ không dễ dàng. Theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), dù có nhiều nỗ lực cộng với sự đồng thuận và quyết tâm rất cao của các cấp, ngành nhưng đơn vị này vẫn giữ nguyên quan điểm khi dự báo là GDP năm nay chỉ tăng ở mức 6%. Ông Thành cũng khuyến nghị, các cơ quan chức năng cần cân nhắc, tính toán một cách khôn ngoan khi lập kế hoạch, theo hướng đặt mục tiêu tăng trưởng GDP “khiêm tốn” hơn để tránh bị động và sức ép bởi nền kinh tế vận hành trong điều kiện phức tạp, kể cả những diễn biến bất thường, bất lợi hoặc thay đổi đột ngột; nhất là từ bên ngoài.

Ngược lại, nhiều cơ quan chức năng đang tỏ ra lạc quan về khả năng tăng trưởng trong quý IV cũng như hướng tới kết quả tăng trưởng cả năm cao hơn mức 6%. Đơn cử, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa báo cáo Quốc hội về dự báo tăng trưởng năm nay có khả năng tăng lên 6,3%-6,5% nếu GDP quý IV đạt mức tăng tương ứng 7% và 7,7%. Căn cứ để đưa ra các con số trên là kinh tế vĩ mô đang tiếp tục ổn định, có sự cải thiện rõ nét, thể hiện xu hướng tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Các yếu tố quan trọng đóng góp vào GDP là khu vực sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu. Bên cạnh đó, kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài vẫn duy trì được xu hướng gia tăng, lạm phát được kiềm chế trong ngưỡng an toàn. Đặc biệt, số DN mới đăng ký thành lập mới cũng tăng khá mạnh (hơn 9 nghìn DN/tháng), với niềm tin thị trường được củng cố hơn.

Đồng quan điểm với sự lạc quan như trên, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, đã có những chỉ dấu cho thấy hoạt động kinh tế đang trên đà gia tăng, chủ yếu do từng bước khắc phục được những điểm hạn chế, nhất là sản xuất công nghiệp duy trì được phong độ, nông nghiệp đang bứt phá để thoát khỏi tình trạng giảm sút, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân cũng tăng đáng kể bên cạnh thực tế Chính phủ chủ trương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư. Theo ông Hà Quang Tuyến, chắc chắn mức tăng trưởng kinh tế quý IV sẽ là một ấn tượng, với sự bứt phá và góp phần quan trọng vào kết quả tăng trưởng ở ngưỡng cao hơn 6% của cả năm. Trong khi đó, số liệu khảo sát xu hướng sản xuất, kinh doanh của Ngành Công nghiệp chế biến - chế tạo (ngành đóng góp 80-90% vào mức tăng của toàn Ngành Công nghiệp) vừa được Tổng cục Thống kê tiến hành cho thấy, so với quý III, trong quý IV có 85,5% DN cho rằng, hoạt động kinh doanh của họ sẽ tốt lên hoặc giữ được như hiện tại. 

Hồng Sơn