Minh bạch hoá các quy định về thủ tục hành chính trong quản lý tôn giáo
Chính trị - Ngày đăng : 17:03, 24/10/2016
Các ĐB thảo luận tại hội trường về dự án Luật tín ngưỡng, tôn giáo trong chiều 24/10 |
Dự thảo Luật đã được kết cấu lại khoa học, chặt chẽ hơn, gồm 9 chương, 8 mục và 68 điều. Bên cạnh việc sắp xếp, bổ sung một số điều luật và đổi tên các chương, mục, dự thảo Luật đã thiết kế một chương mới (Chương II) gồm 4 điều quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Nhiều đại biểu cho rằng những nội dung quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và sự tôn trọng, bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước trong dự thảo Luật còn chưa tương xứng và thiếu cụ thể.
"Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã khẳng định và cụ thể hóa nội hàm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân, tổ chức và người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Chương II (Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo). Đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người tại Chương I (Những quy định chung)", ông Bình cho biết.
Về phương thức quản lý, nhiều đại biểu cho rằng dự thảo Luật còn quá nhiều quy định mang nặng tính hành chính, “xin - cho” và đề nghị quy định theo hướng giảm các thủ tục hành chính, tăng hình thức thông báo.
Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan soạn thảo rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật để các quy định về thủ tục hành chính phù hợp hơn với quan điểm xây dựng Luật. Đến nay, rất nhiều nội dung trong dự thảo đã chuyển từ hình thức đăng ký - cấp phép hoặc đề nghị - chấp thuận sang hình thức thông báo.
Dự thảo Luật cũng minh bạch hoá các quy định về thủ tục hành chính, thẩm quyền và thời gian xử lý... Những điểm mới này nhằm góp phần tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; đồng thời thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước đối với những vấn đề thuộc về nội bộ của tổ chức tôn giáo.
Với quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, tiếp thu ý kiến của ĐB khi cho rằng quy định như dự thảo Luật còn chung chung, UBTV QH đã chỉ đạo bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm đặc thù trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo như: kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi… Về cơ bản, các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 5 dự thảo Luật đã bao quát nhiều nội dung, thống nhất với quy định của Hiến pháp 2013 về nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân.