Tự chủ đại học - Cần tham khảo những mô hình tiên tiến

Giáo dục - Ngày đăng : 07:07, 25/10/2016

(HNM) - Trong quá trình mở rộng tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học (ĐH), việc nghiên cứu, học tập các mô hình quốc tế là hết sức cần thiết, đặc biệt từ những nền giáo dục ĐH tiên tiến có xuất phát điểm gần với Việt Nam.


Đa dạng mức độ tự chủ

Khi bàn về tự chủ ĐH, các chuyên gia thường nhấn mạnh tới một đặc điểm của giáo dục ĐH Việt Nam, đó là sự đa dạng về chủ sở hữu cũng như về năng lực của các trường. Điều này đòi hỏi cần có nhiều mức độ tự chủ khác nhau cho các cơ sở khác nhau. Mới đây, Ngân hàng Thế giới đã khái quát bốn mô hình quản trị ĐH với các mức độ tự chủ khác nhau gồm: Mô hình Nhà nước kiểm soát hoàn toàn như ở Malaysia; mô hình bán tự chủ như ở Pháp và New Zealand; mô hình bán độc lập ở Singapore; mô hình độc lập như ở Anh, Australia.

Sinh viên Khoa Sinh học, Trường Đại học KHTN - Đại học QGHN thực hành tại phòng sinh học phân tử.Ảnh: Bích Ngọc


Theo GS Phạm Phụ, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, mức độ tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH nên có một phổ khá rộng tùy theo các loại hình và năng lực của các cơ sở đó. Theo ông, hệ ĐH Anh - Mỹ có mức độ tự chủ ĐH cao nhất rồi đến hệ ĐH Châu Âu. ĐH Châu Á có mức độ tự chủ thấp nhất, trừ trường hợp của Singapore. Tuy vậy, ở Mỹ, mức độ tự chủ ĐH cũng có một phổ khá rộng, từ mức Nhà nước chỉ giám sát ở các ĐH nghiên cứu cho đến mức Nhà nước kiểm soát ở các trường cao đẳng cộng đồng.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thảo Trang, Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho rằng tại Châu Á, Singapore là minh chứng điển hình cho nguyên lý cơ bản: Các trường sẽ vận hành tốt hơn nếu được nắm vận mệnh của chính mình. Đó là các trường ĐH Quốc gia Singapore (NUS), ĐH Công nghệ Nanyang (NTU), ĐH Quản lý Singapore (SMU), sau khi được Chính phủ nước này chấp nhận trở thành ĐH tự chủ.

Đây là quyết định có tính chiến lược tạo ra sự khác biệt, định hướng về thế mạnh cho mỗi trường để đạt được thành tích xuất sắc về học thuật. Các trường nói trên hiện đang là mô hình đáng mơ ước của sinh viên thế giới. Ngoài ra, nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm từ cải cách giáo dục ĐH ở Nhật Bản có thể xem là một giải pháp cho giáo dục ĐH của Việt Nam, bởi xuất phát điểm tại Nhật Bản tương tự như tình hình ở nước ta hiện nay.

Quản lý theo mô hình công ty

Các hoạt động nghiên cứu và giáo dục của các trường quốc gia Nhật Bản cách đây không lâu từng phụ thuộc phần nhiều vào ngân sách nhà nước, nhân sự và tổ chức nằm dưới sự quản lý của Nhà nước. Mỗi lần tái tổ chức, thuyên chuyển nhân sự, nhà trường phải xin ý kiến Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Kỹ thuật (MEXT).

Với các quy định tiền lương đã có sẵn, nhà trường không thể đưa ra mức lương cao hơn để mời những nhà nghiên cứu giỏi về làm việc. Nhà trường cũng không thể linh động điều phối chi tiêu cho những kế hoạch dài hạn do ngân sách cấp theo từng năm. Do vậy, cuộc cải cách mạnh mẽ với việc chuyển đổi ĐH quốc gia thành công ty quản trị độc lập, diễn ra vào năm 1999, được coi là "vụ nổ Big Bang" với các trường ĐH quốc gia.

Theo Luật Công ty đại học quốc gia của Nhật Bản được thực thi từ năm 1999, việc quản lý trường ĐH tuân theo mô hình quản lý như ngành kinh tế tư nhân. Chỉ 5 năm sau, tất cả các trường ĐH quốc gia ở Nhật đều chuyển đổi thành công ty ĐH quốc gia. Thay đổi lớn nhất về nhân sự là tập thể nhân viên không còn là công chức nữa và không còn lệ thuộc vào Nhà nước.

Nhà nước có chức năng đánh giá chất lượng, thành lập hay đóng cửa trường ĐH và cung cấp nguồn ngân sách cần thiết cho mỗi công ty ĐH quốc gia dựa vào đánh giá của bên thứ ba. Mỗi trường phải soạn dự thảo các mục tiêu và kế hoạch hoạt động trong 6 năm để nộp cho MEXT. Ủy ban đánh giá công ty ĐH quốc gia sẽ đánh giá dự thảo này. Dựa vào đó, Nhà nước sẽ quyết định phân cấp ngân sách trọn gói cho hoạt động 6 năm tới của công ty ĐH.

Thay đổi lớn nhất về quản lý nội bộ là các công ty ĐH quốc gia có hội đồng quản trị, hội đồng nghiên cứu và giáo dục. Trong đó, chủ tịch hội đồng quản trị là người có quyền lực cao nhất. Hội đồng nghiên cứu và giáo dục chịu trách nhiệm về các hoạt động chuyên môn trong khi hội đồng quản trị chịu trách nhiệm quản lý. Mô hình hoạt động theo kiểu công ty đã giúp cho các ĐH quốc gia cải thiện năng lực hoạt động.

Năm 2005, 87 trường ĐH quốc gia chuyển đổi thành công ty đã thành công trong việc giảm tổng số tiền lương được 13,7 tỷ yên và thu được 11,8 tỷ yên từ bản quyền sáng chế. Kết quả, các trường này đạt được khoản lợi nhuận tổng cộng 71,6 tỷ yên. Trong đó, ĐH Tokyo đã được xếp hạng mức tín dụng cao nhất năm 2006, ngang hàng với Tập đoàn Toyota. ĐH này cũng được xếp hạng thứ 16 trong thứ hạng các trường ĐH có chất lượng trên thế giới - theo đánh giá của Tạp chí Newsweek vào năm 2006.

Bài học kinh nghiệm của Nhật Bản cũng như các nước có nền giáo dục tiên tiến cho thấy, muốn quản trị hiệu quả và nâng cao tính tự chủ, trường ĐH có thể được quản lý như mô hình một công ty. Việc tuyển dụng giảng viên không nhất thiết phải theo chuẩn chung cho cả nước, mà cần phù hợp với mục tiêu đào tạo đặc trưng của trường, xác định rõ nhiệm vụ của giảng viên là nghiên cứu khoa học.

ThS Nguyễn Ngọc Thảo Trang cho rằng, Việt Nam hiện đang tận dụng nguồn nhân lực là ứng viên địa phương, cơ bản là bồi dưỡng sinh viên có năng lực để tập trung vào nguồn lực giảng dạy cho trường. Trong khi đó, phương Tây rất hạn chế lựa chọn ứng viên địa phương vào giảng dạy, mà thu hút nguồn lực từ khắp nơi, tạo sức hút nhờ tính cạnh tranh cao trong chất lượng khoa học, giảng dạy và môi trường làm việc.

GS Phạm Phụ cũng cho rằng, mối quan hệ giữa quản trị ĐH với hội đồng trường có ý nghĩa quyết định sự thành bại của công tác quản lý cũng như bảo đảm quyền tự chủ ĐH. Chức năng cơ bản của hội đồng trường là quản trị và “tạo ra sự thay đổi”, còn chức năng cơ bản của cơ chế thực thi là quản lý nhằm “giữ trong trật tự”. Mối quan hệ giữa chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng là mối quan hệ đồng cấp hỗ trợ nhau, sự thành bại của một cơ sở giáo dục ĐH được quyết định bởi chất lượng hoạt động theo chức năng của hai tổ chức này.

Vì vậy, quá trình thực hiện tự chủ ĐH thực chất là quá trình chuyển giao quyền lực, lâu nay phần lớn tập trung ở bộ chủ quản và hiệu trưởng, sang hội đồng trường. Vì vậy, nếu không “thể chế hóa” chức năng và các mối quan hệ thì khó lòng thực hiện tự chủ ĐH một cách hiệu quả.

Khánh Vũ