Mối lo cam kết lao động trong FTA thế hệ mới

Đời sống - Ngày đăng : 13:11, 25/10/2016

(HNMO) - Các Hiệp ước Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam tham gia ký kết đang đặt ra nhiều vấn đề trong đó có những cam kết liên quan đến lao động. Nếu vi phạm các tiêu chuẩn lao động sẽ ảnh hưởng tới việc thực thi FTA mà các bên đã ký kết...

Ảnh minh họa



Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là những Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Đây là những FTA có mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay trong đó có các cam kết về lĩnh vực lao động.

Thường vi phạm các tiêu chuẩn lao động

Đưa ra những khó khăn khi thực hiện các tiêu chuẩn lao động và các yêu cầu khi tham gia Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, một luật sư thuộc Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khẳng định: Bất kỳ một Hiệp định thương mại tự do nào cũng bao gồm nhiều thách thức mới, bên cạnh những cơ hội phát triển. Vì thế, chúng ta rất cần đánh giá những tác động về các cam kết lao động trong FTA khi thực hiện nó. Đánh giá độ tác động của các cam kết lao động trong EVFTA, vị luật sư đó lo ngại sự vi phạm về các tiêu chuẩn lao động mà phổ biến nhất là người lao động làm thêm quá số giờ quy định; doanh nghiệp thực hiện không đúng về nghỉ tuần, nghỉ lễ... Môi trường làm việc, vệ sinh an toàn lao động đa số các doanh nghiệp không đầu tư và chủ động áp dụng các biện pháp xử lý, phòng ngừa. Doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của người lao động, không tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) đầy đủ, chưa hỗ trợ lao động nữ nơi làm việc và nuôi con nhỏ...

Mặt khác, người lao động, doanh nghiệp khi tham gia hội nhập sẽ chịu những bất lợi từ việc mở cửa thị trường. Lúc đó hàng hóa của các nước nhất là một lượng lớn hàng tiêu dùng chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng sẽ nhập khẩu vào Việt Nam cộng với tâm lý sính hàng ngoại sẽ khiến doanh nghiệp trong nước thêm khó khăn có thể phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động mặc dù số việc làm của một số ngành nghề có thế tăng lên. Còn tác động đến tiền lương, một số chuyên gia dự báo tiền lương cho người lao động dự kiến sẽ tăng lên ở năm nhóm ngành trong khoảng thời gian 2020-2035. Trong đó, tăng cao nhất đối với lao động có tay nghề thấp”.

Ngoài ra, trong quá trình tham gia EVFTA Việt Nam còn phải chịu thêm “áp lực” đổi mới hệ thống giáo dục - đào tạo, cải thiện chất lượng lao động do chiến lược khai thác lợi thế giá nhân công rẻ của đầu tư trực tiếp nước ngoài, cải thiện việc làm cho các nhóm lao động dễ bị tổn thương.

Cần sửa đổi pháp luật lao động cho tương thích

Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do là thể hiện sự Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của mình. Vì thế các doanh nghiệp VN cần có cái nhìn hiện đại về nhân sự và quan hệ lao động hơn theo quan điểm cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm quyền của người lao động nhằm tuân thủ yêu cầu của hội nhập và các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Nhận xét về vấn đề này, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá, với chủ trương tích cực hội nhập quốc tế và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong tiến trình hội nhập về lĩnh vực lao động, Việt Nam đã có một hệ thống chính sách, pháp luật về lao động tương đối đầy đủ, cũng như đạt được khá nhiều thành tựu trong lĩnh vực này.

Tuy vậy, chúng ta cũng nên rà soát pháp luật lao động của VN đã phù hợp với các cam kết về lao động và xã hội trong các Hiệp định Thương mại Tự do, đặc biệt là Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU hay chưa?

Thực tế, các nội dung lao động-xã hội trong các thỏa thuận thương mại giờ không còn là hiện tượng cá biệt, theo ý muốn chủ quan của một vài đối tác thương mại nữa mà đã trở thành một đòi hỏi, một xu thế chung toàn cầu. Vì thế, các công ty làm hàng gia công hoặc cung ứng hàng cho các đối tác để bán ở thị trường nước ngoài hầu như đều phải thực hiện các bộ quy tắc do bạn hàng yêu cầu, trong đó nội hàm chủ yếu vẫn là vấn đề về lao động.

Hiệp định EVFTA ngoài việc đem lại lợi ích cho Việt Nam từ loại bỏ thuế quan và tiếp cận thị trường cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ, còn tác động lên các luồng vốn đầu tư vào Việt Nam. Để có những lợi ích đó dĩ nhiên luôn kèm theo các cam kết đối với lĩnh vực lao động-xã hội. Nhiều chuyên gia cho rằng chúng ta cần nhìn các cam kết này theo quan điểm thanh tra lao động để từ đó có kế hoạch sửa đối pháp luật lao động cho tương thích với FTA thế hệ mới. Song song với đó là hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện đúng các tiêu chuẩn, quy định về rào cản kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu; Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng hoàn thiện hệ thống quản lý tiêu chuẩn lao động theo chuẩn quốc tế và phải thích nghi với những tiêu chuẩn của thị trường đối tác; Hướng các doanh nghiệp áp dụng đồng thời các hệ thống tiêu chuẩn như ISO 9001:2000, OSHAS 18.000, SA 8000…

Minh Bắc