Cho đi là còn mãi…
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:27, 25/10/2016
Cô gái nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và có nụ cười tươi như hoa ấy là Ngô Kim Loan, Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Tú Chi. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm trung ương, cô giáo trẻ lăn lộn với nghề vài năm rồi mạnh dạn tự mở trường. Trong tay chỉ có 2 triệu đồng, Loan đã nhờ bố mẹ cho mượn mặt bằng để mở lớp ở xã Thanh Liệt (Thanh Trì). Bố Loan lúc ấy cũng chỉ có 20 triệu đồng nhưng cũng dồn hết cho cô con gái yêu. Vượt qua bao khó khăn, năm 2006, lớp học đầu tiên của Loan được thành lập. Những ngày đầu, lớp học chỉ có 7 cháu, nhưng chỉ sau một năm thành lập, Loan đã có đến hơn 60 cháu. Năm 2009, Loan quyết định mở thêm cơ sở mới ở quê chồng là xã Tam Hiệp và gần đây nhất (tháng 8-2016), Trường Mầm non Tú Chi khai trương cơ sở mới ở thị trấn Ngọc Hồi, đưa tổng số học sinh của trường lên khoảng 400 em, riêng ở xã Tam Hiệp đã có gần 200 em.
Cô giáo Ngô Kim Loan (giữa) tặng quà từ thiện ở xã Tà Lủng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang (tháng 9-2016). |
Những tưởng cuộc sống sẽ suôn sẻ với cô gái trẻ luôn sôi nổi nhưng khúc ngoặt đã đến khi Loan mới ngoài tuổi 30. Loan kể: Năm 2013, em rụng rời chân tay sau khi bác sĩ nói bị ung thư cổ tử cung giai đoạn 3. Không những thế, còn thêm cả bệnh lupus ban đỏ… Cả hai bệnh đều “trọng” khiến cánh cửa cuộc đời như đóng sầm trước mắt, nỗi lo cho chồng, cho con cứ đeo đẳng tâm can… Loan rơi vào trầm cảm. Sự hụt hẫng, lo sợ khiến Loan suy sụp hoàn toàn, bỏ bê công việc. Vì Loan giấu bệnh với bố mẹ nên khi thấy con bê trễ công việc trong suốt thời gian dài, mẹ Loan đã nổi cáu. Nhưng chính từ những lời mắng của mẹ, Loan mới nhìn lại mình. Cô gái vùng dậy với suy nghĩ: “Nếu tinh thần bi lụy, mình sẽ gục ngã trước khi bị bệnh tật tấn công”. Từ đó, Loan quyết tâm làm việc, gạt bỏ những ám ảnh về bệnh tật đang tàn phá cơ thể. Cuối năm 2015, trong người Loan nổi đầy hạch, buộc phải lên bàn mổ. Nhưng trong lần mổ ấy, bác sĩ cũng chỉ bóc được một số ít những hạch mang bệnh, còn nhiều hạch vẫn găm trong người.
Bệnh tật là thế, nhưng Loan không ngơi nghỉ. Hình ảnh người cha lúc nào cũng hiện diện trong tâm trí cô. Ông như cây đời vững chãi để Loan tựa vào mỗi khi mỏi gối, chùn chân. Loan nhớ lại: Khi em nằm viện, bố là người luôn khích lệ tinh thần. Khi em suy sụp, bố lại động viên. Nhưng ông đã ra đi, em không còn được đồng hành cùng cha nữa…
Niềm vui của người khác là hạnh phúc của mình…
Cô gái nhỏ nhắn lúc nào cũng căng mình, gồng mình sôi nổi trong công việc và cuộc sống. Nhìn Loan, không ai có thể đoán được cô gái này mang mầm bệnh ung thư đã 3 năm. Loan chẳng để mình ngơi nghỉ. Ngày thường, bận rộn với công việc trường lớp, công tác sổ sách, quản lý. Ấy vậy, được ngày chủ nhật Loan cũng không ngơi tay vì còn mải làm từ thiện. Loan tâm sự: “Năm 2013, em đi khám ở hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, nhìn những bệnh nhân không có chỗ ăn, chỗ nằm, cùng cảnh bệnh nan y, mình càng thương họ nhiều hơn”. Cũng thời gian ấy, có một nhóm bạn sinh viên của Trường Đại học Bách khoa về xã Tam Hiệp làm cơm từ thiện cho bệnh nhân ở Bệnh viện K (cơ sở ở xã Tam Hiệp), nhưng chỉ tồn tại được một thời gian ngắn. Tiếp nối sự dang dở ấy, Loan đã xắn tay vào làm, tự bỏ tiền mua lương thực, thực phẩm, cùng các cô giáo của Trường Mầm non Tú Chi, đoàn viên thanh niên xã Tam Hiệp và xã Thanh Liệt tự nấu cơm. Ban đầu, Loan làm từ thiện, không lấy tiền của ai. Song, khi mang cơm vào viện, nhiều người đã không nhận vì tâm lý tự ti, đã hai lần Loan bị “ế” 40 suất cơm mang về… Không nản lòng, cô gái trẻ đặt mình vào vị trí của những người bệnh và hiểu rằng nhiều người không muốn nhận cơm mà không mất tiền. Từ đó, Loan đã phát cơm cho bệnh nhân với giá 5.000 đồng/suất. Bằng cách này, cơm từ thiện của Loan luôn được bệnh nhân đón nhận. Thời gian đầu, Loan chỉ làm được 70 suất, nhưng nay mỗi ngày chủ nhật Loan nấu từ 100 đến 120 suất cơm.
Không chỉ nấu cơm từ thiện, Loan còn giúp chính những học sinh khó khăn của mình. Trường Tú Chi hiện có 5 học sinh trong diện tự kỷ, khiếm thị được giảm học phí và mọi khoản đóng góp khác, chỉ thu tiền ăn. 5 học sinh khác có hoàn cảnh khó khăn cũng được Loan giảm một nửa học phí… Loan tâm sự: “Ban đầu, ông xã thấy em vất vả nên phản đối, sợ em bận bịu không có thời gian nghỉ ngơi. Nhưng khi thấy em vui với việc làm từ thiện nên chồng em tự làm mọi việc nhà để em yên tâm, dành nhiều thời gian hơn nữa cho trường lớp và làm việc thiện, anh ấy còn giúp cả tài chính…”. Điểm tựa ấy đã giúp Loan đứng vững trước sóng gió cuộc đời. Từ ngày bị bệnh, nhiều cơn đau xương hành hạ khiến chân, tay nhức buốt, Loan phải chống gậy để đi. Cũng có bác sĩ khuyên sang Singapore chữa bệnh, nhưng Loan lắc đầu “Em tin vào y học của Việt Nam nên không đi đâu cả. Tiền đi chữa bệnh ở nước ngoài, em sẽ dành làm từ thiện”. Thế mới biết, cuộc sống tuy hữu hạn, nhưng lòng tốt của con người thì không giới hạn nào ngăn cản được!
Với cách nhìn đầy thiện cảm, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp Trình Quốc Thắng cho hay: Nhìn phong thái, sự năng nổ của Loan, không ai nghĩ rằng cô giáo ấy đang mang bệnh trọng. Loan đã có nhiều đóng góp cho các phong trào của địa phương. Những dịp hè, Tết Trung thu… cô giáo tập hợp các cháu nhỏ đến dạy múa, hát, tạo sự gắn kết giữa mọi người. Chúng tôi rất biểu dương Loan. Tháng 6 vừa qua, Loan đã trở thành đảng viên. Người bình thường làm từ thiện đã đáng ngợi ca, với Loan phần thưởng ấy còn xứng đáng hơn nhiều.
Khi tôi viết những dòng này cũng là lúc Loan vừa có chuyến trở về từ tỉnh Quảng Bình. Sau 2 ngày lăn lộn với bà con vùng lũ, sáng 20-10 Loan đã về đến Hà Nội. Cô vui vẻ gọi điện thông báo với tôi: “Em đã mua mỳ tôm với số tiền 6 triệu đồng để giúp đỡ người dân; cả đoàn quyên góp được 20 tấn gạo, 10 tấn mỳ tôm…”. Lo cho sức khỏe của Loan, tôi hỏi nhưng em bộc bạch: “Nhìn bà con thiếu thốn trăm bề, em không còn biết mệt mỏi. Em đang tiếp tục cùng những nhà hảo tâm khác chuẩn bị hoàn thiện một điểm trường mầm non ở tỉnh Hà Giang. Nhóm từ thiện của chúng em cố gắng sẽ bàn giao trường vào ngày 20-11 này”… Tôi hiểu, chính sự tự tin, tinh thần sống lạc quan và tấm lòng vì mọi người đã giúp Loan vượt lên bệnh tật!