Vay kinh doanh và tiêu dùng: Nhu cầu đang "nóng"

Tài chính - Ngày đăng : 07:21, 25/10/2016

(HNM) - Cuối năm là giai đoạn nhu cầu vay vốn tăng cao đối với cả doanh nghiệp (DN) và người dân. Không chỉ dành vốn ưu đãi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), các ngân hàng còn đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.

Hướng dẫn khách hàng các thủ tục vay vốn tại Ngân hàng SHB.Ảnh: Hải Anh


Để hỗ trợ khách hàng vay vốn, từ nay đến ngày 31-12, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) triển khai chương trình cho vay kinh doanh, mua nhà và mua ô tô. Với khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh và DN nhỏ bổ sung vốn kinh doanh, NCB áp dụng chương trình “Vay kinh doanh hưởng lãi siêu ưu đãi”, lãi suất từ 7,99%/năm trong 6 tháng đầu, kỳ hạn trên 18 tháng, hạn mức vay tối đa 500 tỷ đồng, phí trả nợ trước hạn thấp.

Khách hàng có nhu cầu vay mua nhà cũng có cơ hội lựa chọn 1 trong 3 mức lãi suất: 7%/năm cho 9 tháng đầu, 7,99%/năm cho 12 tháng hoặc 9%/năm cho 18 tháng, thời gian vay tối thiểu 60 tháng. Chương trình áp dụng cho các giao dịch vay mua nhà, đất thuộc dự án hoặc nhà, đất riêng lẻ, mức phí trả nợ trước hạn 3% cho 3 năm đầu và 1% kể từ năm thứ 4. Đối với vay mua ô tô, lãi suất là 6,7%/năm trong 9 tháng đầu, 8%/năm cho 12 tháng, 8,8%/năm cho 18 tháng.

Cùng với NCB, Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank) giảm lãi suất tối đa từ 11,5%/năm xuống còn 10,5%/năm cho khách hàng cá nhân vay mới. Với đối tượng khách hàng DN, HDBank đã đưa ra gói tín dụng gần 20.000 tỷ đồng, lãi suất ngắn hạn từ 6,5%/năm, lãi suất cho vay ưu đãi trung - dài hạn cố định trong năm đầu tiên từ 9,69%/năm nhằm giúp DN bổ sung kịp thời nguồn vốn lưu động, cũng như nguồn vốn trung - dài hạn phục vụ các phương án, dự án SXKD. Theo lãnh đạo của HDBank, với việc giảm lãi suất cho cả hai đối tượng là khách hàng cá nhân và DN trong những tháng cuối năm sẽ kỳ vọng là giải pháp tích cực để người dân và DN có thêm động lực triển khai các phương án SXKD.

Với mục tiêu hỗ trợ DN, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) có chương trình ưu đãi dành cho các DN lớn, DN xuất khẩu, DN nhỏ và vừa. Ngoài ra, ngân hàng này triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình vay vốn mua bất động sản, xây dựng, sửa chữa nhà, mua ô tô, đầu tư tài sản cố định, bổ sung vốn lưu động và các mục đích tiêu dùng, kinh doanh khác. Mức lãi suất được áp dụng là 7,5%/năm cho tất cả các kỳ hạn vay dưới 60 tháng, thời gian ưu đãi lãi suất là 1/4 thời gian vay và không quá 24 tháng. Với những món vay từ 60 tháng trở lên, khách hàng sẽ được hưởng mức ưu đãi 9%/năm trong vòng 24 tháng.

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc SHB cho biết, đón trước diễn biến của thị trường, nhu cầu khách hàng, SHB đã triển khai chương trình này nhằm kích cầu tiêu dùng, đồng thời tạo điều kiện để khách hàng có thể thực hiện được các dự định, kế hoạch của mình. Ngoài ưu đãi về lãi suất, khách hàng còn được miễn phí đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, miễn phí phát hành và phí thường niên thẻ ghi nợ nội địa, thẻ tín dụng quốc tế…

Riêng với Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã triển khai và thành lập “Dự án doanh nghiệp siêu nhỏ - MSME” để cung ứng những giải pháp tài chính tối ưu cho khách hàng. Trên thực tế nhu cầu sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính dành cho DN có quy mô tổng tài sản dưới 20 tỷ đồng hoặc doanh thu dưới 20 tỷ đồng rất lớn nhưng các DN này lại gặp hạn chế vì hầu hết ngân hàng đều chưa có giải pháp tài chính chuyên biệt dành riêng cho đối tượng này. Bởi vậy, OCB triển khai cho vay mua phương tiện vận chuyển, bổ sung vốn lưu động và đầu tư tài sản cố định để đồng hành cùng DN siêu nhỏ, với tỷ lệ cho vay 100% giá trị định giá tài sản, thời gian phê duyệt trong 2 ngày làm việc...

Cùng với hàng loạt các chương trình cho vay ưu đãi, ngân hàng không chỉ đồng hành cùng người dân và DN trong việc tiếp cận nguồn vốn, mà còn tạo cơ hội tăng trưởng tín dụng cho chính ngân hàng, giải phóng nguồn vốn nhàn rỗi. Tuy nhiên, để nguồn vốn này thực sự bền vững, tạo niềm tin cho DN và người dân, ngân hàng nên tính đến giải pháp dài hơi, ổn định lãi suất cho vay trung - dài hạn, giúp người vay không còn phải lo lắng đến "sóng" lãi suất biến động thất thường.

Đức Anh