Bài 1: Lạm dụng thuốc, thiệt hại không nhỏ

Đời sống - Ngày đăng : 06:11, 26/10/2016

LTS: Việc quản lý và sử dụng thuốc thú y đang có nhiều bất cập, dẫn tới không ít hệ lụy. Để giải quyết triệt để vấn nạn này, đẩy mạnh xây dựng các mô hình chăn nuôi an toàn nói chung cũng như kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả các loại thuốc nhập khẩu nói riêng… là yêu cầu cấp thiết.


Bài 1: Lạm dụng thuốc, thiệt hại không nhỏ

Hiện nay, thực phẩm an toàn, nhất là thịt, trứng, sữa và các sản phẩm chế biến từ thịt trở thành vấn đề được quan tâm hơn bao giờ hết. Nhưng 9 tháng đầu năm, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phát hiện 20/94 mẫu thịt (9 thịt gà và 11 thịt lợn) có vi sinh Salmonella; 1/52 mẫu thịt lợn có dư lượng kháng sinh Sulfadimidine; 1/42 mẫu thịt (thịt gà) có dư lượng chất cấm Chlororamphenicol.

Thực tế này cho thấy, việc sử dụng thuốc thú y chưa được các nhà quản lý và người chăn nuôi quan tâm một cách đầy đủ. Hậu quả là, sản phẩm mất an toàn, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm kém hiệu quả. Đương nhiên, thiệt hại kinh tế là không nhỏ.

Người dân dễ dàng mua các loại thuốc kháng sinh chăn nuôi tại các cửa hàng thuốc thú y. Ảnh: Hữu Khoa


Tự... kê và... tự mua

PGS.TS Lê Văn Năm - Hiệp hội Sản xuất kinh doanh thuốc thú y Việt Nam cho biết: Trên thế giới, việc sử dụng thuốc thú y tại các nước phát triển được kiểm soát chặt chẽ thông qua đơn thuốc do bác sĩ thú y chỉ định để phòng trị vi sinh gây bệnh, đồng thời ngăn ngừa hiện tượng tồn dư kháng sinh, kháng khuẩn và các chất độc hại khác làm ảnh hưởng đến năng suất vật nuôi, sức khỏe người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Hiệp hội tại một số tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Thái Nguyên… nhiều hộ chăn nuôi tự mua thuốc, chế phẩm sinh học và vắc xin về sử dụng; hàng loạt hộ chăn nuôi chủ động sử dụng vắc xin để phòng bệnh Gumboro, Newcastle (gà rù) nhưng với bệnh cúm gia cầm H5N1, chỉ có hơn 50% hộ chủ động tiêm vắc xin, còn lại không tiêm.

Thực tế, nhiều hộ chăn nuôi không tiêm vắc xin bởi sau khi tiêm thường để lại ổ viêm áp xe gây thối thịt tại vị trí tiêm khiến gà chậm lớn, giảm giá trị thương mại. Đối với một số chế phẩm sinh học, các hộ chăn nuôi tự mua kháng thể, men tiêu hóa và thuốc kích thích tăng trọng, sinh sản về sử dụng.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, việc sử dụng thuốc thú y vẫn tràn lan, thậm chí kháng sinh còn được trộn vào thức ăn để phòng bệnh, kích thích sinh trưởng. Ngoài ra, khi mua thuốc kháng sinh cho gia súc gia cầm, người dân thường chỉ quan tâm tên thuốc được bà con mách nhau mà không quan tâm loại thuốc mình mua đã được công bố chất lượng chưa, có hay không có tên trong danh mục được phép lưu hành.

Trong quá trình chăn nuôi, người dân có thói quen tiêm 1 - 2 mũi kháng sinh, thấy vật nuôi bắt đầu ăn trở lại là ngừng ngay việc dùng thuốc, dẫn tới nhờn kháng sinh và có khả năng tái nhiễm bệnh. Sau một liệu trình dài 5 - 6 ngày dùng kháng sinh mà không thấy vật nuôi khỏi bệnh, người dân lại đổi loại kháng sinh khác.

Việc sử dụng quá liều kháng sinh trong chăn nuôi đã gây hậu quả nghiêm trọng. Theo ông Trần Mạnh Giang - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hà Nội, sử dụng kháng sinh quá liều không chỉ tốn kém, vật nuôi chậm lớn mà còn không bảo đảm chất lượng thực phẩm.

Thiếu bác sĩ thú y

Theo quy định, cán bộ chuyên môn (bác sĩ thú y) mới là người kê đơn thuốc điều trị khi gia súc, gia cầm ốm, song hiện nay việc quản lý, kê đơn để sử dụng kháng sinh còn bị buông lỏng. Nguyên nhân là chăn nuôi ở nước ta vẫn chủ yếu theo quy mô nhỏ lẻ (chiếm tới 60%) nên số lượng hộ chăn nuôi lớn, trong khi đội ngũ bác sĩ thú y có tay nghề ở cơ sở và việc quản lý hành nghề cũng như kinh doanh thuốc thú y còn thiếu, nhiều lỗ hổng.

Theo ông Nguyễn Văn Cảm, cán bộ Hội Thú y Việt Nam, quy chế về hành nghề bác sĩ thú y ở cơ sở chưa được cơ quan có thẩm quyền ban hành, do đó chưa đưa ra được các quy định trách nhiệm của cá nhân hành nghề chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho động vật, từ phát hiện, thông báo đến báo cáo dịch bệnh. Không những thế, các quy định cụ thể về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị trong bảo quản, vận chuyển, kinh doanh thuốc thú y, đặc biệt là phòng chữa bệnh... cho động vật cũng chưa được ban hành. Việc kiểm tra, giám sát hành nghề, thử nghiệm, khảo nghiệm thuốc thú y cũng chưa đầy đủ, dẫn đến kết quả thử nghiệm, khảo nghiệm dược phẩm thú y thiếu độ tin cậy.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y không có người phụ trách kiểm tra chất lượng sản phẩm đủ điều kiện về chuyên môn để được cấp chứng chỉ hành nghề; mạng lưới thú y cơ sở còn thiếu cả nhân lực và chuyên môn. Hiện cả nước có khoảng 25.000 người nhưng trình độ đại học chỉ chiếm 10%, còn lại trung cấp, sơ cấp và chưa qua đào tạo nên chưa kham nổi việc hướng dẫn người nuôi sử dụng thuốc thú y đúng cách và chữa trị bệnh cho động vật. Thậm chí ở một số xã, cán bộ thú y không đủ kiến thức chuyên môn về dịch tễ và chẩn đoán bệnh gây khó khăn cho công tác tham mưu và hướng dẫn người dân dẫn đến sử dụng thuốc kháng sinh không đúng liều.

Vì vậy, dù mỗi năm Việt Nam chi hàng tỷ USD nhập khẩu các loại vắc xin nhưng dịch bệnh vẫn xảy ra. Trong 9 tháng qua, cả nước đã xảy ra 13 ổ dịch cúm gia cầm làm 18.932 con gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy; bệnh lở mồm long móng xuất hiện làm 2.094 con gia súc mắc bệnh; bệnh lợn tai xanh làm 724 con lợn mắc bệnh, số lợn buộc phải tiêu hủy là 297 con...

Không chỉ đội ngũ cán bộ thú y làm công tác chữa bệnh ở cơ sở thiếu trình độ chuyên môn mà những người bán thuốc thú y cũng “tù mù” về sản phẩm. Theo một kết quả khảo sát của Hiệp hội Sản xuất kinh doanh thuốc thú y Việt Nam, 100% chủ cửa hàng được cấp phép kinh doanh nhưng trình độ nghiệp vụ chuyên môn còn hạn chế. Các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y thường bán theo yêu cầu của chủ chăn nuôi hoặc theo chủ quan cá nhân dựa vào mô tả tóm tắt tình hình dịch bệnh của người chăn nuôi nên khó chuẩn xác.

Không những thế, một số nhà sản xuất còn đưa ra khuyến mãi, chiết khấu cao, thưởng lớn nên người kinh doanh bán thuốc thú y vô tội vạ để kiếm lợi. Hiện nay, số cửa hàng kinh doanh thuốc thú y chưa được cấp phép còn khá nhiều. Theo bà Nguyễn Thị Ngân - Trưởng phòng Dịch tễ (Chi cục Thú y Hà Nội), TP Hà Nội có 787 cửa hàng buôn bán thuốc thú y, vắc xin, chế phẩm sinh học, hóa chất nhưng Chi cục mới cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y cho 575 đại lý, cửa hàng, còn lại đều là các cửa hàng tự phát, nằm trong khu dân cư, chưa có sự kiểm soát chặt chẽ của các ngành chức năng.

(Còn nữa)

Ngọc Quỳnh