Gỡ “nút thắt” trong xử lý nợ xấu
Kinh tế - Ngày đăng : 19:34, 26/10/2016
Chiều 26/10, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo “Xử lý nợ xấu- Những nút thắt cần tháo gỡ”.
Từ cuối năm 2012, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, nhận tài sản thay nghĩa vụ nợ, sử dụng dự phòng rủi ro... Tính đến thời điểm 31/8/2016, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu; trong đó chủ yếu là do các TCTD tự xử lý (chiếm 57,2%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác).
"Nút thắt"
Qua thực tiễn hoạt động, việc xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD nói chung và VAMC nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Công tác thu hồi nợ đạt kết quả hạn chế so với khối lượng nợ xấu tồn tại.
Việc xử lý nợ xấu chưa thể triệt để bởi 4 nhóm nguyên nhân chính (ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Tại hội thảo, tham luận được các chuyên gia kinh tế tập trung vào một số vấn đề như: Nguồn gốc, nguyên nhân của nợ xấu; Kinh nghiệm xử lý nợ xấu: kinh nghiệm quốc tế và giải pháp đối với Việt Nam; Thực trạng mua bán và xử lý nợ xấu của VAMC, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị để nâng cao hiệu quả xử lý nợ của VAMC; Hoàn thiện hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ...
Các ý kiến chia sẻ của đại biểu tại hội thảo cho thấy những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xử lý nợ xấu do nhiều nguyên nhân, trong đó nổi cộm bốn vấn đề chính.
Thứ nhất, các quy định pháp luật còn thiếu, chưa phù hợp để thúc đẩy hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu. Hoạt động xử lý tài sản bảo đảm có nhiều vướng mắc nếu không có sự hợp tác của khách hàng vay, bên bảo đảm. Bên nhận bảo đảm chỉ có thể thực hiện khởi kiện tại Tòa án để thu hồi nợ. Trong khi đó, thời gian giải quyết vụ việc tại tòa án thường bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ của TCTD, VAMC.
Thứ hai, VAMC thiếu những quy định đặc thù để có thể xử lý nhanh nợ xấu. Các quy định pháp luật hiện tại chưa tạo sự thông thoáng cho hoạt động của VAMC, thậm chí còn hạn chế quyền của VAMC khi thực hiện xử lý nợ thông qua các biện pháp như bán nợ, bán tài sản bảo đảm. VAMC không thực hiện được quyền chủ nợ đối với nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt.
Thứ ba, thị trường thiếu những cơ chế điều tiết linh hoạt và hiệu quả trong hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu, dẫn đến hệ quả không thu hút được các tổ chức, nhà đầu tư có tiềm lực tham gia vào hoạt động xử lý nợ tại Việt Nam. Việc bán nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài gặp một số vướng mắc vì theo quy định pháp luật hiện hành, việc nhận thế chấp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thay đổi mục đích sử dụng đất... đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế.
Thứ tư, việc xử lý nợ chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ cán bộ, bảo đảm tính công khai minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện công việc. Hệ lụy dẫn đến những hạn chế không khuyến khích TCTD, VAMC tích cực triển khai công tác xử lý nợ.
Tháo gỡ
Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy, việc giải quyết nợ xấu càng chậm sẽ dẫn đến chi phí để xử lý nợ càng lớn. Quá trình xử lý nợ xấu kéo dài cũng tác động đến hệ số tín nhiệm quốc gia, gây ảnh hưởng lớn tới môi trường đầu tư.
Chính vì thế, những giải pháp quan trọng để xử lý nợ xấu triệt để đã được các đại biểu đưa ra. Trong đó, xây dựng khuôn khổ pháp lý điều tiết toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc xử lý nợ xấu, tạo lập một môi trường hoạt động minh bạch, bình đẳng, thông suốt là cần thiết; đặc biệt chú ý đến việc hoàn tất thủ tục pháp lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ, thu giữ tài sản, phát mại tài sản, định giá tài sản; phát triển khung pháp lý cho thị trường mua - bán và xử lý tài sản xấu.
Cùng với đó là nâng cao năng lực xử lý nợ xấu của VAMC với những cơ chế đặc thù để VAMC có thể hoạt động hiệu quả trên nguyên tắc xử lý nợ xấu phải được thực hiện nhanh, giảm thiểu những thiệt hại phát sinh do sự chậm trễ trong xử lý nợ xấu. VAMC có thể chủ động quyết định trong việc cơ cấu lại nợ, bán nợ/tài sản bảo đảm mà không phải trao đổi để thống nhất với TCTD, doanh nghiệp có nợ xấu.
Một giải pháp quan trọng nữa là xử lý nợ xấu cần được thực hiện bằng nguồn tiền thực để bảo đảm hiệu quả và nhanh chóng. Các hình thức xử lý nợ xấu phải được đa dạng hóa trên cơ sở bảo đảm tính công khai, minh bạch. Hệ thống thông tin nợ xấu được tổ chức để dễ dàng giới thiệu các khoản nợ xấu/tài sản bảo đảm tới các nhà đầu tư có quan tâm, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu và tạo tiền đề để xây dựng một thị trường mua bán nợ tại Việt Nam.