Cho công nhân, cho cả doanh nghiệp

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:59, 27/10/2016

(HNM) - Dân gian có câu “có thực mới vực được đạo”, hiểu một cách đơn giản là có ăn uống tốt thì mới đủ sức khỏe để làm việc tốt. Chất lượng bữa ăn đóng vai trò quyết định đến việc bảo đảm dinh dưỡng và sức khỏe lâu dài cho người lao động. Thế nhưng, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm cải thiện chất lượng bữa ăn hằng ngày cho công nhân. Thực phẩm kém chất lượng, bị xà xẻo… là những câu chuyện buồn vẫn diễn ra ở không ít nơi.


Hiện nay, cuộc sống của người công nhân ở nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn, sự đãi ngộ dành cho họ của những người sử dụng lao động ở nhiều nơi vẫn còn chưa tương xứng. Hồi tháng 2 vừa qua, tại Khu chế xuất Tân Thuận (TP Hồ Chí Minh) đã xảy ra vụ việc hàng nghìn công nhân đồng loạt ngừng làm việc mà một trong những lý do chính là do bức xúc vì chất lượng bữa ăn quá tệ, giá trị bữa ăn ca không đủ nhu cầu dinh dưỡng tối thiểu ảnh hưởng tới sức khỏe của họ.

Bảo vệ sức khỏe cho người lao động để họ yên tâm sản xuất, điều này cũng sẽ mang lại năng suất lao động, lợi nhuận cho doanh nghiệp. Sự thật là hầu hết các doanh nghiệp đều nhận thức rõ điều này, nhưng vì những lợi ích trước mắt mà một số đơn vị đã cố tình bớt xén, thậm chí không cung cấp bữa ăn cho công nhân. Đó là chưa kể tình trạng an toàn thực phẩm của bữa ăn kém, nên tình trạng ngộ độc tập thể cũng vẫn xảy ra. Chuyện “canh toàn quốc”, “miếng thịt xuyên thấu” vốn gắn với cảnh sống sinh viên những năm trước tưởng chừng như đã quá vãng thì giờ đây đang trở nên quen thuộc với người công nhân.

Theo Nghị quyết số 07c/NQ-BCH ngày 25-2-2016 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, doanh nghiệp phải “bảo đảm bữa ăn ca của người lao động với mức thấp nhất 15.000 đồng, khuyến khích các doanh nghiệp nâng mức bữa ăn ca cao hơn”. Nghị quyết cũng xác định rõ, việc quan tâm chăm lo bữa ăn giữa ca của người lao động trong doanh nghiệp là trách nhiệm của cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở. Trong cuộc tiếp xúc với công nhân tỉnh Đồng Nai ngày 30-4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Việc đầu tiên, Công đoàn cơ sở phải công khai thực đơn, giá cả từng bữa ăn của công nhân. Dù bữa ăn 10.000 hay 15.000 đồng cũng phải công khai; không để bữa ăn công nhân bị bớt xén; phải bảo đảm nguồn thực phẩm sạch, mua ở đâu, chợ nào, siêu thị nào để nếu xảy ra ngộ độc thì lãnh đạo xã, phường, chủ siêu thị phải chịu trách nhiệm.

Trong vấn đề này, có thể thấy rõ vai trò quan trọng của tổ chức Công đoàn. Các cấp Công đoàn cần chủ động tham gia với người sử dụng lao động thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, quan tâm chăm lo sức khỏe, bữa ăn ca của người lao động; phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra định kỳ đối với các bếp ăn tập thể, các nhà hàng cung cấp thực phẩm nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.

Các doanh nghiệp cũng cần tự giác thực hiện tốt chế độ, chính sách, quan tâm chăm lo đến đời sống, cải thiện bữa ăn để người lao động có sức khỏe dồi dào, tinh thần lạc quan, yên tâm làm việc. Xác định việc chăm lo bữa ăn cho công nhân cũng đồng nghĩa với việc chăm lo lợi ích của chính doanh nghiệp. Công nhân có sức khỏe tốt sẽ mang lại hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, tạo nên thương hiệu của mỗi doanh nghiệp. Ngược lại, không quan tâm cải thiện chất lượng bữa ăn hằng ngày thì doanh nghiệp không thể đòi hỏi người lao động cải thiện năng suất lao động và gắn bó lâu dài. 

Tuấn Kiệt