''Xảy ra thác loạn, tôi thấy mình có trách nhiệm lớn!''

Chính trị - Ngày đăng : 10:42, 02/06/2005

Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Phạm Quang Nghị đã thẳng thắn bộc bạch như vậy về một loạt vụ việc vừa xẩy ra liên quan đến hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar. Bên hành lang Quốc hội chiều 1/6, ông đã có cuộc trao đổi với báo giới.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Phạm Quang Nghị đã thẳng thắn bộc bạch như vậy về một loạt vụ việc vừa xẩy ra liên quan đến hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar. Bên hành lang Quốc hội chiều 1/6, ông đã có cuộc trao đổi với báo giới.

 Hiện tượng rất nhức nhối (dùng ma tuý, thuốc lắc, mãi dâm...) gắn với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar nhưng bây giờ ta mới đồng loạt ra quân. Phải chăng lâu nay về mặt quản lý ta coi đấy là tệ nạn chưa đáng báo động và nghiêm trọng?

- Sở dĩ bây giờ mới đến lúc vì người ta thấy nó quá nghiêm trọng. Sự thách thức của người vi phạm gần như công khai và trắng trợn. Nó tác động xấu đến đời sống đạo đức xã hội, cảnh tỉnh cơ quan quản lý nói chung, buộc chúng ta phải có biện pháp mạnh.

- Cụ thể ngành văn hoá thông tin có kế hoạch như thế nào?

- Bản thân sự ra đời của Chỉ thị này (ngừng cấp phép mới kinh doanh quán bar, karaoke, vũ trường - PV) có sự chủ động rất cao của ngành văn hoá thông tin. Có thể nói nếu không có chủ động đề nghị ấy thì chưa có Chỉ thị này. Chúng tôi biết rõ tình hình nhưng làm sao để các cấp, các ngành cùng nhất trí về mặt nhận thức trong đánh giá tình hình, trong giải pháp thì mãi gần đây mới có sự thống nhất và Thủ tướng đã ký Chỉ thị ấy.

''Bây giờ tình hình quá phức tạp, gần như chúng ta không đủ lực lượng, phương tiện để kiểm tra, kiểm soát, trước hết cứ tạm ngừng việc cấp mới (kinh doanh quán bar, vũ trường, karaoke) để cho nó không phát triển thêm nữa. Thứ hai, rà soát những cái đã cấp, anh nào hoạt động đúng phép, đứng đắn thì cho tiếp tục tồn tại. Anh nào vi phạm thì xử lý từ nhẹ đến nặng, từ phạt cho tới tước giấy phép, cho tới truy tố. Thứ ba là quy hoạch xem cần thiết mở nhiều hay ít trong lĩnh vực này so với nhu cầu khả năng quản lý rồi mình mới tính mở rộng thêm hay dừng ở đây. Hay cũng tính đến có biện pháp thắt chặt các tiêu chuẩn cấp phép hơn nữa''.

- Hầu hết ''động lắc'' bị bắt vừa qua hoạt động sau 24h nhưng sau những vụ xử lý vừa qua chưa có cơ sở nào bị đóng cửa? Có ý kiến cho rằng cần biện pháp mạnh hơn?

- Tôi biết nhiều người rất muốn có biện pháp mạnh. Kể cả cá nhân tôi hay Bộ Văn hoá Thông tin. Nhưng mà chúng ta xử lý các vi phạm lại căn cứ vào luật. Luật lại quy định mức như thế nào thì xử phạt tiền, xử bao nhiêu, mức như thế nào thì đóng cửa. Thế thì chính cái đó sắp tới chúng ta phải hoàn chỉnh lại biện pháp xử lý. Vừa rồi nói chung biện pháp xử lý là nhẹ, không tương xứng với vi phạm mà họ gây ra, cũng không tương xứng mức độ lợi ích vật chất mà họ thu được do làm trái. Tới đây sửa quy định xử lý  thì cơ quan quản lý mới làm được. Chứ bây giờ tự mình nâng mức phạt lên thì người ta cho rằng mình xử sai luật.

- Một ''động lắc'' ở phố Bùi Thị Xuân (Hà Nội) mà có tới 200 người bị bắt quả tang. Bộ trưởng nhìn nhận như thế nào về trách nhiệm của cơ quan hữu quan trong vụ việc này?

- Đây là một cái buông lỏng quản lý của nhiều cơ quan, chính quyền cơ sở, của lực lượng từ văn hoá thông tin cho tới công an, kế hoạch đầu tư, thương mại chứ không phải của riêng một cơ quan nào. Từ người cấp phép cho tới người quản lý, người tổ chức hoạt động ấy.

- Tại sao chúng ta không có chế tài đối với cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp như chính quyền phường, thanh tra văn hoá quận?

- Tôi nghĩ trong khi chờ đợi biện pháp đồng bộ thì trước hết cứ làm cho thật tốt chức trách của từng cơ quan thì cũng đã tốt lên rất nhiều. Ví dụ chính quyền phường, ít nhất là bắt, xử lý dù nhẹ nhưng cứ bắt vài lần thì rõ ràng người ta cũng giảm bớt hẳn hoặc người ta biết sợ. Công an cũng phải ra quân mạnh mẽ hơn nữa và thường xuyên, đợt này công an làm rất mạnh. Vừa rồi chưa thường xuyên. Rồi ngành văn hoá cũng thế, phải phối hợp với các lực lượng này cùng nhau tiến hành biện pháp đồng bộ kiến nghị với Nhà nước biện pháp hoàn thiện chính sách.

- Theo ông, có việc bảo kê của quan chức chính quyền đối với những địa điểm ăn chơi ''thác loạn'' như vừa rồi?

- Phải nói rằng có sự tiêu cực trong bộ phận cán bộ, biết mà làm ngơ. Hoặc là nhận tiền, bảo kê, thậm chí góp vốn, hùn vốn với họ kinh doanh chia lời.

- Như vụ ở phố Bùi Thị Xuân, liệu chúng ta có nên xem xét kỷ luật đối với những cán bộ lãnh đạo phường, cơ quan văn hoá?

- Nếu quy trách nhiệm phải đồng bộ trong chính sách của nhà nước. Tôi được biết Thủ tướng đang có chỉ thị cho cơ quan chức năng xây dựng văn bản nữa quy định trách nhiệm của chính quyền cơ sở nếu để xẩy ra tình trạng này. Chứ còn bây giờ khi chúng ta xem xét theo quy định hiện hành thì ai liên quan trực tiếp người ấy bị xử lý.

- Nếu trách nhiệm cá nhân không gắn với vụ việc cụ thể như thế thì e rằng trong tương lai tiếp tục có vụ việc tương tự xẩy ra?

- Lĩnh vực này cũng giống một số lĩnh vực khác. Chưa nói là ý thức trách nhiệm của một số người chưa đầy đủ, mà ngay có ý thức đấu tranh với nó triệt để cũng là việc khó chứ không phải đơn giản. Để bắt được một vụ tại trận quả tang như vậy rất công phu. Phải điều tra, nghiên cứu, phải có trinh sát, phương tiện nghiệp vụ mới bắt được.

- Bộ trưởng vừa nói, sắp tới Thủ tướng yêu cầu xây dựng nghị định gắn trách nhiệm của chính quyền cơ sở với địa bàn nếu xẩy ra tệ nạn xã hội. Theo ý kiến cá nhân của Bộ trưởng, nên quy định trách nhiệm cho ai?

- Có lẽ chức năng bao trùm nhất là UBND phường, xã. Anh có quyền huy động lực lượng, giao nhiệm vụ cho công an...  Kể cả công tác vận động quần chúng anh cũng phài có trách nhiệm. Ví dụ ngoài xử lý người ta bằng pháp luật, bằng biện pháp hành chính thì cũng phải tăng cường giáo dục. Gia đình, bố mẹ thấy báo chí, truyền hình phản ánh tệ nạn như thế thì cũng phải xem con cái mình hàng ngày sinh hoạt như thế nào? Nó đi đêm về muộn là nó làm cái gì? Cũng phải kiểm tra giám sát con cái chứ không nên mọi thứ ''khoán'' hết cho chính quyền.

- Là Bộ trưởng Văn hoá Thông tin, ông cảm thấy có trách nhiệm như thế nào trong vụ việc xẩy ra liên tục gần đây?

- Tôi cảm thấy tôi cũng có trách nhiệm rất lớn. Trong cương vị của mình, vài ba năm nay, nhất từ năm ngoái đến năm nay, tôi thấy đây là lĩnh vực rất bức xúc. Nó có ảnh hưởng rất xấu đến đạo đức, lối sống của bộ phận người, trong đó có thanh niên. Mà không phải chỉ mình thanh niên đâu! Cũng có một số cán bộ tiêu cực vào đây ăn chơi thác loạn. Thế thì rõ ràng cái đó mình có trách nhiệm!

Trách nhiệm thì phải làm cái gì? Bản thân chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng thanh tra của bộ, ngành, tham gia phát hiện, đấu tranh, xử phạt rất nhiều. Thứ hai, Chỉ thị vừa ra nói trên là sản phẩm của Bộ Văn hoá Thông tin nhận thức thấy tình hình như vậy và đề xuất Thủ tướng. Thứ ba, lực lượng báo chí cũng phải có trách nhiệm. Bộ Văn hoá Thông tin luôn luôn vừa biểu dương, vừa khuyết khích là phải đấu tranh mạnh hơn nữa. Thì đấy, tất cả những việc làm, trực tiếp hoặc thông qua cơ chế để tác động được thì chúng tôi cũng đã cố gắng làm với mức tối đa.

- Bộ trưởng có khó khăn gì khi thực hiện trách nhiệm của mình không?

- Khó khăn rất nhiều! Không việc gì là mà không khó khăn cả! Thứ nhất, nếu sự phối hợp, không nói một người mà cả ngành có khi cũng khó làm được. Hai là điều kiện phương tiện. Ví dụ không có phương tiện nghiệp vụ cao thì làm sao anh có bằng chứng, anh ghi hình, ghi âm, chụp ảnh lại... có chứng cứ để mà xử lý.

Chứ thanh tra văn hoá cứ ''đeo biển'' đi thanh tra, đến làm xong thủ tục xuất trình giấy tờ yêu cầu nhà hàng cho tôi thanh tra thì chỉ cần động tác bấm chuông báo động là 2-3 phút sau mọi việc đã ngay ngắn lại rồi. Vào chỉ có xác nhận là nhà hàng này thực hiện nghiêm chỉnh.

Theo VNN

TUYETMINH