Hy vọng vào bước chuyển mới

Thể thao - Ngày đăng : 07:14, 27/10/2016

(HNM) - Sau 5 năm mòn mỏi, những ngày qua, người hâm mộ Thủ đô đã lại thấy bóng chuyền nữ Hà Nội trở lại với giải đấu đẳng cấp cao nhất của làng bóng chuyền Việt Nam. Với chức vô địch giải hạng A toàn quốc vừa giành được, sự trở lại giải đấu hàng đầu quốc gia của CLB Hóa chất Đức Giang Hà Nội mang đậm dấu ấn của

Các thành viên của đội bóng chuyền nữ Hóa chất Đức Giang Hà Nội. Ảnh: Đức Giang



Cách đây hơn 1 năm, trước khi chia tay nhiệm sở để nghỉ hưu theo chế độ, một trong những điều mong mỏi của Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội Nguyễn Đình Lân là được thấy bóng chuyền và bơi, những môn thế mạnh một thời của thể thao Hà Nội, lấy lại được vị thế. Những ngày tham gia công tác quản lý thể thao Hà Nội, ông Nguyễn Đình Lân đã nhiều lần nỗ lực để vực dậy bóng chuyền Hà Nội sau khi đội bóng chuyền nam, nữ Bưu điện Hà Nội bị giải thể hoặc xuống hạng - lần gần nhất diễn ra vào năm 2011. Nguồn kinh phí của thể thao Hà Nội đủ sức duy trì chuyện tập luyện, thi đấu của VĐV nhưng chuyện lương bổng lại gặp khó vì cơ chế. Bởi vậy, dù muốn "chiêu hiền đãi sĩ" nhưng bóng chuyền Hà Nội không dễ thực hiện, nhất là khi nhiều CLB luôn sẵn sàng trả hàng chục triệu đồng, thậm chí nhiều hơn nữa để chiêu mộ VĐV giỏi. Muốn giải quyết, chỉ còn cách trông vào doanh nghiệp. Nhưng lúc đó, không doanh nghiệp nào trên địa bàn Hà Nội "chịu chơi", cũng như muốn làm thương hiệu thông qua bóng chuyền. Bởi thế, Hà Nội đành trông vào các tuyến trẻ hoàn toàn “cây nhà lá vườn” để thi đấu tại Giải Bóng chuyền hạng A toàn quốc nhằm tranh vé lên hạng. Với dàn lực lượng và cơ chế lương thưởng như vậy nên cả đội nam và nữ Hà Nội đều lỡ nhịp trước những trận quyết định tranh vé thăng hạng.

Ngay trong năm 2016, đội bóng chuyền nữ Hà Nội cũng không trông mong nhiều vào việc thăng hạng dù sở hữu một số VĐV trẻ có năng lực. Chỉ sau giai đoạn 1, khi Công ty cổ phần Bột giặt và Hóa chất Đức Giang xuất hiện với mong muốn được tiếp nhận đội thì cơ hội mới mở ra. Như Phó Chủ nhiệm bộ môn bóng chuyền nữ (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) Bùi Đình Lợi đã chia sẻ, ở thời điểm đó, đấy là sự may mắn của bóng chuyền nữ Hà Nội. Bởi chính sự vào cuộc của doanh nghiệp đã giúp hiện thực hóa chế độ lương thưởng, thuê chuyên gia ngoại nhằm đưa bóng chuyền nữ Hà Nội (sau này đổi tên thành Hóa chất Đức Giang Hà Nội) có thể trở lại Giải vô địch Bóng chuyền quốc gia. Đội bóng với 11 cầu thủ được tạo điều kiện để chuyển giao về đơn vị mới. Những bước đi sau đó của Hóa chất Đức Giang Hà Nội đã chứng tỏ doanh nghiệp này có tham vọng đầu tư vào bóng chuyền thực sự. Để phục vụ mục tiêu thăng hạng, những VĐV như Phạm Thị Thắm, Vũ Thị Nga (Ngân hàng Công thương), Đặng Thị Thoan (Thông tin Liên Việt Postbank) đã được mời về trong ngắn hạn. Nhờ đó, Hóa chất Đức Giang Hà Nội đã giành tấm vé dự Giải Bóng chuyền nữ vô địch quốc gia năm 2017.

Câu chuyện sau ngày lên hạng là đội bóng sẽ làm gì để ít nhất là không bị xuống hạng sau mùa giải tới. Nguồn VĐV trẻ của đội không phải là vấn đề vì các tuyến trẻ của bộ môn bóng chuyền (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) có thể đáp ứng được. Vấn đề hiện tại là đội bóng cần lực lượng VĐV đủ mạnh sau khi chia tay những cầu thủ của Ngân hàng Công thương, Thông tin Liên Việt Postbank từng giúp đội thăng hạng. Đã có những kế hoạch ban đầu, từ việc chiêu mộ cầu thủ đến thuê chuyên gia Nhật Bản để đội bóng không rơi vào cảnh “lên nhanh, xuống cũng nhanh”. Thế nên, một chiến lược đầu tư lâu dài, nghiêm túc là điều cần nhất ở đội bóng lúc này, để bóng chuyền nữ Thủ đô có thể mở mày mở mặt sau gần chục năm trồi sụt liên miên.

Thùy An