Bầu cử Tổng thống Mỹ: Khi phái yếu nắm sức mạnh

Thế giới - Ngày đăng : 06:52, 27/10/2016

(HNM) - Chỉ còn gần hai tuần nữa sẽ đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (ngày 8-11). Các thăm dò dư luận đang cho thấy cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đang chiếm ưu thế trước đối thủ Donald Trump.


Ứng cử viên H.Clinton đang chiếm ưu thế trước ứng cử viên D.Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng.


Tại một số bang đã diễn ra các cuộc bỏ phiếu sớm và tính đến ngày 25-10 đã có khoảng 6 triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu, chủ yếu tại các thành phố: Chicago (bang Illinois), Charlotte (bang Bắc Carolina), Miami (bang Florida), Cleveland (bang Ohio) và Las Vegas (bang Nevada)... Dù việc kiểm phiếu chưa được thực hiện, nhưng thăm dò bên ngoài các điểm bỏ phiếu cho thấy ưu thế đang nghiêng về cựu đệ nhất phu nhân Mỹ. Hiện bà H.Clinton không chỉ giành lợi thế ở các bang truyền thống ủng hộ đảng Dân chủ mà còn dẫn trước ứng cử viên D.Trump tại những bang “cứ địa” của phe Cộng hòa. Điển hình như tại bang Florida, nơi mà đảng Cộng hòa dẫn trước đảng Dân chủ tới 5,3% trong cuộc bầu cử năm 2012 thì năm nay bà H.Clinton đang dẫn trước ông tỷ phú New York với tỷ lệ lần lượt là 47% so với 43%.

Ngoài ra, nữ chính trị gia 69 tuổi đang bỏ xa đối thủ trong các cuộc thăm dò dư luận trên toàn quốc. Theo kết quả thăm dò dư luận do ABC News tiến hành, cựu Ngoại trưởng Mỹ tiếp tục duy trì cách biệt lớn đối với ông D.Trump với khoảng 50% số người ủng hộ, trong khi ứng cử viên đảng Cộng hòa chỉ nhận được 38% sự hậu thuẫn. Đây là tỷ lệ ủng hộ lớn nhất mà bà H.Clinton có được kể từ khi khởi động chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng.

Kết quả này có được là nhờ sự vượt trội của ứng viên đảng Dân chủ sau 3 phiên tranh luận trực tiếp đầy căng thẳng. Tờ The Guardian của Anh đã bình luận, sau cuộc tranh luận lần 3, cục diện của cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay gần như đã ngã ngũ. Tờ báo Anh cho rằng thái độ của ông D.Trump khi trả lời câu hỏi về kết quả của cuộc bầu cử đã khiến cho chiếc ghế tổng thống ngày càng xa tầm tay của tỷ phú Mỹ. Việc ông tuyên bố chối bỏ kết quả bầu cử nếu thua cuộc và liên tục đưa ra những cáo buộc về sự dàn xếp bỏ phiếu không phải là lựa chọn hay, thậm chí nó còn khiến ông gần như đánh mất cơ hội ghi điểm cuối cùng với cử tri xứ Cờ hoa. Không có nhiều cử tri muốn ủng hộ người coi thường truyền thống của nền chính trị Mỹ và bác bỏ niềm tin của dân chúng. Bà H.Clinton cũng phải thốt lên ba từ “thật kinh hoàng” trước tuyên bố được đánh giá là “phát ngôn nguy hiểm chưa từng có” trong lịch sử bầu cử Mỹ suốt 240 năm qua.

Ngược lại, vượt qua những băn khoăn của một số cử tri về giới tính và tuổi tác, nhờ chiến thuật hợp lý trong các phiên tranh luận cùng với những quan điểm, chính sách cụ thể trước các vấn đề đối nội, đối ngoại, cựu Ngoại trưởng Mỹ ngày càng nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân. Một trong những điểm mấu chốt khiến bà giành được lợi thế trong các phiên tranh luận là làm cử tri thấy rằng ông D.Trump không phù hợp cho vị trí tổng thống. Phong thái tự tin của một chính trị gia giàu kinh nghiệm cũng truyền cho người dân niềm tin về một người có thể gánh vác trọng trách chèo lái nước Mỹ. Thế mạnh của bà H.Clinton càng được củng cố với sự xuất hiện của đệ nhất phu nhân Michelle Obama trong các cuộc vận động tranh cử tại các bang chủ chốt, thể hiện sự thống nhất trong nội bộ đảng Dân chủ với ứng viên của mình, cũng như sự ủng hộ của đương kim Tổng thống Barack Obama với cựu Ngoại trưởng Mỹ.

Thế nhưng, dường như không bận tâm tới những kết quả vừa được công bố, ông D.Trump tỏ ra khá lạc quan khi khẳng định ông “đang chiếm ưu thế trong cuộc đua vào Nhà Trắng” ở giai đoạn nước rút bất chấp việc bà Kellyanne Conway, người đứng đầu chiến dịch tranh cử của ông đã thừa nhận trên kênh truyền hình NBC rằng tỷ phú bất động sản đang “tụt lại phía sau”. Tất nhiên, sự lựa chọn cuối cùng sẽ thuộc về cử tri Mỹ. Song, những thuận lợi hiện có đang giúp bà H.Clinton thêm tự tin để đi vào lịch sử là nữ tổng thống đầu tiên của cường quốc số 1 thế giới.

Quang Huy