Hiệu quả trạm cấp cứu bên ngoài bệnh viện
Xã hội - Ngày đăng : 06:22, 28/10/2016
Cứu sống nhiều người bệnh
Ngày 25-10, Trạm cấp cứu vệ tinh Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, thuộc Trung tâm Cấp cứu 115, vừa cứu sống một thanh niên chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Trước đó, đêm 24-10 trung tâm đã nhận được cuộc gọi khẩn và điều xe đến hiện trường vụ tai nạn, chuyển bệnh nhân P.Q.V (26 tuổi, ngụ tại quận 8, TP Hồ Chí Minh) về Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, khẩn trương tiến hành phẫu thuật. Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh, sức khỏe có diễn tiến khả quan. Có thể nói, nhờ được xe cấp cứu 115 chuyển về bệnh viện kịp thời nên bệnh nhân P.Q.V có thêm cơ hội được hồi sinh sau chấn thương nặng.
Cần nhân rộng trạm cấp cứu vệ tinh để phục vụ tốt nhu cầu của người dân. |
Trường hợp bệnh nhân trên là một trong số rất nhiều người được cấp cứu kịp thời từ khi có trạm cấp cứu vệ tinh. Theo Trung tâm Cấp cứu 115, trong năm 2013 khi chưa thành lập hệ thống cấp cứu ngoại viện, mỗi ngày trung tâm chỉ nhận được hơn 10 cuộc gọi cấp cứu. Số xe cấp cứu cũng không đủ để thực hiện cho người dân mà chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ tại các sự kiện lớn. Đến năm 2015, trung tâm tiếp nhận trung bình 16 cuộc gọi/ngày, thu nhận trên 6.000 ca bệnh/năm. Chín tháng của năm 2016, số cuộc gọi cấp cứu đã tăng lên tới 90 ca/ngày. Số liệu trên cho thấy, người dân ngày càng tin tưởng dịch vụ cấp cứu ngoại viện.
Từ khi có các trạm cấp cứu vệ tinh, các cuộc gọi xe cấp cứu được thực hiện nhanh hơn. Trước đây, để huy động xe cấp cứu đến được hiện trường cần ít nhất 20 phút. Hiện nay, nhờ đặt các trạm vệ tinh gần nhất, thời gian điều xe và di chuyển xe đến hiện trường được rút ngắn, chỉ còn tối đa 10 phút để đến hiện trường ứng cứu cho người dân trong tình trạng khẩn cấp.
Phải đặt sinh mệnh người dân lên hàng đầu
Theo mục tiêu của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đến cuối năm 2016 trên địa bàn thành phố sẽ có 16 đến 18 trạm cấp cứu vệ tinh. Để thành lập được dịch vụ cấp cứu một cách nhanh chóng, Sở Y tế đã huy động nguồn lực của các bệnh viện tư nhân cùng tham gia dịch vụ cấp cứu cho người dân thành phố. Trong đó, các bệnh viện tư nhân đã bắt tay vào dịch vụ cấp cứu như Bệnh viện An Sinh, Bệnh viện Sài Gòn ITO. Việc xây dựng các trạm cấp cứu vệ tinh phủ sóng trên khắp địa bàn thành phố là chủ trương hết sức nhân văn, đi đúng hướng mà các nước trên thế giới áp dụng. Đồng thời, để các bệnh viện tư nhân tham gia vào dịch vụ cấp cứu cũng là cách phát triển theo mô hình của các nước tiên tiến nhằm bảo đảm cho người bệnh được hỗ trợ, điều trị một cách nhanh nhất, an toàn nhất.
Bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: Khi thiết lập các trạm cấp cứu vệ tinh, Sở Y tế đã thống nhất chủ trương dù đơn vị tham gia vào hệ thống cấp cứu là bệnh viện tư nhân hay bệnh viện công lập thì trước tiên phải đặt mục tiêu cứu người. Những trường hợp bệnh nhân cấp cứu gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thì bệnh viện phải có phương án hỗ trợ. Về vấn đề giá dịch vụ cấp cứu, Sở Y tế chủ trương đồng nhất tại tất cả các hệ thống trạm, không phân biệt giá bệnh viện công - tư.
Dẫu vậy vẫn còn không ít nỗi lo của các trạm cấp cứu. Bác sĩ Trần Vĩnh Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 cho biết, sau gần một năm triển khai, vẫn còn có các cuộc gọi cấp cứu được chúng tôi điều xe đi làm nhiệm vụ, nhưng khi đến nơi lại không có yêu cầu cấp cứu. Cụ thể, Trạm cấp cứu Sài Gòn trong 6 tháng đầu năm ghi nhận 17 trường hợp điều xe cấp cứu đến nơi nhưng không có yêu cầu cấp cứu; Trạm cấp cứu Bình Tân "bị" 3 trường hợp; Trạm cấp cứu Bệnh viện Xuyên Á "bị" 1 trường hợp. Theo bác sĩ Trần Vĩnh Khanh, một số cuộc gọi “ảo” có thể là hành vi gây rối đường dây nóng. Vì vậy, Ngành Y tế mong người dân nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm trước mỗi cuộc gọi cấp cứu.