Về miền đá ong

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:51, 28/10/2016

(HNM) - Đến xã Bình Yên (huyện Thạch Thất), đâu đâu chúng tôi cũng gặp những công trình xây dựng bằng đá ong ngả màu rêu phong đậm chất làng quê Việt. Trải qua hàng trăm năm, người dân nơi đây vẫn duy trì nghề đào đá ong và từng bước nâng tầm thành một nghệ thuật…


Màu rêu phong

Con ngõ nhỏ dẫn vào nhà ông Ngô Quốc Phạn (72 tuổi) ở thôn Vân Lôi (xã Bình Yên) đượm màu thời gian. Những bờ tường bao, những ngôi nhà đá ong nằm dọc hai bên con ngõ hun hút mang một vẻ đẹp bí ẩn, đầy lôi cuốn. Khuôn viên ngôi nhà ông Phạn rộng rãi, có nhiều cây xanh. “Nhà trên” ở chính giữa, là nơi tiếp khách và nghỉ ngơi của gia chủ, “nhà ngang” - nơi sinh hoạt ăn uống, đến các công trình “phụ” như nhà chăn nuôi, bờ tường bao, bờ miệng giếng khơi đều được dựng bằng thứ đá có màu nâu đỏ ấm áp. “Cổ nhất là bờ tường bao quanh khu nhà, được dựng lên từ thời ông nội của tôi” - ông Phạn tự hào giới thiệu. Bờ bao có độ cao khoảng 2m, các viên đá kích thước đều nhau (40cm x 20cm x 15cm) được gắn kết bằng chất liệu vữa đất đồi pha cát. Dù tồn tại hàng trăm năm nay nhưng vẫn vững chắc.

Những công trình xây dựng từ đá ong ở thôn Vân Lôi (xã Bình Yên).



Chia sẻ về đá ong bên ấm trà tươi - một thứ "vưu vật" của vùng đất đồi gò Thạch Thất, ông Phạn nói: “Nhà xây dựng bằng đá ong có độ bền cao, ấm áp vào mùa đông và mát mẻ khi hè về. Vì thế, từ xa xưa người dân vùng này đã sử dụng đá ong làm vật liệu chính trong xây dựng các công trình". Ở thôn Vân Lôi từ nhà dân đến đình, chùa, cổng làng và các công trình khác đều được dựng bằng đá ong.

Ông Lê Văn Chính, nhà gần đó cho biết: “Vân Lôi có 13 chiếc giếng làng cổ với đặc điểm chung là chưa khi nào hết nước. Mùa khô, khi giếng khơi trong các gia đình cạn nước chúng tôi vẫn lấy ở đây dùng”. Điểm nổi bật của những giếng khơi là được đào trong đá ong, thành giếng xây bằng đá ong, có nước trong veo, mát lành quanh năm. Người dân ở Vân Lôi cho biết, khu vực xã Bình Yên là mảnh đất của đá ong, một thứ đá ong nổi tiếng trong vùng xứ Đoài. Những vỉa đá ong trầm tích hình thành trong lòng đất hàng trăm, hàng nghìn năm qua ngoài cung cấp những mạch nước ngầm mát lành còn là vật liệu để người dân các thôn Vân Lôi, Sen Trì, Đồi Sen, Cánh Chủ, Yên Mỹ, Thái Bình… khai thác, sử dụng. Ông Đinh Công Thoa, một người thợ có hàng chục năm gắn bó với nghề đào đá ong, chia sẻ: “Cũng như viên đá là minh chứng cho nét xưa cũ, hồn hậu của làng quê, nghề đào đá ong chưa bao giờ thay đổi từ hàng trăm năm qua”. Đá ong ở Bình Yên gồm đá lộ thiên và đá nằm sâu dưới lòng đất. Điểm khác biệt của đá ong vùng này với các vùng khác, dù viên đá mới đào lên khỏi mặt đất hay có tuổi đời hàng trăm năm vẫn giữ được màu sắc tươi tắn, ấm áp.

Tận mắt chứng kiến quá trình tạo tác một viên đá mới thấy hết sự nhọc nhằn, chăm chỉ của thợ đá vùng bán sơn địa. Theo “thợ đá” Đinh Công Thoa, để có được những viên đá vuông vức, không những người thợ phải bỏ ra nhiều công sức mà còn cần đến sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi bàn tay, sự dẻo dai, bền bỉ từ đôi bàn chân. Đầu tiên là kinh nghiệm dò tìm mỏ đá, người thợ sẽ dùng thó để “thăm” các vỉa đá, “lưỡi đá mà to, rộng thì phiến đá dưới lòng đất sẽ dày, đào sẽ được nhiều lớp”. Dụng cụ đào đá quan trọng nhất là thó, tiếp đến là cuốc, xẻng và chiếc thước đo tỷ lệ viên đá. Thó có hai bộ phận là cán (dài khoảng 2m), thường làm bằng gỗ lim; lãn - lưỡi (dài khoảng 0,7m) bằng thép có độ cứng cao, đầu tạo hình vòng cung để tăng độ chính xác. Trong quá trình tạo tác một viên đá, đôi bàn tay người thợ làm nhiệm vụ dồn lực của cơ thể phóng thó vào đúng mạch để xén đá. Các thao tác đo kích thước, lăn, lật viên đá khi chỉnh sửa đều sử dụng đôi bàn chân nên đòi hỏi sự chính xác rất cao để bảo đảm an toàn. Ông Thoa tâm sự: “Chúng tôi thường đi đào đá từ sớm tinh mơ và thường kết thúc buổi làm việc khoảng giữa buổi sáng để tránh nắng. Vì vất vả, thu nhập không cao nên ít người còn đeo đuổi nghề này”.

Giữ hồn làng quê

Thạch Thất là địa phương nhiều đá ong nhất xứ Đoài và xã Bình Yên được mệnh danh là “thủ phủ”. Từ xưa đến nay, hầu hết các thôn trong xã đều có nghề đào đá ong làm vật liệu xây dựng. Vì thế, dù quá trình đô thị hóa len lỏi đến mọi vùng quê thì ở Bình Yên vẫn còn gần 80% công trình xây dựng trong dân được làm từ đá ong. Đặc biệt, các công trình đình, chùa, cổng làng, giếng làng… dùng đá ong tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Ông Lê Văn Mão, Chủ tịch UBND xã Bình Yên cho biết, hàng chục năm trước, nghề đào đá rất phổ biến ở xã Bình Yên, người dân vừa sử dụng vừa bán ra bên ngoài. Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện quy hoạch Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, quy mô giảm dần vì phần lớn các “mỏ đá” nằm trong quy hoạch. Phần nữa là các công trình xây dựng nhà cao tầng, người dân không sử dụng đá ong, thay vào đó là gạch nung.

Dù đang bị mai một nhưng so với các địa phương khác ở xứ Đoài, nghề đào, chế tác đá ong ở xã Bình Yên vẫn được nhiều người dân duy trì và khai thác các mỏ đá phù hợp với quy hoạch. Cả xã hiện có khoảng 50 “thợ đá” và đã xuất hiện một số cơ sở chế tác đá ong mỹ nghệ, trong đó nổi tiếng là cơ sở của anh Tăng Hữu Dũng. Xuất thân là một “thợ đá”, anh Dũng từng bước tìm hiểu, tiếp cận nhu cầu của thị trường và gây dựng nên cơ sở đá ong mỹ nghệ trong 10 năm trở lại đây. Sản phẩm của anh Dũng rất đa dạng, tạo hình các loại linh vật, cột đá, bức phù điêu đến các sản phẩm đời thường như chậu hoa cây cảnh, bàn uống nước, hòn non bộ… Anh Dũng bộc bạch: “So với các loại đá xanh, đá hoa cương… đá ong rất mềm và giòn, kết cấu lỗ chỗ nên đòi hỏi người thợ phải rất cẩn trọng trong quá trình chế tác. Ngoài dụng cụ phổ thông như đục, chạm khắc thủ công bằng tay thì người thợ không được dùng dụng cụ nào khác để hỗ trợ”. Minh chứng dễ hiểu nhất là quy trình làm ra một viên đá (sản phẩm có kỹ thuật đơn giản nhất so với các sản phẩm mỹ nghệ từ đá ong khác) từ hàng trăm năm qua không thay đổi, người thợ vẫn phải dùng thó đào từng viên đá trong lòng đất. “Đưa khối đá ong thành tác phẩm mỹ nghệ là cả một quá trình công phu, tỉ mỉ và đòi hỏi tính điềm tĩnh của người thợ” - anh Dũng đúc rút. Chính những đặc tính của đá ong mà cơ sở của anh Dũng đã tạo ra những tác phẩm mỹ nghệ “có một không hai”, vừa bảo đảm nét cổ xưa nhưng vẫn có hình khối thanh thoát, mềm mại và sinh động riêng có. Trong nhiều năm theo nghề, điều khiến anh Dũng thấy vui và ý nghĩa nhất là đã góp phần nhỏ vào việc bảo tồn, phát huy một số di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng ở xứ Đoài như cung cấp vật liệu đá ong để tu sửa, tôn tạo Thành cổ Sơn Tây, Lăng Ngô Quyền, chợ Mía, đền Hùng…

Chia tay Bình Yên, trong tâm trí chúng tôi luôn hiện hữu những mảng màu nâu đỏ thân thương như lời thì thầm của ngàn xưa vọng về. Nhưng để giữ mãi được những mảng màu đậm chất làng Việt như ở Bình Yên bây giờ không dễ. Đúng như lời trăn trở của ông Ngô Văn Cường, Phó Trưởng thôn Thái Bình (xã Bình Yên): “Bây giờ chỉ người lớn tuổi là muốn ở trong những ngôi nhà xây bằng đá ong, vì nó đã quá quen thuộc với đời sống của họ!”. Vì thế, có nhiều gia đình ở đây khi có điều kiện họ sẵn sàng đập bỏ nhà xây dựng bằng đá ong và thay thế vào đó là những ngôi nhà xây gạch, đổ bê tông kiên cố.

Chí Kiên